Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đề nghị việc kiểm tra định kỳ cần đảm bảo đúng thời lượng quy định của từng môn học. Riêng môn ngữ văn, việc đánh giá cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của học sinh.
Hiệu trưởng cần tăng cường giám sát trong công tác kiểm tra đánh giá học sinh, điều chỉnh kịp thời các sai sót.
Kiểm tra định kỳ cần đảm bảo đúng thời lượng quy định
Ngày 31-10, trao đổi với phóng viên về quy định đánh giá định kỳ học sinh THCS, THPT trong Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, việc kiểm tra đánh giá được áp dụng theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT.
Theo đó, đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập) gồm đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình GDPT 2018.
Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình GDPT 2018 trước khi thực hiện.
Trong mỗi học kỳ, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét có 1 lần đánh giá giữa kỳ và 1 lần đánh giá cuối kỳ; mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có 1 điểm đánh giá giữa kỳ và 1 điểm đánh giá cuối kỳ.
“Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ, nhà trường cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; đúng thời gian kiểm tra thống nhất; đúng thời lượng quy định; đúng nội dung và hình thức theo yêu cầu; đảm bảo kiểm tra được mục tiêu, đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh” – ông Nguyễn Bảo Quốc nêu rõ.
Cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của học sinh trong môn ngữ văn
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Sở khuyến khích các trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.
“Việc đánh giá học sinh trong môn ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật” – ông Quốc nêu rõ.
Đặc biệt, ông yêu cầu hiệu trưởng cần tăng cường giám sát trong công tác kiểm tra đánh giá học sinh; thực hiện công tác kiểm tra nội bộ nhà trường đối với hoạt động kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh kịp thời các sai sót. Việc kiểm tra đánh giá học sinh phải được thực hiện theo nguyên tắc công bằng, minh bạch và đúng quy định.
Hiệu trưởng quyết định hình thức, cấu trúc đề kiểm tra
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc, trước khi kiểm tra đánh giá, giáo viên và nhà trường cần xác định được mục tiêu năng lực cần kiểm tra đánh giá, đảm bảo phù hợp mục tiêu giáo dục của nhà trường và của môn học hoặc hoạt động giáo dục. Xác định hình thức kiểm tra, đánh giá phải đáp ứng được yêu cầu về phát triển năng lực của học sinh.
Nội dung đề kiểm tra cần được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình GDPT 2018.
Trong đó, hình thức, cấu trúc đề kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỉ lệ các mức độ câu hỏi…) do hiệu trưởng quyết định sau khi họp thống nhất với tổ chuyên môn; đảm bảo được đánh giá, phân loại học sinh theo quy định của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và theo quy chế kiểm tra đánh giá của nhà trường.
Ông lưu ý nhà trường cần căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung GDPT của Bộ GD-ĐT, không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình GDPT; không kiểm tra đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu, những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.
Yến Hoa
Bình luận (0)