Một nghiên cứu mới công bố hôm 28-6 của Viện Môi trường và Phát triển quốc tế (IIED – Anh) cho thấy số ngày đạt mức nhiệt nóng 35 độ C trở lên tại 20 thủ đô đông dân nhất thế giới đã tăng 52% trong 3 thập kỷ qua.
Trong số đó, New Delhi ghi nhận số ngày trên 35 độ C cao nhất trong 3 thập kỷ là 4.222 ngày. Chỉ riêng trong thập kỷ qua đã có 44% số ngày thành phố này đạt 35 độ C trở lên. Jakartar ghi nhận mức tăng đáng kể nhất về số ngày trên 35 độ C trong năm: Từ 28 ngày của giai đoạn 1994-2003 lên 153 ngày trong giai đoạn 2004-2013 và 167 ngày trong giai đoạn 2014-2023. Số ngày nắng nóng gay gắt liên tiếp ở một số thành phố cũng gia tăng. Ví dụ, Jakarta trải qua 30 ngày liên tiếp với nhiệt độ trên 35 độ C vào tháng 10-2023, nhiều ngày hơn toàn bộ khoảng thời gian 10 năm từ 1994-2003; còn New Delhi ghi nhận 39 ngày liên tiếp có nhiệt độ tối đa từ 40 độ C trở lên (từ ngày 14-5 đến 21-6 năm nay)…
Người dân chờ lấy nước từ xe bồn tại New Delhi – Ấn Độ hôm 13-6. Ảnh: Reuters
Đồng tác giả báo cáo, ông Tucker Landesman, lưu ý tình trạng nóng cực độ thường không đồng đều, ví dụ tăng cao hơn ở một số loại khu dân cư và khu thương mại nhất định. Điều này liên quan đến tình trạng bất bình đẳng và cách thiết kế nhà cửa, hạ tầng công cộng.
Một phân tích khác vừa được ClimaMeter – mạng lưới nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở châu Âu – công bố chỉ ra đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Ả Rập Saudi là nguyên nhân khiến hơn 1.300 người tử vong trên đường hành hương đến thánh địa Mecca vừa qua. Nhiệt độ dọc theo tuyến đường này từ ngày 16 đến 18-6 có lúc lên tới 47 độ C và vượt quá 51,8 độ C tại Đại Thánh đường Hồi giáo Mecca.
Theo Reuters, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu quan sát từ vệ tinh trong 4 thập kỷ qua để so sánh các kiểu thời tiết giai đoạn 1979-2001 và 2001-2023. Mặc dù nhiệt độ nguy hiểm đã được ghi nhận từ lâu ở sa mạc nhưng theo họ, đợt nắng nóng trong tháng này khắc nghiệt quá mức và nếu không có tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ sẽ mát hơn khoảng 2,5 độ C.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)