Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sở hữu Việt Nam đồng đang là lợi thế

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi lãi suất huy động USD được điều chỉnh về dưới mức 3% một năm, giữ tiền đồng đang được xem là nắm lợi thế.
Tại phòng giao dịch của một ngân hàng trên đường Luỹ Bán Bích (Tân Bình), một khách hàng đang chần chừ với sổ tiết kiệm 300 triệu đồng đã đến hạn, nhân viên ngân hàng niềm nở cho biết, ngoài lãi suất 14%/năm, khách hàng còn được hưởng lãi suất thưởng.
Sau khi bấm máy tính một hồi, nhân viên thông báo: "Với 300 triệu đồng, gửi một tháng, chị sẽ được thêm 500.000 đồng, tương đương với lãi suất 2%/tháng…", nhân viên thông báo. 
Tiết kiệm lãi suất 20% 
Khi người gửi tiền vừa đi ra, người viết đặt vấn đề gửi tiền tiết kiệm, người nhân viên liền nhanh miệng trả lời với lãi suất áp dụng là 14%, đúng trần quy định. Khi thắc mắc về lãi suất thưởng, nhân viên này liền giải thích khách hàng phải gửi tiền với kỳ hạn một tháng trước rồi sau này khi đến hạn sẽ có thể được xem xét.
Những khoản tiết kiệm nhỏ vẫn được áp dụng lãi suất 14% đúng quy định. Ảnh minhhọa

Tại một chi nhánh ngân hàng khác trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, trò chuyện với một khách hàng, mới biết anh này đang gửi một khoản tiền với lãi suất thoả thuận 20%/năm kỳ hạn một tháng và giờ đang chờ gặp nhân viên quen để hỏi về lãi suất mới.

Một nữ khách hàng khác cho biết, cuối tuần trước chị vừa gửi tiết kiệm kỳ hạn ba tháng với lãi suất 18%/năm ở một ngân hàng khá uy tín. Chị này cho biết thêm, có ngân hàng còn chào 20% nhưng chị không gửi vì sợ khi cần rút ngay sẽ phải chờ đợi.
Khi các kỳ hạn đều được quy về lãi suất trần theo đúng quy định, thì người gửi không có động cơ gửi tiền ở các kỳ hạn dài. Trong khi đó, ngân hàng đáp ứng các yêu cầu vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Điều này, trên lý thuyết, khiến cho ngân hàng có lúc gặp khó khăn trong việc cân đối giữa các kỳ hạn huy động và cho vay. Các tín hiệu lãi suất từ thị trường liên ngân hàng cũng như lãi suất không kỳ hạn tăng cao, cho thấy nhu cầu thanh khoản ngắn hạn ở một số ngân hàng không phải nhỏ. Điều này khiến cho một số ngân hàng phải đàm phán với người gửi để thu hút tiền gửi.
Cho vay 26%
Tìm hiểu thực tế, nếu là khách hàng lạ, gửi dưới 100 triệu đồng, ngân hàng sẽ đưa ra mức 14%. Một số khách hàng thân thuộc, khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, có thể có mức lãi suất khác.
Giám đốc một công ty tư nhân chuyên về nhập khẩu các thiết bị điện lạnh ở quận Gò Vấp cho biết trong tay mặc dù đã có một số vốn lớn, ông dự kiến vay thêm tiền để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, song ngân hàng đưa ra mức lãi suất lên tới 26%. Khi ông quyết định không vay, chính nhân viên ngân hàng này khuyên rằng, nên gửi tiền để hưởng lãi "vì khách hàng quen thì có thể thoả thuận được lãi suất".
Khi được thông báo về việc khách hàng đã gửi tiết kiệm với lãi suất lên tới 16 – 16,5%/năm tại ngân hàng của mình, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: "Thời điểm này khách hàng có tiền đồng nhàn rỗi có lợi thế đàm phán".
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, một số trường hợp cá biệt những ngân hàng này phải chấp nhận mức lãi suất huy động cao để giữ khách hàng không rút vốn chuyển qua nơi khác, đảm bảo tính ổn định của nguồn vốn.
Huy động với lãi suất cao khiến lãi suất cho vay khó có thể thấp. Mức lãi suất cho vay theo thống kê cao nhất là 22% năm, nhưng trên thực tế, có khoản vay vượt quá con số trên. Nhân viên tín dụng của một ngân hàng nằm trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM than thở về áp lực doanh số của mình do ít khách hàng chịu vay tiêu dùng với lãi suất 22 – 24%/năm.
Theo SGTT

Bình luận (0)