Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu rà soát, chấn chỉnh giờ học tại trường học trên toàn thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu các trường học trên toàn thành phố rà soát, chấn chỉnh giờ học nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Ngày 17-10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học năm học 2024-2025.

Trong đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu các trường học trên toàn thành phố thực hiện rà soát chấn chỉnh giờ học nhằm giảm ùn tắc giao thông; tổ chức mở cổng trường, phân luồng cho phụ huynh học sinh vào đón con em, hướng dẫn phụ huynh học sinh đậu xe đúng quy định và tổ chức nhiều cổng ra, vào cho học sinh vào giờ cao điểm.

Các cơ sở giáo dục tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe (hạn chót thực hiện đến hết tháng 10-2024).

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu trường học toàn thành phố rà soát, chấn chỉnh giờ vào học

Các cơ sở giáo dục có hợp đồng xe ô tô đưa, đón trẻ mầm non, học sinh đi học phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Xây dựng nội quy và biện pháp xử lý kỷ luật học sinh vi phạm Luật An toàn giao thông theo các luật định hiện hành.

Quy định giờ vào học của học sinh thành phố như thế nào?

Năm học 2024-2025, theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện giải pháp lệch ca, giờ học, thời gian vào học của các trường học trên toàn thành phố được quy định như sau:

Với học sinh tiểu học đối với các lớp học 2 buổi/ngày, thời gian vào tiết đầu tiên của buổi sáng từ 7 giờ 30 phút trở đi và không trễ hơn 7 giờ 45 phút; Thời gian vào tiết đầu tiên của buổi chiều không sớm hơn 13 giờ 30 phút.

Với bậc THCS, giờ vào học tiết đầu tiên không trước 7 giờ 15 phút; Bậc THPT không trước 7 giờ.

Nhà trường xây dựng kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30. Không để học sinh đi học trễ hoặc về sớm tập trung ở khu vực phía trước cổng trường.

Đồng thời, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường xây dựng các giải pháp lệch ca, lệch giờ học đối với các khối lớp, bậc học trong nhà trường. Bố trí số tiết học trong 1 buổi học, số buổi học trong 1 tuần cho trẻ em, học sinh tại đơn vị theo khung giờ trên, nhưng phải đảm bảo: Số tiết học, chương trình học đầy đủ theo quy định; Đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh và người lao động tại đơn vị; Tình hình giao thông thông thoáng trước cổng và xung quanh trường vào giờ cao điểm.

Xây dựng phương án cấm các phương tiện xe cơ giới lưu thông, dừng đỗ trong khu vực trường học khi học sinh đang học

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng đặc biệt yêu cầu các cơ giáo dục xây dựng phương án cấm các phương tiện xe cơ giới lưu thông, dừng đỗ trong khu vực trường học khi có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi; đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học; tăng cường trách nhiệm của nhân viên bảo vệ trong việc quản lý, nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đúng quy định, an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong trường học; xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm lưu thông, dừng đỗ xe sai quy định trong khuôn viên trường học.

Đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức và vận động học sinh tham gia các lớp học bơi an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trong năm học; tổ chức lồng ghép trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, các giờ học thể dục, các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn học sinh các kỹ năng nhận biết về nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước và các kỹ năng phòng, tránh đuối nước; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trước, trong và sau các dịp nghỉ lễ – Tết, nghỉ hè.

Xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các cơ sở giáo dục; có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người lao động và học sinh.

Theo ghi nhận, thực tế các trường học đã quán triệt giờ vào học phù hợp với địa phương, xây dựng kế hoạch ra về cho học sinh lệch ca ở từng khối lớp. Tuy nhiên, với mật độ giao thông ngày càng tăng cao ở hầu hết các địa phương trên địa bàn TP.HCM, tình hình ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ cao điểm buổi sáng và giờ tan học buổi chiều vẫn diễn ra ở một số địa phương, trường học.

Theo hiệu trưởng các nhà trường, để giải quyết triệt để, ngoài lực lượng trong trường học cần có thêm sự phối hợp điều tiết giao thông thường xuyên, kịp thời từ địa phương.

YẾN HOA

Bình luận (0)