Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Số người chết do tai nạn giao thông đường bộ giảm

Tạp Chí Giáo Dục

Người vi phạm đang ký biên bản phạt. Ảnh: Hà Anh

Theo kết quả thống kê của Cục CSGT đường bộ – đường sắt (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2010, cả nước giảm được 111 người chết do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ.
Tuyên truyền về tác hại của rượu bia
Trong 6 tháng đầu năm 2010, cả nước xảy ra 6.559 vụ TNGT đường bộ, làm chết 5.610 người, bị thương 4.885 người. So với cùng kỳ năm 2009, tăng 524 vụ (8,7%), giảm 111 người chết (1,94%), tăng 1.008 người bị thương. Trong thời gian này, CSGT ở các địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, triệt để sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, Cục CSGT đường bộ – đường sắt phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức in và cấp phát 100.000 tờ rơi tuyên truyền về tác hại của rượu bia đối với người tham gia giao thông. Thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) có 3 kế hoạch liên ngành bố trí lực lượng phối hợp tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm. Kết quả, đã kiểm tra, xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (tăng 449.238 trường hợp so với cùng kỳ năm 2009), tước giấy phép lái xe 99.034 trường hợp, tạm giữ 417.961 phương tiện các loại. Đặc biệt, cả 3 chuyên đề đều được tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm là vi phạm của xe khách, người đi mô tô không đội mũ bảo hiểm (MBH) và người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia. Cụ thể, đã lập biên bản 48.973 ô tô khách vi phạm (chạy quá tốc độ 5.057 xe, chở quá số người 6.518 xe, tránh vượt sai quy định 3.229 trường hợp), xử lý 940.601 trường hợp không đội MBH, 3.694 trường hợp vi phạm về sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.
Đảm bảo tốt ATGT cho các kỳ thi
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt trong thời gian tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ và những ngày diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43, Bộ Công an đã có công điện số 324/HT về việc mở đợt cao điểm tổng kiểm soát ô tô khách và xe mô tô từ ngày 1-7 đến 31-7. Theo đó, Bộ Công an yêu cầu, Cục CSGT đường bộ – đường sắt chỉ đạo Phòng CSGT công an các địa phương tham mưu cho giám đốc công an tỉnh, thành phố có kế hoạch và chuẩn bị điều kiện về lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình triển khai, công an các địa phương huy động lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113 và các lực lượng khác phối hợp với CSGT tổ chức các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT.
Cục CSGT đường bộ – đường sắt, nhận định 2010 là năm có nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của đất nước. Nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời, thường xuyên từ Chính phủ cho đến các bộ, ngành và địa phương nên tình hình trật tự ATGT đường bộ trong 6 tháng qua đã có chuyển biến tích cực. Điều này cũng phần nào cho thấy, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 34/2010/NĐ-CP (mức xử phạt hành chính cao hơn) đã phát huy tác dụng.
Sẽ duy trì và xử lý mạnh hơn
Trên cơ sở tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội yêu cầu Cục CSGT đường bộ – đường sắt chỉ đạo công an các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng tiếp theo. Cụ thể, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo chuyên đề: vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định, sử dụng giấy phép lái xe giả, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, vi phạm về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, vi phạm phần đường, làn đường, không đội MBH…; mở chiến dịch tuyên truyền theo đề cương của Ủy ban ATGT quốc gia, tuyên truyền, phổ biến các nội dung thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 34/2010/NĐ-CP; tổ chức khảo sát các “điểm đen” TNGT, các điểm ùn tắc giao thông, bất hợp lý về tổ chức giao thông; bố trí lực lượng phù hợp để phòng ngừa, giải tỏa ùn tắc giao thông.
Gia Hưng

Bình luận (0)