Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Số lượng dự thi đại học ít – dấu hiệu tích cực?

Tạp Chí Giáo Dục

Báo chí đưa tin tổng hợp ban đầu về số lượng hồ sơ thí sinh nộp thi đại học năm nay ít hơn nhiều so với các năm qua. Số hồ sơ bình quân của mỗi em nộp dự thi các trường cũng thấp hơn, khoảng 2,5 hồ sơ/thí sinh, so với năm qua là 3-4 hồ sơ/thí sinh. Nhận định của một số chuyên viên ở Bộ, sở GD-ĐT là năm nay, hầu hết thí sinh đã biết lượng sức mình, lựa chọn tương đối chính xác ngành nghề và trường phù hợp với năng lực của mình hơn; đa số các em cũng không nộp hồ sơ dự thi tràn lan ở nhiều trường đại học hoặc, thậm chí không nộp hồ sơ khi cân nhắc, biết mình không có cơ hội trúng tuyển đại học, để chọn con đường đào tạo trung cấp. Đó có thể là dấu hiệu tích cực của việc định hướng nghề nghiệp và phân luồng đào tạo?
Những năm trước đây, mỗi năm có đến gần 2 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng trong 3 đợt tuyển sinh. Hầu hết thí sinh dự thi hai đợt, một phần không nhỏ dự thi cả ba. Có những thí sinh trúng tuyển 2-3 trường, nhưng đại đa số, khoảng 80% thí sinh dự thi, không trúng tuyển vào trường nào cả. Đa số thí sinh không đậu vào đại học chấp nhận việc ôn luyện trong một, hai năm hoặc hơn nữa để thi lại, cho tới khi nào thi đỗ mới thôi. Đại học như là con đường duy nhất để thanh niên vào đời, là vinh quang của gia đình, dòng họ. Thất bại nơi trường thi, tâm lý thua kém bạn bè, cùng áp lực gia đình, nhiều thí sinh thi rớt đại học đã phẫn chí, dẫn tới hành động tự tử. Các bệnh viện đã không ít ca cấp cứu thí sinh tự tử mỗi năm, sau khi biết kết quả thi đại học. Trong khi sức chứa và năng lực đào tạo của hệ thống đại học quá tải, dẫn đến đào tạo kém chất lượng thì hệ thống các trường đào tạo trung cấp lại bị bỏ rơi, thiếu vắng người học. Đằng khác, nhu cầu lao động xã hội, trong tất cả ngành nghề lại rất cần nhân lực trình độ trung cấp, trong khi cơ cấu đào tạo hiện tại lại nghiêng về đại học, sau đại học.
Vài tuần nữa khi đã có con số thống kê chính thức, nếu số lượng hồ sơ dự thi đại học năm nay thực sự giảm đáng kể thì đó là hiện tượng cho thấy quá trình tư vấn, hướng nghiệp của nhà trường, của các cơ quan báo đài… thực hiện trong thời gian vừa qua đã có ảnh hưởng tốt đến nhận thức của học sinh.
Việc hướng nghiệp, định hướng phân luồng đào tạo tại các nhà trường và trên các phương tiện truyền thông cần được tăng cường hơn trong thời gian tới. Đồng thời cũng phải mở rộng quy mô, nâng cao năng lực đào tạo cho hệ thống các trường đào tạo trung cấp (nghề hoặc chuyên nghiệp ) nhằm thu hút phần lớn số học sinh sau khi tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp, bậc THPT. Đó là con đường rộng, nhiều triển vọng phát triển, lại tránh được sự lãng phí về thời gian, công sức và tiền của để các em vào đời.
Nghiêm Ý

Bình luận (0)