Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thực hiện 37 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thực hiện 37 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không xảy ra điểm nóng khiếu nại, tố cáo trong trường học.


Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thực hiện 37 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm học mới

Thông tin về kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm học 20230-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trong năm học Sở GD-ĐT sẽ thực hiện 37 cuộc thanh tra các cơ sở giáo dục trong, ngoài công lập; các phòng giáo dục; trung tâm ngoại ngữ, tin học, dạy thêm học thêm, kỹ năng sống; các kỳ thi. Trong đó, chú trọng thanh tra công tác phòng chống tham nhũng; phòng chống bạo lực học đường, an toàn trường học; quản lý thu, sử dụng học phí và các nguồn lực tài chính khác; tổ chức hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở tư vấn du học; thực hiện Chương trình GDPT 2018…

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2022-2023, Sở đã tổ chức 27 cuộc thanh tra, kiểm tra với 95 đơn vị. Thực hiện 18 cuộc kiểm tra đột xuất đối với 27 đơn vị, qua đó ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt 204,5 triệu đồng. Trong năm đã tiếp nhận và xử lý 446 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị với 46 đơn thuộc thẩm quyền, 101 đơn không thuộc thẩm quyền.

Sở GD-ĐT nêu rõ, còn tình trạng việc phân công giảng dạy đối với cán bộ quản lý chưa đúng theo quy định. Trong những cơ sở được kiểm tra và qua đơn thư phản ánh của công dân, tại thời điểm kiểm tra một số trung tâm ngoại ngữ chưa kịp thời cập nhật pháp lý hoạt động theo quy định. Giấy phép hoạt động giáo dục hết hạn, chưa xin cấp phép mới; một số trung tâm đã có quyết định thành lập trung tâm, nhưng chưa có quyết định cho phép hoạt động giáo dục. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số trung tâm ngoại ngữ không đảm bảo điều kiện hoạt động giáo dục nhưng vẫn tổ chức dạy và thu tiền học viên.

Nhân sự phụ trách công tác thanh tra tại Thanh tra Sở còn thiếu so với định biên, nhân sự làm công tác kiểm tra, xử lý đơn thư còn phân công kiêm nhiệm đối với phòng giáo dục và đào tạo.

Sở GD-ĐT đánh giá, trong năm học, cha mẹ học sinh vẫn còn e ngại trong tiếp xúc trực tiếp với nhà trường để giải đáp những thắc mắc, phản ánh kiến nghị. Còn cán bộ, giáo viên chưa nắm rõ chủ trương, nhiệm vụ thiếu hợp tác với nhà trường gây khó khăn trong công tác quản lý và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Còn bộ phận hiệu trưởng các trường THPT công lập, ngoài công lập chưa kịp thời quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nên còn nhiều trường hợp gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không đúng thẩm quyền.

Năm học 2023-2024, ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo làm tốt công tác tham mưu, trên nguyên tắc nội dung nào thuộc chức năng, nhiệm vụ thì chủ động giải pháp thực hiện, nội dung nào không thuộc thẩm quyền thì phối hợp, tham mưu. Quan tâm trực tiếp đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thực hiện nghiêm bố trí nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất địa điểm tiếp dân; cán bộ tiếp dân đảm bảo có nghiệp vụ, có thái độ ứng xử đúng mực. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục khi triển khai các hoạt động giáo dục cần kỹ lưỡng, nền nếp, công khai rõ ràng đem lại sự an tâm, tin tưởng, tạo sự đồng thuận cha mẹ học sinh, đội ngũ…

Đối với các cơ sở giáo dục, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu, tuyên truyền đội ngũ, phụ huynh, học sinh những vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ, tạo sự đồng thuận khi triển khai. Hiệu trưởng nhà trường tăng cường quản trị, kiểm tra, kiểm soát hoạt động các bộ phận, cá nhân, nhằm phát hiện sớm hạn chế, sai sót, hiện tượng tiêu cực để có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng.

Giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo ngay từ cấp cơ sở, đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu sẽ phát sinh đông người, phức tạp.

Đặc biệt, nhà trường cần có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua việc đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ, do đây là công việc rất khó khăn.

“Trong quá trình giải quyết đơn phải cầu thị, coi trọng công tác hòa giải, đối thoại, tuyệt đối không được né tránh trách nhiệm, vòng vo, không dám nhìn nhận những thiếu sót của đội ngũ và trong công tác quản lý để điều chỉnh cho phù hợp. Có sai, có sửa, có điều chỉnh và nhận thiếu sót” – ông Lê Hoài Nam yêu cầu.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)