Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sở GD-ĐT TP.HCM kiểm tra phương án mở cửa trường học tại xã đảo Thạnh An

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 30-9, đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT TP.HCM do Phó Giám đốc Dương Trí Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc thực tế tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ về phương án mở cửa trường học đối với địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19, cụ thể là Trường TH Thạnh An và Trường THCS, THPT Thạnh An.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng làm việc tại xã đảo Thạnh An

Trong buổi làm việc, lãnh đạo huyện Cần Giờ cho biết sẽ lùi thời gian học sinh xã đảo Thạnh An đi học lại đến ngày 11-10.

Trước phương án mở cửa trường học của 2 đơn vị, đoàn kiểm tra đã có nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện thêm về kế hoạch dạy học, phương án phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, phụ huynh khi đi học lại.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng khẳng định, hiện Thạnh An được đánh giá là vùng xanh, việc tận dụng “thời gian vàng” đưa học sinh trở lại trường, giúp các em tiếp thu kiến thức là rất cần thiết.

Song, là huyện đầu tiên tại thành phố có đề xuất, kiến nghị cho học sinh trở lại trường, do đó cần triển khai thật tốt từ công tác chuyên môn đến phương án phòng chống dịch để có thể trở thành “điểm mẫu” giúp các quận huyện khác học hỏi, tạo sự an tâm an toàn cho phụ huynh, học sinh.

Lãnh đạo Sở cho rằng, phòng GD-ĐT huyện cần nghiên cứu thêm văn bản, đề xuất thêm các tiêu chí an toàn trường học. Phải thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong từng tuần, theo dõi phản ứng của phụ huynh để siết thêm sự an toàn…


Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân trao đổi với đoàn về phương án mở cửa trường học

Phương án đi học lại phải hết sức cụ thể, bao gồm kế hoạch diễn tập, dự báo tình huống có thể xảy ra. Trong đó, phân công, phân vai vai trò của từng thành viên trong tổ COVID. Nhà trường có thể chuyển phương án qua dạng sơ đồ, slide, thông tin ngắn gọn, dễ hiểu để nội dung dễ chuyển tải đến giáo viên, học sinh.

“Phương án diễn tập thực tế các trường cần tính toán nếu có 1 trường hợp F0 thì khoanh vùng nào, lớp học đó di chuyển về đâu, phối hợp với địa phương đảm bảo quy trình phòng chống dịch ra sao, liên hệ với số điện thoại đường dây nóng nào… Trong phương án phải nêu bật được cái riêng, đặc thù của trường để chủ động trong từng tình huống”, ông Dũng chỉ rõ.  

Cũng theo lãnh đạo Sở, khi thực hiện phương án “1 cung đường 2 điểm đến” hay “3 tại chỗ” khi đi học trực tiếp, các trường phải đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế. Tính toán để mọi học sinh đều tiếp cận được chương trình, kiến thức dù là học trực tiếp hay trực tuyến, đặc biệt với học sinh ấp Thiềng Liềng cần thiết phải có phương án riêng.

Trao đổi với đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân thừa nhận, dù địa phương là vùng xanh; lãnh đạo huyện, xã, phòng giáo dục và nhà trường rất quyết tâm mở cửa trường học song “rất lo lắng khi cho học sinh đi học trở lại”.

Huyện đã 2 lần được đánh giá kiểm soát được dịch COVID-19. Từ ngày 12-9 đến nay, địa bàn xã không phát sinh thêm ca bệnh nào mới, không có ca nào F0. Trên cơ sở huyện kiểm soát được dịch bệnh từng bước nới lỏng các hoạt động trong đó có công tác giáo dục. Quan điểm của huyện là thực hiện có thực tiễn, khoa học, không thể viện lý do “khó khăn mà không làm”.


Đoàn kiểm tra làm việc tại Trường THCS- THPT Thạnh An

Theo ông Xuân, với các trụ cột: kiểm soát được dịch bệnh; điều kiện cơ sở vật chất trường lớp tốt; sĩ số học sinh ít; sự đồng thuận của phụ huynh, độ phủ vắc xin cao; đa phần học sinh đều nằm trên địa bàn xã đảo…, huyện đã thống nhất với quan điểm mở cửa trường học tại xã đảo Thạnh An.

“Ban đầu huyện dự kiến ngày 4-10 sẽ tổ chức thí điểm học sinh xã đảo Thạnh An đi học lại. Tuy nhiên, qua trao đổi với đoàn, nhận thấy cần phải xây dựng lại, bổ sung thêm phương án, bộ tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại…, nên việc mở cửa trường học sẽ được huyện dời đến ngày 11-10 để có thêm thời gian chuẩn bị, thực hiện xét nghiệm cho đội ngũ, nhất là theo dõi, đánh giá thêm tình hình thành phố nới lỏng giãn cách…”, ông Xuân nói.

Với học sinh ngoài địa bàn huyện, theo ông Xuân khi các trường tổ chức dạy học trực tiếp huyện có thể đón các em về địa phương nhưng học sinh ngoài thành phố thì khó. Vì thế, giải pháp vẫn là dạy trực tuyến cho những học sinh này.

Thống nhất việc lùi thời gian cho học sinh đi học trực tiếp của huyện Cần Giờ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng cho rằng, thời gian tới các trường cần hoàn thiện phương án cụ thể nhất. Khảo sát lại ý kiến phụ huynh cho học sinh trở lại trường, đảm bảo lấy 100% ý kiến phụ huynh. Về việc thiếu giáo viên, nhà trường có thể nghiên cứu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để dạy hợp đồng, thỉnh giảng…

Trước đó, thông tin đến đoàn kiểm tra về phương án mở cửa trường học tại xã đảo Thạnh An, bà Võ Thị Diễm Phượng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ) cho biết, phương án đi học lại được các nhà trường xây dựng trên nhiều cơ sở. Bao gồm: sự đồng thuận cao của phụ huynh (trên 90%); đội ngũ giáo viên là người địa phương, dễ dàng thực hiện 3 tại chỗ; hơn 90% giáo viên tiêm mũi 1, gần 80% tiêm mũi 2…

Các trường đã xây dựng được thời khoá biểu, quy định về lệch ca, khoảng cách…, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và địa phương hỗ trợ công tác giám sát, phòng chống dịch. Đặc biệt, huyện cũng đã có kế hoạch xét nghiệm PCR cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục trước khi trở lại trường học.

Tại Trường TH Thạnh An, phương án đi học trực tiếp được tổ chức cho 111 học sinh khối lớp 1, 2 ở cả 2 cơ sở, các khối lớp còn lại sẽ tiếp tục học trực tuyến. Học sinh đến trường được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, phân luồng; Chia ca, lệch giờ vào học, giờ ra chơi, ra về; bố trí ghế ngồi đảm bảo khoảng cách cho phụ huynh khi chờ đón con, có nhân viên giám sát học sinh ngoài sân trường tránh tụ tập.


Các trường đã cơ bản xây dựng được phương án an toàn đón học sinh trở lại trường

Trường thành lập Ban chỉ đạo phòng chống COVID, tổ chức tổng vệ sinh toàn trường, phun khử khuẩn, bổ sung trang thiết bị phòng chống dịch. Mỗi lớp học không quá 30 em, bàn ghế đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m. Cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ mang khẩu trang khi đi học lại, thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”. Giáo viên thực hiện “3 tại chỗ”.

“Hơn 94% phụ huynh đồng thuận với phương án đi học lại. Hiện toàn trường có 28/30 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19. Sĩ số học sinh trung bình 20 em/lớp, thuận lợi khi tổ chức học sinh đi học lại trong bối cảnh dịch. Dù vậy, việc giáo việc phải đi lại giữa 2 cơ sở Thạnh An và Thiềng Liềng, một số học sinh đang ở ngoài xã đảo… cũng là rào cản nhỏ khi tổ chức phương án đi học lại”, thầy Lê Hữu Bình (Hiệu trưởng nhà trường) nói.

Đối với Trường THCS-THPT Thạnh An, phương án đi học trực tiếp được thực hiện với 131 học sinh khối 6, 9 và 12, theo hình thức 50:50, trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các khối lớp còn lại tiếp tục học qua internet.

Trường bố trí, sắp xếp bàn ghế học sinh đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m, phòng học không quá 30 em/lớp. Cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường sẽ mang khẩu trang suốt thời gian tại trường, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, phân luồng. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”, giáo viên thực hiện “3 tại chỗ”. Trường hợp giáo viên, học sinh đang ở khu vực phong toả, vùng đỏ sẽ vẫn dạy và học qua internet

Thầy Nguyễn Bảo Ngọc (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, thuận lợi của trường khi đón học sinh trở lại là tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong đội ngũ giáo viên cao 95%; sĩ số học sinh/lớp thấp, dao động từ 20-30 em, đa số đều cư ngụ trên xã đảo Thạnh An; 90% phụ huynh đồng thuận. Tuy nhiên, trường còn 3 giáo viên đang ở ngoài thành phố và 20 học sinh đang ở ngoài xã Thạnh An.

Yến Hoa

Bình luận (0)