Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sở LĐ-TB&XH: Đầu tư đào tạo nghề trọng điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến thời điểm này, thành phố hiện có 435 cơ sở dạy nghề, với kết quả tuyển sinh năm 2016 đạt 402.133/402.000 HS-SV. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp năm 2016 đạt 75,02% (vượt 0,02% so với kế hoạch năm 2016).

Ngành LĐ-TB&XH TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường nghề tham gia đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng tại 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế

Đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin: Tính đến thời điểm này, thành phố hiện có 435 cơ sở dạy nghề, với kết quả tuyển sinh năm 2016 đạt 402.133/402.000 HS-SV. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp năm 2016 đạt 75,02% (vượt 0,02% so với kế hoạch năm 2016), cụ thể có: 2.814.854/3.752.304 người trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề nghiệp.

“Sở cũng đã triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư cho trường nghề chất lượng cao tham gia đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng tại 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Cụ thể, Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM được cấp 9 tỷ đồng và Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương được cấp 2 tỷ đồng”, ông Tấn cho biết.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, thành phố có 6 trung tâm dịch vụ việc làm, 15 trường nghề có bổ sung chức năng giới thiệu việc làm và 56 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và 25 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động tại TP.HCM. Ngoài ra, TP.HCM hiện có 46 doanh nghiệp và 23 chi nhánh công ty hoạt động xuất khẩu lao động. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài trên 14.000 lao động, tăng gần 500 người so với năm trước.

Trong năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 54 vụ tranh chấp lao động với 18.756 người lao động tham gia (giảm 29 vụ và 10.113 người tham gia so với cùng kỳ năm 2015). Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cũng đã kiểm tra chuyên đề an toàn lao động tại 48 công trình xây dựng có sử dụng cần trục tháp, các công trình xây dựng có nguy cơ xảy ra sự cố tai nạn lao động trên địa bàn thành phố. Trong năm đã xảy ra 94 vụ tai nạn lao động làm chết 96 người, trong đó có 10 vụ đề nghị khởi tố.

TP.HCM hiện đang quản lý và giáo dục 11.400 người nghiện (có 950 nữ). Số người được phát hiện có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy và được xét nghiệm tìm chất ma túy: 11.320 người (trong đó người xét nghiệm dương tính với chất ma túy 9.003 người).

Từ đầu năm 2016 đến nay, sở đã phối hợp tổ chức nhiều đợt thu gom đối tượng tệ nạn xã hội, với kết quả thu gom được 451 đối tượng. Tổ chức khảo sát, lập danh sách 1.021 ngành, nghề cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện nghi vấn phát sinh tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục trên địa bàn. Thành phố có 34 tụ điểm, tuyến đường (15 điểm, 1 tụ điểm, 18 tuyến đường) phát sinh tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục thuộc 34 phường, xã, thị trấn với tổng số đối tượng là 200 người.

Chấn chỉnh cơ sở dễ phát sinh tệ nạn

Ông Lê Minh Tấn cho biết, trong năm 2017, Sở LĐ-TB&XH sẽ thực hiện theo chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của thành phố. Theo đó, những nội dung bám sát với tình hình và điều kiện thực tế của thành phố, cụ thể là: Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 77,5%, cụ thể có 3.365.696/4.342.834 người trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề nghiệp; Giải quyết việc làm cho 280.000 lượt lao động; Tạo việc làm mới cho 125.000 lao động (trong đó đảm bảo có ít nhất 45% lao động nữ); Tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; Giảm 1,2% tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (có khoảng 23.471 hộ vượt chuẩn nghèo) và giảm 1,2% tỷ lệ hộ cận nghèo theo tiêu chí mới (có khoảng 23.471 hộ vượt chuẩn cận nghèo)…

Tiếp nhận và hỗ trợ 100% nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, ổn định tâm lý và cuộc sống; Phối hợp kiểm tra xử lý 120 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn ma túy, mại dâm, khiêu dâm, kích dục trên địa bàn thành phố (trong đó ít nhất từ 20% cơ sở có phát sinh tệ nạn xã hội).

Theo kế hoạch, sở sẽ thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề cho 403.000 HS-SV,  trong đó đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp là 22.000 HS-SV (cao đẳng là 15.500 SV), sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 381.000 học viên. Bên cạnh đó, 12.000 lao động nông thôn (khoảng 55% là nữ) cũng sẽ được đào tạo nghề.

Các chỉ tiêu như tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt của thành phố xuống dưới mức 4% vào cuối năm 2017; Có 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp, chăm sóc và được tiếp cận ít nhất một trong các loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 100% trẻ em dưới 6 tuổi đủ điều kiện được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước chi trả… cũng được sở này thực hiện trong năm 2017… cũng là những nội dung trọng tâm mà sở phấn đấu thực hiện trong năm 2017. 

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, từ năm 2017, Sở LĐ-TB&XH cần chú trọng dạy nghề, giải quyết việc làm và đào tạo nghề gắn với công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt quan tâm sử dụng lao động đã có thời gian hợp tác lao động ở nước ngoài nhằm hạn chế lãng phí chi phí đào tạo của doanh nghiệp cũng như lãng phí sức lao động.

T.Anh

Bình luận (0)