Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sở GD-ĐT TP.HCM lý giải sức hút của giáo dục thường xuyên TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng, có 3 “từ khóa” quan trọng để hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) của TP.HCM ngày càng thu hút được phụ huynh học sinh sau THCS.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng phân tích về chất lượng dạy và học của các trung tâm GDTX tại TP.HCM

Bao gồm: cơ sở vật chất khang trang; phương pháp giảng dạy đổi mới; hiệu quả của công tác hướng nghiệp, phân luồng…

Trên 91% học viên GDTX đậu đại học

Trái ngược với cảnh “èo uột” tuyển sinh khoảng 5 năm trước, vài năm nay, các trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX của TP.HCM luôn “nóng” mỗi mùa tuyển sinh khi nhu cầu của phụ huynh học sinh sau THCS cao hơn so với chỉ tiêu tiếp nhận của đơn vị.

TP.HCM hiện có 32 trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX. Năm học 2023-2024, khối THPT hệ GDTX có 38.283 học viên. Trong đó, số học viên lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT là 9.189 em, tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 97,39%, cao hơn năm 2022-2023 và cao nhất trong nhiều năm nay.

Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT và tỷ lệ CĐ, ĐH tại các trung tâm GDTX TP.HCM mỗi năm đều tăng. Đến năm học 2023-2024, tỷ lệ này gần như tiệm cận với tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT ở hệ THPT TP.HCM (99,68%). Cụ thể:

Năm học

Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT

Tỷ lệ đậu CĐ, ĐH

2021-2022

94,27%

91,56%

2022-2023

96,81%

91,19%

2023-2024

97,39%

(chưa có kết quả
đến thời điểm thống kê)

Ông Dương Trí Dũng cho rằng hiệu suất đào tạo ngày càng “tiệm cận” với hệ THPT được xem là minh chứng rõ rệt nhất về chất lượng giáo dục của hệ GDTX tại TP.HCM. Các trung tâm GDTX có sự chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, bước vào guồng chung đổi mới của ngành giáo dục TP, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

“Nếu có dịp dự giờ 1 tiết học của thầy trò ở một trung tâm GDTX tại TP.HCM thì sẽ nhận thấy những tiết học này không hề khác so với tiết học ở các trường THPT công lập của TP. Thầy cô mạnh dạn ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học với những bài giảng số, đa dạng các hoạt động, tạo sự hứng thú cho học sinh; Học viên chủ động tương tác với giáo viên. Sự đổi mới của đội ngũ GDTX của TP đã hoàn toàn tiệm cận với đội ngũ giáo viên phổ thông, thậm chí thầy cô còn nỗ lực hơn rất nhiều vì đặc thù các em học GDTX có sự đa dạng hơn” – ông Dũng nêu dẫn chứng.

Đưa trung tâm GDNN-GDTX về Sở GD-ĐT

Thực hiện Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX, Sở GD-ĐT TP.HCM đã lấy ý kiến các quận, huyện; sở, ban ngành TP về việc đưa trung tâm GDNN-GDTX về Sở GD-ĐT trực tiếp quản lý và hiện đã trình UBND TP.

Khi được thông qua, điều này sẽ tạo thuận lợi cho TP.HCM trong việc chỉ đạo xuyên suốt về chuyên môn, đội ngũ, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của các trung tâm GDTX.


Học viên Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5) trong một giờ học

Theo ông, hàng năm Sở GD-ĐT rất chú trọng bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trung tâm GDTX. Phòng GDTX – Chuyên nghiệp và Đại học của sở luôn chỉ đạo xuyên suốt về chuyên môn. Trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi GDTX cấp TP năm nay, lần đầu tiên Sở GD-ĐT đưa nội dung thi thiết kế giáo án điện tử E-learning, nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa thầy cô trong đổi mới phương pháp giảng dạy… Đặc biệt, với những đề án, chỉ đạo lớn của ngành như trí tuệ nhân tạo; chuyển đổi số; trường học thông minh, lớp học thông minh thì hệ thống GDTX đều được triển khai sớm, mạnh mẽ…

 “Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy của đội ngũ GDTX đã “nâng chất, nâng tầm” các trung tâm. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm sau đều cao hơn năm trước. Hàng năm, thủ khoa các môn thi tốt nghiệp THPT cũng đến từ GDTX. Đơn cử như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều học viên ở trung tâm GDNN-GDTX quận 1, quận 3, quận 6, Tân Bình, Tân Phú, quận 12 đạt điểm 10 môn lịch sử, địa lý. Đây là điều rất đáng tự hào…” – ông Dương Trí Dũng phấn khởi.

Hàng trăm tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất trung tâm GDTX

Ông Dương Trí Dũng cũng cho biết, những năm qua, TP có chủ trương đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các trung tâm GDTX. Hiện nay, gần như 100% trung tâm GDTX đã được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, chỉ trừ một số trung tâm có quỹ đất hạn chế, phân tán nhiều cơ sở thì Sở GD-ĐT TP sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương để đầu tư, nâng cấp.


Các trung tâm GDTX tại TP.HCM ngày càng tạo được sức hút với phụ huynh học sinh

Các trung tâm GDTX thời gian qua được TP đầu tư với nguồn kinh phí lớn như dự án xây mới Trung tâm GDNN-GDTX quận 6 (cơ sở 1) với kinh phí gần 39 tỷ đồng; dự án cải tạo, mở rộng Trung tâm GDNN-GDTX huyện Củ Chi  với kinh phí trên 53,3 tỷ đồng; dự án đầu tư, cải tạo mở rộng Trung tâm GDNN-GDTX quận 8 với tổng mức đầu tư hơn 51,2 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm GDTX Tiếng Hoa quận 5 với tổng mức đầu tư trên 43 tỷ đồng.

“Sự quan tâm đầu tư của TP đã mang đến diện mạo mới cho các trung tâm GDTX. Cạnh đó, mỗi trung tâm cũng thực hiện tốt công tác xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị dạy và học, đáp ứng yêu cầu của đổi mới. Phòng học được trang bị máy chiếu, ti vi kết nối internet, tạo điều kiện để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, thu hút người học” – ông Dũng đánh giá.

Học sinh giỏi cũng chọn GDTX

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận thêm, việc các trung tâm GDTX có được kết quả tuyển sinh ấn tượng trong vài năm nay được xem là hiệu quả của công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS. Trước đây, quan niệm của phụ huynh học sinh là chỉ học sinh yếu, kém mới vào học GDTX. Thế nhưng, hiện nay học sinh khá, giỏi vẫn chủ động đăng ký học GDTX.

Ông phân tích: Đầu ra của hệ GDTX là tương đương với hệ THPT về bằng cấp. Học GDTX cũng thi chung đề, chung kỳ thi với hệ THPT, bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau, từ đó các em có thể bước lên các bậc học cao hơn. Do đó, khi lựa chọn học GDTX thì không có gì thiệt thòi so với hệ THPT. Thậm chí, so với hệ THPT thì GDTX còn có tính đặc thù linh hoạt hơn, các em có thể vừa đi làm, vừa đi học. Hiện nay, các trung tâm GDTX tại TP.HCM vừa song song dạy chương trình THPT hệ GDTX, vừa liên kết với các trường CĐ, TC nghề giáo dục nghề nghiệp miễn phí cho các em. Sau 3 năm học, các em vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT, có thể liên thông lên cao đẳng, đại học theo nguyện vọng hoặc tham gia thị trường lao động.

“Công tác hướng nghiệp, phân luồng hiện nay đã giúp phụ huynh học sinh hiểu đúng, hiểu sâu về hệ GDTX để lựa chọn. Vài năm nay, Sở GD-ĐT TP thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trung tâm GDTX, dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, để đảm bảo được chất lượng giáo dục. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục thực hiện công tác truyền thông; đẩy mạnh hướng nghiệp phân luồng từ xa, từ sớm để phụ huynh học sinh hiểu được tính ưu việt của hệ GDTX” – ông Dũng nói.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)