Số là tôi có đứa cháu năm nay đăng ký thi lại kỳ thi THPT quốc gia 2016 để xét tuyển vào ĐH. Lễ Giỗ tổ cháu đưa các bạn về nhà chơi, tôi ngồi trò chuyện cùng. Một cháu trong nhóm hỏi: “Dì ơi, sao trước đây dì lại chọn nghề giáo. Cháu nghe nói dì học giỏi, sao lại chọn nghề “chuột chạy cùng sào?””. Tôi cười bảo tại dì thích làm cô giáo. Còn giàu ư? Tiền quan trọng và dì cũng thích giàu lắm nhưng nếu phải chọn giữa hai thứ ấy thì dì chọn nghề giáo. Sự lựa chọn nào cũng trả giá hết. Nên trước khi chọn dì cũng đã cân nhắc được – mất rồi chọn và dấn thân.
Cháu tôi ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi: “Vậy dì nghĩ thế nào nếu cháu chọn ngành kinh tế luật?”. Tôi bảo, cháu hãy trả lời câu hỏi “mình có thích công việc đó, có đủ sức vào trường đó không và liệu sau này gặp khó khăn, có dám trả giá cho sự lựa chọn này không?”. Nếu trả lời được những câu hỏi đó thì ngại gì mà không sống cho đam mê của mình. Cháu đắn đo hỏi lại: “Nhưng khi cháu hỏi thầy chủ nhiệm lớp 12 năm rồi thì thầy khuyên: Đừng chọn ngành đó, ra trường khó xin việc lắm, mà nếu có thì không thể về quê làm được, đi làm xa cha mẹ cực lắm”. Tôi trả lời rằng: “Thầy chủ nhiệm nói là có cái lý của thầy: Đúng là thời buổi này không phải cứ học ra là xin được việc. Đương nhiên, chọn ngành nghề, ngoài việc cân nhắc sở trường sở đoản của bản thân còn phải lưu ý đến cơ hội tìm việc làm, nhu cầu nhân lực của địa phương trong tương lai… Nhưng nếu bảo ngành nào khó hay dễ xin việc thì chuyện ấy khó chính xác lắm, tin rằng, chỉ cần học tốt thì ngành nào cũng dễ xin việc, vì ngành nào chẳng cần người tài giỏi. Còn chuyện làm việc xa ba mẹ là không đúng. Học xong ra trường thì đã toàn quyền lo cho cuộc sống, tương lai của bản thân rồi, đừng nghĩ tới chuyện ở nhà bám váy mẹ nữa. Chưa nói bây giờ thì khoảng cách địa lý không phải là trở ngại không thể khắc phục”.
Một cháu khác chia sẻ: “Năm trước cháu thi ngành công an mà thiếu 2 điểm, nên năm nay ôn lại, cô giáo chủ nhiệm cũ gọi điện la hoài. Cô kêu con gái mà tự dưng bỏ mất một năm, phải như năm ngoái nộp đơn nguyện vọng 2 thì giờ ổn rồi, mà cháu thì không thích ngành du lịch”. Tôi bảo thế này: “Con người, sợ nhất là chọn nhầm nghề, vì cái nghề nó gắn bó với ta cả đời. Cháu nghĩ sao khi mất một năm để theo đuổi nghề mình yêu thích với mất một đời để đau khổ với cái nghề mình không ưng?”. Cháu nói tiếp: “Năm nay cháu tính nộp đơn vào ngành kiểm sát nhưng khi hỏi mấy cô chú thì người ta bảo rằng hãy chọn ngành công an. Kiểm sát lương thấp lắm mà không có cơ may tiến thân”. Tôi cười rằng: “Nếu cháu thấy mình đủ sức vào ngành công an thì hãy làm điều đó, còn nếu thấy sức mình chỉ có thể vào kiểm sát thì chần chừ gì nữa. Cuộc sống, điều quan trọng là biết mình biết ta thì mới mong trăm trận trăm thắng được. Tóm lại, cháu hãy cân nhắc xem, mục tiêu của mình là kiếm nghề làm ra tiền hay kiếm nghề mình yêu thích, vừa sức để dám “sinh nghề tử nghiệp”…
Tóm lại, lựa chọn nghề nghiệp là chuyện trọng đại đối với học sinh lớp 12. Người lớn nếu được nhờ tư vấn thì xin hãy khuyên các em cần bình tĩnh, sáng suốt chọn cho mình ngành nghề theo sở thích, xem xét năng lực bản thân, nhu cầu xã hội… Và nhớ cho, sự lựa chọn nào cũng phải trả giá. Cân nhắc, lựa chọn là việc nên làm nhưng nó không đồng nghĩa với việc chần chừ, không quyết đoán và bỏ mất cơ hội thực hiện đam mê.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS & THPT
Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)
Bình luận (0)