Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sơ hở quá lớn ở các cửa hàng tiện lợi tại TP HCM

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo trộm cắp, cướp tài sản nhưng việc bố trí nhân viên ở các cửa hàng tiện lợi còn nhiều sơ hở.

Thời gian qua, TP HCM liên tục xảy ra các vụ cướp tài sản ở cửa hàng tiện lợi. Gần đây nhất, ngày 21-7, mạng xã hội xôn xao vụ cướp tài sản xảy ra tại cửa hàng tiện lợi trên đường Âu Dương Lân (quận 8, TP HCM).

Dễ dàng khống chế nhân viên để cướp tiền

Một nam thanh niên vào cửa hàng mua đồ, đến lúc tính tiền, thanh niên này đã chạy vào bên trong kề dao yêu cầu nữ nhân viên mở hộc tủ đưa tiền cho hắn ta. Sau khi lấy tiền, kẻ cướp còn dọa đồng bọn của y đang đứng bên ngoài, ai chống sẽ chém.

Kẻ cướp đã lấy đi số tiền 9,1 triệu đồng của cửa hàng tiện lợi. Nhận được tin báo, Công an quận 8 đã trích xuất camera và điều tra vụ việc.

Trước đó, Công an quận Tân Phú đã bắt giữ Đoàn Quang Hiền (SN 1988, ngụ quận Tân Phú) để điều tra về hành vi "Cướp tài sản".

Tại cơ quan công an, Hiền khai nhận do cần tiền tiêu xài và sử dụng ma túy nên nảy sinh ý định cướp tài sản. Để thực hiện ý đồ, Hiền bỏ con dao vào túi áo khoác rồi đi bộ đến cửa hàng tiện lợi ở đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú vào rạng sáng.

Đoàn Quang Hiền. Ảnh: Phạm Dũng

Đến nơi, Đoàn Quang Hiền lấy một chai nước suối và đến quầy thu ngân yêu cầu tính tiền. Khi nữ nhân viên đang thao tác thanh toán thì Hiền cầm dao khống chế, uy hiếp nạn nhân mở tủ đựng tiền. Hiền cướp 1,3 triệu đồng cùng điện thoại iPhone rồi rời khỏi cửa hàng. Sau đó, Hiền bán điện thoại lấy tiền mua ma túy sử dụng.

Trước vụ cướp này vài ngày, Công an quận 12 cũng đã bắt giữ Lý Ngọc Kiều Phương (SN 2000, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) do có hành vi cướp tài sản ở cửa hàng tiện lợi trên đường Đông Hưng Thuận 2, phường Tân Hưng Thuận, quận 12.

Lý Ngọc Kiều Phương và phương tiện phạm tội. Ảnh: Phạm Dũng

Phương vờ lấy một chai nước suối và một hộp sữa rồi quay trở lại quầy tính tiền. Trong lúc nam nhân viên tính tiền, Phương hỏi mua thẻ cào điện thoại mệnh giá 500.000 đồng. Lợi dụng lúc nạn nhân không chú ý, Phương rút súng kê vào đầu người này gằn giọng: "Mày đưa 1 triệu đây". Tay phải tên cướp vẫn cầm súng, tay trái lấy xấp tiền gần 2 triệu đồng trong hộc rồi thản nhiên rời đi.

Cửa hàng tiện lợi cần làm gì?

Nói về vấn đề này, Công an TP HCM cho biết thời gian vừa qua, TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, một số cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã trở thành đích nhắm của các đối tượng tội phạm. Các đối tượng trộm cướp thường lợi dụng thời điểm khuya vắng, ít khách hàng, nhân viên sơ hở để thực hiện hành vi phạm tội.

Công an TP HCM đề nghị người dân nêu cao cảnh giác qua các vụ việc trên, khi có vụ việc xảy ra phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất và giữ nguyên hiện trường để lực lượng chức năng xử lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 cho biết các cửa hàng tiện lợi thường bán xuyên suốt 24/24. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng chỉ có một nhân viên đứng tính tiền nên kẻ gian thường để ý.

Cửa hàng tiện lợi ở quận Tân Phú bị cướp. Ảnh: Phạm Dũng

"Do các cửa hàng tiện lợi bố trí ít người, không có bảo vệ phía trước nên khi kẻ cướp vào cửa hàng các nhân viên không thể chống cự, kêu cứu hay bỏ chạy. Do đó, bọn cướp rất dễ dàng cướp tài sản, tiền bạc"- thiếu tá Nguyễn Chí Thanh nói.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM khuyến cáo: "Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, báo đài thông tin rất nhiều nhưng các chuỗi cửa hàng tiện lợi không coi trọng việc này. Một cửa hàng lớn nhưng chỉ một nhân viên đứng tính tiền, thậm chí nhiều nhân viên nữ đứng quầy xuyên đêm thì rất dễ làm tâm điểm để ý của kẻ gian".

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ cho rằng để hạn chế rủi ro thì các cửa hàng tiện lợi phải bố trí nhiều nhân viên đặc biệt mỗi cửa hàng phải có bảo vệ. Đồng thời, tại các cửa hàng nhân viên tính tiền phải được bố trí ngồi bên trong, chỉ đưa tiền qua cửa kính; việc này sẽ giúp kẻ gian không tiếp cận được tài sản là tiền bạc. Bên cạnh đó, cửa hàng tiện lợi cũng phải gắn chuông báo động để khi xảy ra sự cố nhân viên bên trong báo động để kẻ gian không manh động.

Theo Phạm Dũng/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)