Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản khẩn sau vụ hàng loạt phụ huynh bị lừa đảo “con nhập viện cấp cứu”

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 6-3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản khẩn yêu cầu chấn chỉnh công tác liên lạc giữa trường và gia đình sau vụ lừa đảo “học sinh nhập viện”


Sở GD-ĐT TPHCM ra văn bản khẩn chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa nhà trường với gia đình

Chấn chỉnh công tác liên lạc giữa nhà trường với gia đình

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi trưởng phòng giáo dục và đào tạo TP. Thủ Đức và các quận, huyện; hiệu trưởng các trường THPT; giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc rà soát chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.

Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn thông tin, sự kết nối liên lạc thông suốt giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị rà soát, kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin học sinh, sinh viên, giáo viên đang được quản lý tại đơn vị.

Đề nghị phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đề nghị thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở khẩn trương kiểm tra, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình, công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo sự kết nối liên lạc thông tin.

Đồng thời, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin, tránh trường hợp thông tin sai sự thật.

Được biết, văn bản khẩn của Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra trong bối cảnh nhiều trường hợp phụ huynh học sinh tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tiền với thủ đoạn lừa đảo là điện thoại thông báo con em họ phải nhập viện cần tiền phẫu thuật gấp.

Theo cảnh báo từ Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến chiều 6-3 đã có 6 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo với hình thức này với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong đó, có nhiều trường hợp là học sinh của trường quốc tế, trường tiểu học.

Cũng trong chiều 6-3, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cũng đã phát cảnh báo đến phụ huynh toàn trường về trường hợp 1 phụ huynh của trường đã bị lừa chuyển khoản số tiền 100 triệu đồng với phương thức lừa đảo tương tự. Nhiều phụ huynh của trường sau đó đã thông tin lại rằng bị kẻ gian điện thoại thông báo con đi học bị té vỡ đầu phải đưa vào Bệnh viện 115 cấp cứu. Tuy nhiên, những phụ huynh này đã cảnh giác nên không bị lừa.

Phụ huynh thận trọng chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội

Trước sự việc trong vài ngày gần đây, nhiều trường hợp phụ huynh học sinh một số trường học tại TP.HCM bị lừa đảo hàng chục triệu đồng với thủ đoạn mới là kẻ gian điện thoại thông báo con đang nằm viện cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền. Chiều 6-3, trao đổi với phóng viên, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh cho hay, đây là hình thức lừa đảo mới, đánh vào tâm lý lo lắng của phụ huynh học sinh với sức khỏe của con.

Tuy nhiên, ông Minh cho biết, trước các thông tin này, phụ huynh học sinh cần hết sức bình tĩnh, điện thoại xác minh lại với nhà trường. Đặc biệt, nếu trường hợp con nằm viện cấp cứu phía bệnh viện sẽ có trách nhiệm thông báo trực tiếp với phụ huynh học sinh.

“Hiện nay, Sở GD-ĐT đang yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn thành phố phải rà soát lại số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, cung cấp đến phụ huynh học sinh. Đường dây nóng phải hoạt động một cách thực sự “nóng”, trong các trường hợp khẩn cấp cần thông tin ngay lập tức đến phụ huynh, đồng thời có người túc trực để phụ huynh liên hệ trong các trường hợp cần thiết” – ông Hồ Tấn Minh thông tin.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc đối tượng lừa đảo dễ dàng có được thông tin của học sinh từ tên, lớp, trường, số điện thoại liên hệ của phụ huynh, liệu có phải thông tin liên lạc của phụ huynh đã bị lọt, lộ. Ông Hồ Tấn Minh khẳng định, mọi thông tin của phụ huynh học sinh liên quan đến ngành giáo dục trên cơ sở dữ liệu ngành đều được bảo mật hết sức nghiêm túc. Tuy nhiên, thông tin lọt lộ có thể đến từ chính phụ huynh học sinh khi chia sẻ trên các hội, nhóm mạng xã hội.

“Hiện nay, phụ huynh thường xuyên thành lập các hội nhóm của phụ huynh trên mạng xã hội, các thông tin cá nhân cũng dễ dàng được đăng tải trên đây. Đây có thể là “kẽ hở” để các đối tượng xấu lợi dụng lấy thông tin. Vì vậy, phụ huynh cần hết sức thận trọng, cảnh giác khi chia sẻ các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tránh để đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo”- Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến cáo.

Yến Hoa

Bình luận (0)