Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý các trường trung học trên địa bàn thành phố cần rà soát việc dạy học 2 buổi/ngày, soi với Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm, để không bị bắt lỗi “dạy thêm trá hình” trong nhà trường.
Yêu cầu được lãnh đạo Sở GD-ĐT nêu ra tại Hội nghị Sơ kết HKI và triển khai nhiệm vụ trọng tâm HKII năm học 2024-2025 đối với giáo dục trung học, sáng 21-1.
Cụ thể, ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, TP.HCM trước khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT ban hành đã triển khai không dạy thêm trong trường, do vậy thông tư không ảnh hưởng đến việc dạy và học trong nhà trường
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc dạy 2 buổi/ngày thì nhà trường cần thực hiện đúng theo quy định, không sẽ dễ bị bắt lỗi “dạy thêm trá hình” qua việc dạy 2 buổi/ngày. Việc dạy học 2 buổi/ngày không được cắt tiết để mang nội hàm của dạy thêm, học thêm, vi phạm theo Thông tư 29.
“Nhà trường cần rà soát lại việc dạy học 2 buổi/ngày của trường, nội hàm của việc dạy học 2 buổi/ngày cần bám sát vào hướng dẫn của Sở GD-ĐT, hướng tới giáo dục học sinh hội nhập quốc tế…” – ông Tân yêu cầu.
Đối với việc triển khai học bạ số, ông Tân nêu rõ, trong HKII này mỗi quận huyện chọn một số trường để thí điểm học bạ điện tử song song với học bạ số. Trong đó dự toán để tuyệt đối không thu bất kỳ khoản kinh phí nào của người học trong thời gian thí điểm.
Đối với việc thực hiện Thông tư 29, ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 đề nghị Sở GD-ĐT TP có hướng dẫn sâu và chi tiết cho giáo viên trong thực hiện.
Nhấn mạnh rõ hơn, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị trong HKII nhà trường cần rà soát kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, kế hoạch ngoài giờ chính khóa. Trong đó cần đặc biệt chú ý cần thực hiện đúng theo Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Việc dạy học 2 buổi/ngày cần thực hiện theo đúng hướng dẫn.
“Thông tư 29 có nhiều nội dung mới, không tránh khỏi các thầy cô tâm tư. Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên cần nghiên cứu kỹ thông tư để thực hiện cho đúng, cho sát” – lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở toàn khối lớp bậc trung học. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong HKI năm học, toàn bậc trung học đã thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát huy năng lực, phẩm chất người học. Các trường đã triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động dạy học kết hợp trực tiếp với dạy học hệ thống LMS, học liệu số tương tác, đồng thời đã chú ý đến phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động chuyên môn.
Tránh tạo áp lực cho học sinh khi tham gia các hội thi
Thông tin thêm về một số kế hoạch của giáo dục trung học trong HKII, ông Phạm Quang Tâm – Phó phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trong HKII sẽ có nhiều hội thi, cuộc thi: học sinh giỏi cấp thành phố lớp 9, 12; cuộc thi Olympic cho học sinh lớp 10, 11; cuộc thi sáng tác ảnh, đầu bếp trẻ; kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tổ chức tại TP.HCM; kỳ thi tuyển chọn học sinh đi thi quốc tế… Ông đề nghị, lãnh đạo các nhà trường cần điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường để phù hợp với những học sinh tham gia trong đội tuyển học sinh giỏi. Ưu tiên giảm tải các nội dung không cần thiết để tránh gây áp lực cho học sinh ngoài việc tham gia thi cử còn phải đảm bảo tất cả các hoạt động mà trường triển khai. Nhà trường cần xây dựng kế hoạch riêng cho những học sinh này, trong đó đảm bảo rằng các em phải hoàn thành chương trình giáo dục của nhà trường. “Cuộc thi, hội thi là nhằm tạo sân chơi cho học sinh phát triển năng lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tạo, tránh tạo áp lực thêm cho học sinh. Bên cạnh các cuộc thi về văn hóa còn có cuộc thi về năng khiếu, định hướng nghề nghiệp để học sinh thể hiện đam mê, nghề nghiệp…” – ông Tâm nói. |
Một điểm sáng là ngày càng nhiều hơn các bài giảng e-learning tương tác dành cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng như chú ý đến đối tượng học sinh chưa theo kịp nhịp độ học tập chung… Các hoạt động giáo dục năng khiếu được tổ chức qua hình thức CLB thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục kỹ năng sống thu hút học sinh tích cực tham gia, tạo sân chơi để học sinh phát triển năng lực, kỹ năng.
Dù vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chỉ rõ, trong HKI việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa còn gặp khó khăn về phương án bố trí thời gian thực hiện đảm bảo sự đồng thuận của các đối tượng học sinh tham gia với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường. Giáo viên còn chưa được đào tạo chuyên sâu, ít kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động kỹ năng sống nên đa số cơ sở giáo dục phối hợp với doanh nghiệp thực hiện. Việc tổ chức hoạt động này góp phần giáo dục toàn diện học sinh song là hoạt động tự nguyện có sự tham gia đóng góp của người học nên cũng có những quan điểm khác nhau khi triển khai.
Một số cơ sở giáo dục chưa cung cấp đầy đủ thông tin của các hoạt động ngoài giờ chính khóa cho cha mẹ học sinh đã gây ra một số nhầm lẫn, ngộ nhận là hoạt động giáo dục bắt buộc, làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục…
Yến Hoa
Bình luận (0)