Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sơ kết 5 năm việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 6-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15-6-2017 về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.


Tại điểm cầu TP.HCM, bà Trần Kim Yến đã có phát biểu tham luận về những đổi mới, sáng tạo, bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam TP.HCM và kiến nghị giải pháp hoàn thiện 

Tham dự tại điểm cầu TP.HCM có bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; ông Hà Phước Thắng – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; ông Ngô Văn Luận – Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thành phố; ông Lê Minh Đức – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố.

Hội nghị đã được lắng nghe báo cáo đề dẫn, dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 và một số tham luận như công tác phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện theo quy định của Nghị quyết liên tịch và một số giải pháp tăng cường trách nhiệm phối hợp.

Tại hội nghị, bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã có phát biểu tham luận về những đổi mới, sáng tạo, bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam TP.HCM  và kiến nghị giải pháp hoàn thiện.

Theo đó, qua 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban  MTTQ  Việt Nam Thành phố đã tham Ban Thường vụ Thành ủy nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các quy định về công tác giám sát, phản biện xã hội như Quyết định số 935 năm 2017 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn TP.HCM; Quyết định số 936 năm 2017 về việc quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn TP.HCM và Quyết định số 994 năm 2017 về việc ban hành Quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội.

Thực hiện Nghị quyết 131 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức Chính quyền đô thị tại TP.HCM, theo đó không tổ chức HĐND quận, phường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 06 “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam Thành phố và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030” được thông qua tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Chỉ thị số 13 về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06. Đây là văn bản quan trọng, là cơ chế, giải pháp để hệ thống MTTQ từ thành phố đến cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giám sát góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Đề án số 06 là đưa nội dung thực hiện các kết luận sau giám sát vào đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm và không đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với tập thể, cá nhân không thực hiện những kiến nghị sau giám sát, đồng thời quy định Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức hội nghị nhân dân định kỳ hàng tháng đối với phường, hàng quý đối với quận, đây là hình thức, giải pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân khi không tổ chức HĐND quận, phường.

Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Thành ủy đến nay, hệ thống MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức 333 cuộc giám sát chuyên đề, phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức hội nghị nhân dân định kỳ hàng tháng đối với phường, hàng quý đối với quận, qua đó đã tổ chức 1.182 hội nghị nhân dân, có 104.568 lượt người tham dự, có 11.182 lượt ý kiến.

Thay mặt hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội Thành phố, bà Trần Kim Yến đã nêu 7 nội dung đề xuất, kiến nghị đến Trung ương để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 403, nhấn mạnh 2 nội dung về kinh phí hỗ trợ tương xứng trong phát huy vai trò và trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Đồng thời, bà cũng đề xuất xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành luật, trong đó cần quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội của các cơ quan được giám sát.

N.Trinh

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)