Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sở hữu kênh truyền hình xã hội hóa: Liệu có là miếng bánh ngon ăn?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đầu tư kinh doanh trên sóng truyền hình trong vài năm trở lại đây được coi là thức thời, là cơ hội vàng xây dựng thương hiệu, khuếch trương thanh thế và chứng tỏ đẳng cấp của doanh nghiệp.

Hiện tại, các kênh truyền hình nhiều tới mức, việc giữ được người xem ngồi trước màn hình 5 phút mà không chuyển kênh là một khó khăn
Dù bạn đang chọn sử dụng công nghệ analog, cáp hữu tuyến hay kỹ thuật số DTH… Dù bạn là khách hàng của VCTV – VSTV – SCTV – VTC hay HaCTV – HCTV… Và dù chiếc ti-vi nhà bạn nhận tín hiệu qua set – top – box, chảo thu, đầu thu, cáp hay chiếc ăng ten râu, ăng ten giàn cổ lỗ trên mái nhà. Bạn cũng sẽ rối tung, giống như số đông khán giả màn ảnh nhỏ khi bắt gặp logo hàng chục kênh truyền hình mới toanh, được cập nhật liên tục với tần suất vài tháng một lần trong từng gói dịch vụ. Cứ nhìn vào làn sóng các “đại gia” và cả “trung gia” đang ồ ạt chiếm lĩnh mảnh đất màu mỡ với diện tích vô cùng mênh mông này, có cảm giác được sở hữu một kênh truyền hình đồng nghĩa với việc đã cầm trong tay một miếng bánh ngon ăn!
Nợ rộ như nấm mọc sau mưa 
Nhớ cách đây hơn hai năm, Việt Nam từng hân hoan với sự kiện vệ tinh đầu tiên Vinasat 1 được phóng vào vũ trụ. Với chức năng cung cấp các dịch vụ (cho thuê băng tần vệ tinh, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, kênh thuê riêng), một viễn cảnh tươi sáng đã mở ra trước mắt những đơn vị báo chí – truyền thông, khi số bộ phát đáp có thể hoạt động của riêng Vinasat 1 đã lên tới 23. Đã có rất nhiều thông tin “vỉa hè” rằng, một số tòa báo lớn sẽ hướng tới sở hữu kênh truyền hình riêng, để phát triển theo mô hình truyền thông đa phương tiện. Nhưng rồi, cho đến thời điểm này, có lẽ vẫn chỉ có Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam vào cuộc với kênh VOV (hệ phát thanh có hình). Những dự án hoành tráng mà thiên hạ có thể đã từng được biết ngày nào giờ vẫn xa xôi.  
Giới làm báo chuyên nghiệp rụt rè, không hiểu do cơ chế, do hành lang pháp lý hay do bản thân chưa thực sự tự tin. Chỉ biết rằng, những đơn vị hào hứng nhất với việc “liên kết sản xuất toàn bộ kênh truyền hình”, như Thông tư 19/2009/TT- BTTTT quy định, phần đa đều là các công ty truyền thông có tiềm lực kinh tế khá mạnh.
Theo định nghĩa của thông tư 19/2009/TT – BTTTT (có hiệu lực từ 1/8/2009), khái niệm “liên kết sản xuất toàn bộ kênh truyền hình” được quy định là “các hoạt động liên kết nhằm thực hiện việc sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình mà trong đó quyền lợi của đối tác liên kết được trả bằng quyền lợi từ hoạt động quảng cáo, tài trợ hoặc từ nguồn thu phí phát thanh – truyền hình theo một phương thức nhất định khi phát sóng chính sản phẩm liên kết của đài phát thanh – truyền hình”.
Từ năm 2006, Đài truyền hình TPHCM (HTV) là đơn vị đi đầu khi thực hiện chương trình xã hội hóa trên 4 kênh: HTV1 hợp tác với Công ty truyền thông Liên Đài, HTV2 với Công ty truyền thông Ánh Bình Minh, HTV3 với Công ty truyền thông Trí Việt và HTVC với Công ty truyền thông và ứng dụng CNTT FBNC. Một đài truyền hình có thêm nhiều kênh, nhiều chương trình đang là xu thế chung hiện nay. Vấn đề là lực lượng sản xuất chương trình của mỗi đài chưa theo kịp với sự phát triển quá nhanh chóng này, nên liên kết, hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình, với các đơn vị tư nhân được xem là phương án tối ưu. Không chỉ liên kết thực hiện một vài chương trình, nhiều đài truyền hình còn giao quyền cho tư nhân thực hiện một kênh truyền hình còn mình chỉ đảm trách việc kiểm soát nội dung… Việc “giao kênh” cho tư nhân hiện nay, phổ biến với truyền hình trả tiền và một phần nhỏ với truyền hình quảng bá.
Có thể kể ra cả loạt ví dụ. Truyền hình cáp SCTV có kênh SNTV của Công ty Sóng Nhạc, TV Shopping của Cầu Vồng, Yeah1TV của Yeah1.com Superstar Corporation, YAN TV của Quỹ đầu tư IDG. Đài truyền hình kỹ thuật số VTC có TodayTV (VTC7) của Công ty IMC, Let’s Viet (VTC9) của Công ty Lasta, VBC (VTC5) của Tập đoàn Tân Tạo, Today TV (VTC7) của Công ty cổ phần Quốc tế truyền thông IMC (với các cổ đông Habubank, Tân Hiệp Phát, Kinh Đô). Và truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) có Info TV của Ocean Media, O2TV của S – Media, Astro Cảm xúc của BHD, Invest TV của BHD, Fansipan TV của Le Group…. Đó là còn chưa kể Real TV, Bongda TV, Style TV…. Quá nhiều, đến mức thật khó để liệt kê cho thật đầy đủ. 
Lượng nhiều nhưng chất có bao nhiêu!
Ở thời điểm hiện tại, các kênh truyền hình nhiều tới mức, việc giữ được người xem ngồi trước màn hình 5 phút mà không chuyển kênh là một điều vô cùng khó khăn. Đã qua rồi thời kỳ các kênh truyền hình xã hội hóa chỉ chuyên chú vào những chương trình giải trí, nhảy nhót và đôi khi phản cảm. Cách đây vài năm (và đến tận bây giờ), người ta vẫn thấy những kênh truyền hình mà có đến quá nửa thời lượng dành cho những chương trình giải trí, quảng cáo tin nhắn, chơi game hay các trò chơi chủ yếu dành cho một nhóm khán giả thành thị. Và chính những kênh truyền hình như vậy khiến khán giả có ác cảm với truyền hình xã hội hóa. Kênh truyền hình mới ra đời, chủ yếu trên hệ thống truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số. Tuy nhiên, để đứng được với tư cách là một kênh chuyên nghiệp là một việc làm thực sự khó khăn. Truyền hình đã trở nên quá tải với những kênh giải trí đôi khi thiên về quảng cáo, phô trương một lối sống hình thức của giới trẻ. Để có được một thương hiệu truyền hình được xã hội khẳng định trong thời buổi “nhà nhà làm truyền hình” như hiện nay, theo đánh giá của ngay những người trong cuộc, là quá khó khăn.
Kênh truyền hình xã hội hóa vẫn là mảnh đất tốt để đầu tư, nhưng không phải chỗ kiếm tiền quá dễ như nhiều người lầm tưởng. Không dễ làm nếu không hiểu nghề, không chuẩn bị  đầy đủ cả về cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn kinh phí để đủ sức chạy đường dài.
Chọn đối tượng khán giả nào, đầu tư cho kênh tổng hợp hay chuyên biệt – với các đối tác liên kết cũng là một bài toán nan giải. Nhiều người lầm tưởng rằng, kênh hướng đến nhu cầu giải trí không giới hạn của giới trẻ, khán giả tuổi teen thì dễ làm, dễ có lãi. Nhưng nhìn vào hai kênh chuyên biệt âm nhạc là Yan TV và M4Me có thể thấy sự nghèo nàn, cũ kỹ chiếm màu sắc chủ đạo. Một chỉ loanh quanh với những vũ điệu hiphop sôi động của cuộc thi American Best Dance Crew. Một tua đi tua lại từ sáng đến chiều cỡ hơn chục bài hát của các nhóm nhạc Hàn Quốc như SuJu, SNSD, DBSK, Big Bang… Lượng khán giả chỉ khoanh vùng vào lứa tuổi teen thuộc các đô thị lớn, sự đầu tư xây dựng chương trình rất ít. Chờ đợi sự thành công, cả về chất lượng, doanh thu lẫn xây dựng thương hiệu ở hai kênh này – theo giới trong ngành – cũng giống như “điệp vụ bất khả thi” vậy.  Chỉ tính riêng hai đài truyền hình lớn là VTV và VTC, với hàng chục kênh truyền hình miễn phí và trả tiền đã phủ kín mọi đối tượng khán giả. Chính vì có quá nhiều thứ để xem nên ai cũng nghĩ có thể làm được truyền hình. Nhưng có một thực tế mà những chuyên gia truyền hình đầy kinh nghiệm trên thế giới đã tổng kết, các kênh tổng hợp thường rất khó “sống sót”. Khi đã có kênh VTV1, VTV3 thì đương nhiên một thứ kênh na ná VTV1, VTV3 sẽ nhanh chóng gây nhàm chán cho người xem. Trường hợp “sống sót” và kết quả kinh doanh khả quan thường rất hiếm. Và nếu có, luôn thuộc về một đại gia mạnh cả chất xám lần tiền bạc. Nhìn ra thế giới, các kênh sống lâu vượt ra khỏi biên giới quốc gia đều là kênh chuyên biệt: HBO, Star Movies, Max (Cinemax), Discovery, National Geographic, Animal Planet…
Và ở đâu cũng vậy, những cái tên mỹ miều có thể rất nhiều, nhưng những thương hiệu truyền hình thực sự lại là điều khó kiếm. Bởi chất lượng chương trình đã trở thành vấn đề sống còn của các kênh truyền hình được hợp tác sản xuất xã hội hóa.
Theo một thông tin không chính thức, tuy có tới hơn chục kênh xã hội hóa, Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) cũng chỉ thực sự thu được thành công với O2TV và Info TV. Đây cũng là hai kênh hiếm hoi hiện có lãi. Bí quyết thành công thì nhiều. Vế thứ nhất, cả hai đều là kênh chuyên biệt, một về sức khỏe, một đi vào đầu tư – tài chính –  chứng khoán – bất động sản – vàng … (đều là những vấn đề đang hot). Đi vào vấn đề sức khỏe vốn thiết thực và cần thiết với mọi người dân, O2TV có sự hậu thuẫn đáng mơ ước về cả chỉ đạo nội dung lẫn đầu tư ngân sách của Bộ Y tế và Ngân hàng Liên Việt Bank.  Còn Info TV, đúng với cái tên là kênh truyền hình chuyển tải thông tin, đội ngũ những người thực hiện thuộc Công ty cổ phần truyền thông Đại dương (Ocean Media) đã thể hiện một sự năng động, tư duy nhạy bén và sức làm việc đáng nể. Với lượng thông tin đầy ăm ắp về mọi lĩnh vực được cập nhật từng giờ, từng phút trên từng cm2 quý giá của màn hình TV. Cứ nhìn Invest TV – một kênh chuyên biệt đầu tư sinh sau đẻ muộn hai năm thì biết. Tuy có màu sắc từa tựa đồng nghiệp nổi tiếng Bloomberg, nhưng Invest TV vẫn phải chào thua “ông anh” Info TV về độ nhanh nhạy thông tin, sắc sảo trong bình luận, nên vẫn chịu phận ngồi chiếu dưới.  
"Cuộc chiến" còn khốc liệt
Tuy nhiên, các kênh truyền hình có thực sự thành công hay không khi các công ty chuyên về truyền thông – quảng cáo nhảy vào cuộc? Thực sự đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Bởi đầu tư vào truyền hình là cuộc chơi quá hao sức, tốn tiền. Và việc O2TV, Info TV, Let’s Viet hay bất cứ kênh nào khác có được ấn tượng hoặc rating khả quan ban đầu với khán giả thì không có nghĩa là đã chắc chắn thành công. Việc duy trì sóng lâu dài với chất lượng ổn định mới là điều đáng nói. Và người ta sẽ luôn chờ đợi sự dài hơi của những chương trình, chờ đợi những vận động viên marathon dai sức đường trường chứ không phải cuộc đua nước rút ở cự ly 100m.
Việc nhiều công ty cùng sản xuất các chương trình truyền hình đã đẩy tới một cuộc cạnh tranh thực sự tích cực, không thể chỉ ào ào làm show mà quên đi văn hóa truyền hình

Việc nhiều công ty cùng sản xuất các chương trình truyền hình đã đẩy tới một cuộc cạnh tranh thực sự tích cực, không thể chỉ ào ào làm show mà quên đi văn hóa truyền hình. Văn hóa truyền hình là câu chuyện đẳng cấp. Và không gì khác là phải hướng đến bản sắc và chung tay xây dựng đời sống cộng đồng tốt đẹp hơn. Người ta có cảm giác, vì các đơn vị tư nhân tham gia sản xuất các chương trình truyền hình, và quá nhiều nhà tài trợ nhảy vào can thiệp nội dung, nên không ít show truyền hình trở nên mệt mỏi và ngày càng nhạt nhẽo. Kinh doanh là thu lại lợi nhuận. Tuy nhiên, kinh doanh cũng cần phải tạo ra một “lề lối” văn hóa. Và đó là câu chuyện mà những người làm truyền hình xã hội hóa cũng đang tự tìm hướng đi cho mình. Số lượng “lính mới” chưa hề có dấu hiệu chững lại. Trong kế hoạch quy hoạch các kênh truyền hình, VTV, HTV, VTC, VCTV, SCTV… tới đây sẽ còn ra thêm nhiều kênh mới. Vấn đề kỹ thuật vẫn là phạm trù rối rắm với khán giả màn ảnh nhỏ và là “cuộc chiến” ngầm của các đài truyền hình. Kênh mới sẽ phát theo kỹ thuật số, cáp hay analog là một vấn đề “sống còn” với nhà đài vì nó quyết định kênh ấy dễ hay khó “thu hút” được “đối tác”, qua đó thu hút quảng cáo. Nếu phát analog thì toàn bộ người dân có ti-vi trong nhà đều có thể xem được; còn phát kỹ thuật số hay cáp buộc khán giả phải mất một khoản tiền để mua set-top-box, đầu thu kỹ thuật số hoặc mất tiền thuê bao hàng tháng.

Tư nhân tham gia kinh doanh truyền hình muốn lấy lại vốn nhanh, kiếm lời nhanh thì phải có nhiều quảng cáo và tài trợ trên kênh của mình. Nhưng doanh nghiệp chỉ quảng cáo trên kênh nào có nhiều người xem. Thế cho nên, hầu hết, các đơn vị tham gia kinh doanh truyền hình đều muốn kênh của mình phát analog. Cho dù trong tương lai gần, công nghệ này sẽ sớm bị “khai tử”. Theo thông tin của một nhà đầu tư, kinh phí đổ vào một kênh kỹ thuật số có khi đến 40 tỷ đồng/năm để đảm bảo thời lượng phát sóng, chưa kể tiền thuê đội ngũ làm chương trình. Rất nhiều công ty tham gia truyền hình trong trạng thái bị động. Họ không có khung chương trình/tuần cố định, vì thế luôn phải chạy đuổi theo sóng và thay đổi nội dung liên tục. Trong khi việc sắp xếp chương trình là rất quyết định, bởi mỗi đối tượng khán giả luôn muốn biết giờ nào họ có thể ngồi trước màn hình để xem chương trình mà mình yêu thích.
Đầu tư cho truyền hình được tính bằng tiền tỷ, có khi lên đến vài chục tỷ, nhưng chương trình phát sóng xong là coi như… hết. Nếu đơn vị đầu tư không bán được quảng cáo trong chương trình của mình, xem như số tiền bỏ ra đã bay đi theo sóng chương trình. Thêm vào đó, vì có nhiều đơn vị nhảy vào kinh doanh truyền hình, nên cạnh tranh nhau là tất yếu. Nếu không khôn khéo, kinh doanh không hiệu quả, phá sản và bị đơn vị khác “nẫng” mất sóng là chuyện nhãn tiền. Phía nhà đài có “trục trặc” gì về giấy phép, khả năng phải trả lại kênh, trả lại sóng là rất lớn và phần thiệt hại dĩ nhiên thuộc về đơn vị đầu tư. Chính vì sự khắc nghiệt này mà không phải ai cũng trụ được. Ví dụ, kênh HTV4 có rất nhiều đơn vị “nhảy vào rồi lại nhảy ra” chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, trong số đó có cả “đại gia” FPT Media.
Để tạo một thương hiệu truyền hình đã xã hội khẳng định trong thời buổi hiện nay, theo đánh giá của những người trong cuộc, là quá khó khăn

Truyền hình vẫn đang là "mảnh đất màu mỡ" và vẫn còn rất nhiều công ty muốn tham gia liên kết sản xuất chương trình. Nhưng họ sẽ sản xuất chương trình như thế nào, đó lại là câu chuyện không đơn giản. Tất nhiên, không thể đòi hỏi những người làm truyền hình xã hội hóa chỉ chú tâm vào thực hiện những chương trình vì mục đích chính trị, an sinh xã hội như VTV1… Nhưng, khi những người làm truyền hình đi qua được mục đích duy nhất là lợi nhuận, họ đã tự khẳng định vị thế của mình. Lợi nhuận là điều quan trọng, nhưng không phải là tất cả, để đánh giá một chương trình truyền hình thành công…

Bởi việc giữ quyền tắt hay bật một chương trình truyền hình hoàn toàn nằm trong tay khán giả. Chính vì vậy hơn lúc nào hết, khi xu hướng xã hội hóa sản xuất chương trình càng mạnh mẽ thì quyền đó càng được thể hiện rõ hơn. Khi khán giả chính là người quyết định sự thành công hay thất bại của một kênh truyền hình. Và sự sống còn của kênh, của đơn vị đối tác liên kết, của đài truyền hình đều phụ thuộc vào chất lượng của chính kênh sóng ấy. Nghe thì đơn giản, nhưng với khá nhiều đơn vị đã, đang và sẽ nhảy vào sân chơi tốn kém này, đó vẫn là miếng bánh khó nuốt!
Huyền Nga / Doanh Nhân


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)