Việc tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc nâng cấp chất lượng và hiệu quả hoạt động của bảo tàng hết sức cần thiết. Đây sẽ là cầu nối đưa các di sản đang được trưng bày tại các bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Chuyên gia giới thiệu giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng
Đây là khẳng định của các đại biểu tại chuyên đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng” do Bảo tàng TP.HCM tổ chức mới đây.
Cần số hóa để phù hợp xu thế
Nhìn nhận về tình hình các bảo tàng trong thời gian qua, ông Phạm Định Phong (Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết, trong 2 năm qua, do dịch bệnh Covid-19 nên mọi hoạt động của bảo tàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam còn ở thế giới. “Theo nghiên cứu, trong 2 năm qua có hơn 90% bảo tàng trên thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng bởi số lượng du khách. Đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động đã trở lại bình thường nhưng bảo tàng Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có TP.HCM. Trước tình hình đó, các bảo tàng đẩy mạnh chuyển đổi số để đưa giá trị di sản đến với công chúng”, ông Phong cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) khẳng định: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại cuộc cách mạng 4.0. Riêng đối với lĩnh vực bảo tàng, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hóa đến với công chúng”.
TP.HCM là địa phương có nhiều bảo tàng, song một số bảo tàng lại không có nhiều khách đến tham quan dù sở hữu số hiện vật đa dạng. Một thực tế khác là dù sống ở những đô thị lớn, người dân vẫn không mấy mặn mà và chưa có thói quen tham quan bảo tàng.
Theo các chuyên gia, để giải bài toán “vắng như bảo tàng”, việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày, thiết kế chính sách công chúng phù hợp, hấp dẫn, xây dựng “bảo tàng ảo” để tăng tương tác với khách, thích nghi với tình hình dịch bệnh là điều hiển nhiên.
Nỗ lực hút khách
Nói về bảo tàng của mình, bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền (Giám đốc Bảo tàng TP.HCM) cho biết, bảo tàng đang bước đầu ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số.
Theo đó, đơn vị này đã xây dựng nội dung trưng bày tại phòng “Thiên nhiên khảo cổ Sài Gòn TP.HCM”. Các hiện vật được số hóa dưới dạng 3D. Mỗi hiện vật có nội dung chi tiết, từ hình ảnh, chất liệu, nội dung thuyết minh giúp khách tham quan có thể tương tác trực tiếp với hiện vật trên nền tảng số hóa mà không cần phải đến tận bảo tàng.
Du khách tra cứu thông tin hiện vật tại Bảo tàng TP.HCM
Bên cạnh đó, Bảo tàng TP.HCM còn áp dụng số hóa trong việc giữ gìn hiện vật. Với thư viện số, khách tham quan có thể tra cứu từng hiện vật từ điện thoại thông minh một cách nhanh chóng, tiện lợi.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM có thể xem là bảo tàng đầu tiên thử nghiệm mô hình “bảo tàng ảo”, với dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” phục vụ khách tham quan từ xa. Việc này giúp khách tham quan có thể tìm hiểu bảo tàng ở mọi lúc, mọi nơi.
Chia sẻ về tình hình bảo tàng, bà Nguyễn Thị Thắm (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ) cho hay, dịch Covid-19 bùng phát đã gây xáo trộn và những tổn thất nặng nề đến đời sống kinh tế – xã hội của người dân TP.HCM. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng như các bảo tàng cả nước phải tạm ngưng đón khách tham quan từ tháng 5-2021 cho đến hết tháng 9-2021. Các bảo tàng của TP.HCM nói chung và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhanh chóng chuyển mình, thích ứng với tình hình mới để tổ chức các hoạt động và mở cửa đón khách. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã cải tạo mở rộng thực hiện các cuộc trưng bày mới, triển lãm mới, các buổi tuyên truyền, các hoạt động trải nghiệm để duy trì hoạt động và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình với phương châm: Bảo tàng thân thiện, là trung tâm nghiên cứu, học tập cộng đồng. “Bảo tàng cũng xây dựng phòng trưng bày ứng dụng công nghệ. Các công cụ thiết bị trình chiếu hỗ trợ khách tham quan tương tác và trải nghiệm mô hình bảo tàng 3D thông qua thiết bị trình diễn Hologram. Bên cạnh đó, kết hợp ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360 độ trong trưng bày bảo tàng số, hỗ trợ công nghệ thực tế ảo (VR) giúp khách tham quan không cần mang thiết bị hỗ trợ vẫn có thể xem các hiện vật trên hình chiếu 3D lơ lửng trong không trung, dễ dàng quan sát ở nhiều góc độ khác nhau. Khách tham quan cũng có thể chọn nhiều vị trí tham quan, chọn chuyên đề và chỉ cần “click” vào nơi mình cần đến, mở nội dung hiện vật cần xem, tra cứu các bài viết, sự kiện; xem rõ hình ảnh hiện vật sắc nét với màu sắc, từng vết xước, vết thời gian.
Bà Nguyễn Thị Thắm (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tàng với xu hướng phát triển của TP.HCM hiện nay là một hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, công nghệ số vẫn rất cần sự quản lý của con người. Bởi lẽ, công nghệ cũng sẽ có những mặt trái và chúng ta không thể hoàn toàn lệ thuộc vào nó. Bảo tàng cần thay đổi để hút khách |
Bà Thắm cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tàng với xu hướng phát triển của TP.HCM hiện nay là một hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, công nghệ số vẫn rất cần sự quản lý của con người. Bởi lẽ, công nghệ cũng sẽ có những mặt trái và chúng ta không thể hoàn toàn lệ thuộc vào nó. “Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta, những người làm công tác bảo tàng, bảo tồn thể hiện nội dung như thế nào. Việc ứng dụng công nghệ giúp khách tham quan chủ động lựa chọn xem, có thêm một trải nghiệm mới mẻ, đồng thời giúp họ cảm thấy bắt mắt, cảm thấy không cũ; điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nội dung của bảo tàng. Công nghệ chỉ là phương tiện”, bà Thắm chia sẻ.
Khi các ứng dụng, phần mềm công nghệ hỗ trợ ngày càng nhiều, việc xây dựng fanpage, website hay bảo tàng ảo không còn quá khó khăn. Nhưng câu chuyện đường dài để duy trì và phát triển “bảo tàng ảo” không dễ. Khó khăn hiện nay của các bảo tàng còn ở vấn đề kinh phí đầu tư vận hành, bảo trì giải pháp công nghệ cũng như nhân lực và trang thiết bị kèm theo.
Thúy Kiều
Bình luận (0)