Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Số phận Chiến lược giáo dục – bao giờ hết “trầm luân”?

Tạp Chí Giáo Dục

Sửa chữa đến 14 lần, Dự thảo chiến lược giáo dục 2009-2020 vẫn vấp phải sự phản ứng khá căng thẳng từ các nhà khoa học, giáo dục. Số phận của bản Dự thảo “trầm luân” này rồi sẽ ra sao?

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội về Dự thảo nhiều tranh cãi này. 
Cả thời điểm xuất phát lẫn thời điểm kết thúc đều không hợp lý
Với góc nhìn từ Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, ông nhận xét gì về ý tưởng xây dựng Chiến lược phát biểu giáo dục vừa qua của Bộ GD-ĐT?
Trước hết, xây dựng chiến lược phát biểu giáo dục là một chủ trương đúng, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục & đào tạo cũng như phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Tôi hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020 để lấy ý kiến các nhà chuyên môn và các tầng lớp nhân dân. Giáo dục là lĩnh vực thiết thân với mỗi gia đình, được xã hội hết sức quan tâm; ai cũng muốn được biết, được bàn về định hướng và giải pháp phát triển giáo dục trong tương lai.
Việc công bố Dự thảo Chiến lược đã đáp ứng được mong muốn đó. Việc công bố Dự thảo còn có tác dụng định hướng dư luận vào những vấn đề lớn, có tầm quan trọng, có tính lâu dài, để không sa vào tranh cãi những điều vụn vặt hoặc chạy theo những biện pháp sửa chữa chắp vá, tốn thời gian, tiền bạc mà sao nhãng những vấn đề lớn. Tóm lại, đây là một chủ trương đúng và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, bản Chiến lược sau 14 lần sửa chữa đã không đáp ứng được yêu cầu nội tại của ngành cũng như mong mỏi của nhân dân.
Xin được nói một cách thành thật là khi nhận xét về giáo dục, không ít người thường có những "phán bảo" chung chung, thậm chí là buông ra những nhận xét rất thiếu trách nhiệm. Dựa trên cơ sở nào mà ông đánh giá Dự thảo này "không đáp ứng được mong mỏi của nhân dân"?
Trước hết, tôi có nhận xét là việc xác định khung thời gian cho Chiến lược không hợp lý cả ở điểm xuất phát lẫn điểm kết thúc. Về thời điểm xuất phát, Dự thảo Chiến lược này lúc đầu định khung thời gian là 2008 – 2020, sau đó, vì làm không kịp, được đẩy lên 2009 – 2020. Thế nhưng đến thời điểm này (3/2009), Chiến lược vẫn đang bàn thảo và điều đó có nghĩa là sẽ phải lùi ít nhất là đến năm 2010. Trong khi đó, chúng ta đang thực hiện Chiến lược giáo dục 2001 – 2010. 
Theo tôi, nên chọn thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược mới là từ 2011, cùng thời điểm với Đại hội XI của Đảng. Trong giai đoạn chuyển tiếp, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh, bổ sung Chiến lược 2001 – 2010 nếu nó có điểm gì không phù hợp.  Về thời điểm kết thúc, năm 2020 là quá ngắn so với tầm của một dự án chiến lược. Đã gọi là chiến lược thì ít nhất phải vạch giải pháp cho 20 năm và tầm nhìn vài chục năm sau nữa. Giáo dục không phải là lĩnh vực có thể "ăn ngay", vì kinh nghiệm cho thấy các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều phải trải qua thời gian tính bằng thế kỉ mới khẳng định được mình.
Vắng mặt các nhà khoa học hàng đầu
Về phương pháp xây dựng Chiến lược, các nhà soạn thảo nói rằng đã huy động ở mức cao nhất các nhà giáo dục, các nhà khoa học hàng đầu…?
Tôi cũng nghe nói vậy nhưng thực tế có lẽ không phải như vậy. Trong số các tác giả Dự thảo Chiến lược, tôi không thấy bóng dáng các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín của các trường đại học hay các viện nghiên cứu ngoài Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Nếu có sự tập hợp lực lượng rộng hơn và có cách thích hợp để huy động lực lượng toàn ngành tham gia từ đầu, chắc sẽ không xảy ra hiện tượng viện nghiên cứu giáo dục của một trong hai trường đại học sư phạm lớn nhất nước "nã pháo" vào bản Dự thảo Chiến lược của Bộ mình như vừa rồi. Ngay ở Viện Khoa học giáo dục VN, như tôi được biết, nhiều nhà khoa học cũng không biết đến sự tồn tại của Dự thảo này trước khi nó được công bố rộng rãi.
Tôi cũng phải nói thêm rằng, hiện ở nước ta đang có ít nhất ba tổ chức chuẩn bị những văn kiện liên quan đến định hướng phát triển GD&ĐT. Thứ nhất là Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XI – trong Báo cáo Chính trị của Đại hội đương nhiên là phải có định hướng phát triển GD&ĐT. Thứ hai là Ban Tuyên giáo TW – Ban này vừa hoàn thành Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 2 về GD&ĐT, trong đó có cả phần đánh giá kết quả lẫn phần xác định phương hướng phát triển GD&ĐT những năm tới. Thứ ba là Bộ GD&ĐT với  Dự thảo Chiến lược này. Tôi dám chắc bộ phận soạn thảo Chiến lược của Bộ GD&ĐT chỉ làm việc độc lập chứ không gắn kết với công việc của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XI của Đảng và Ban Tuyên giáo TW; nếu vậy thì khó có thể tránh khỏi tình trạng thiếu thống nhất.
Vì sao ông biết họ không "gắn kết"?
Đơn giản là vì tôi được cả ba nơi mời tham gia những hội nghị độc lập để góp ý cho các văn bản. Với ý thức trách nhiệm, ở nơi nào tôi cũng giới thiệu là có một nơi khác đang làm công việc tương tự.
Triết lý giáo dục – có những điều tôi không hiểu nổi
Xin được hỏi, về cơ bản, ông đánh giá nội dung Dự thảo Chiến lược thế nào?
Trước hết, phải ghi nhận những cố gắng của bộ phận soạn thảo Chiến lược giáo dục để có thành quả này. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì bản Dự thảo không đạt yêu cầu.
Những điểm nào không đạt yêu cầu, thưa ông?
Nói một cách vắn tắt thì hai phần yếu nhất trong Dự thảo Chiến lược là "những quan điểm cơ bản" và các chỉ tiêu. Như Dự thảo đã khẳng định, 6 quan điểm cơ bản chỉ đạo giáo dục chính là 6 triết lý giáo dục làm nền tảng cho phát triển giáo dục trong 10 năm tới. Thế nhưng, đọc 6 triết lý này, tôi không thấy những quan điểm cơ bản của Đảng về giáo dục ở đâu. Không chỉ những triết lý sâu sắc đã tạo nên sự khác biệt giữa nền giáo dục dân chủ với nền giáo dục thuộc địa như "Học đi đôi với hành", "Lý luận gắn liền với thực tiễn", "Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội" bị bỏ qua mà cả những quan điểm chỉ đạo rất sâu sắc ở Cương lĩnh 1991 cũng như trên văn kiện của các đại hội Đảng sau này xác định nhiệm vụ của giáo dục ("Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài"), định hướng phát triển giáo dục ("Chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá"), chính sách đối với giáo dục ("Đầu tư cho giáo dục là hướng chính của đầu tư phát triển"),… cũng không được nhắc tới.
Một số quan điểm tuy được nhắc tới nhưng lại bị thay thế bằng những cụm từ lê thê, tối nghĩa, nước đôi, nhầm trọng điểm. Ví dụ, Cương lĩnh 1991 khẳng định "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" thì tại điểm 2, phần 3 của Dự thảo Chiến lược, quan điểm này được "kéo dài, thu nhỏ" thành "Phát triển nền giáo dục của dân, do dân, vì dân là quốc sách hàng đầu". Đã gọi là triết lý thì phải súc tích, mạch lạc, dễ nhớ, dễ làm theo chứ đâu có thể diễn đạt dài dòng, nước đôi như vậy? Thậm chí, có những "triết lý" mơ hồ khiến ngay cả những người như tôi đọc cũng … chẳng hiểu họ định nói điều gì.
Ông có thể chỉ cụ thể?
Ví dụ như quan điểm 4 được viết nguyên văn thế này: "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục phải dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền giáo dục giàu tính nhân văn, tiên tiến, hiện đại." Không hiểu người soạn Chiến lược định nhấn mạnh nội dung đẩy mạnh hội nhập quốc tế hay bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc? Mà tôi cũng không rõ chúng ta chủ trương "hội nhập quốc tế về giáo dục" từ bao giờ.
Có những chỉ tiêu chẳng để làm gì
GS.NGND Nguyễn Ngọc Lanh trong một bài viết của mình đã nói rằng Chiến lược thiếu một giải pháp quan trọng nhất, đó là giải pháp bồi dưỡng, đãi ngộ với chính con người đang lao động, cống hiến trong ngành giáo dục. Ông có đồng ý với nhận xét này?
Tôi nghĩ rằng GS Lanh có lý. Công bằng mà nói, Dự thảo Chiến lược có đề cập đến vấn đề này nhưng theo tôi, nó thiếu khoa học, không duy vật và cũng không truyền thống. Người xưa đã nói: "Có bột mới gột nên hồ". Khi đời sống và điều kiện học tập của giáo viên và sinh viên còn khó khăn, trang thiết bị dành cho việc dạy và học còn thiếu thốn thì thật khó có thể hy vọng nền giáo dục "có chất lượng tốt nhất" được. Đặt ra yêu cầu "đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất với chi phí hạn hẹp" là không có cơ sở.
Ông có cho rằng hầu hết các chỉ tiêu của Chiến lược là không có cơ sở?
Tôi không nghĩ là tất cả mà chỉ là không ít các chỉ tiêu không thể thực hiện được và có cả những chỉ tiêu không cần thiết phải thực hiện.
Theo ông, những chỉ tiêu nào không thể thực hiện được?
Ví như chỉ tiêu đến năm 2010, tất cả các trường đại học chuyển sang chế độ tín chỉ rất khó thực hiện. Lý do là cơ sở vật chất chúng ta chưa cho phép, số lượng giảng viên cũng chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, cũng cần nghĩ xem các trường sẽ quản lý học sinh như thế nào khi chuyển sang chế độ tín chỉ vì lúc đó không còn tổ chức lớp, tổ chức chi đoàn, cán bộ lớp, cán bộ chi đoàn nữa. Đối với giáo dục phổ thông, chỉ tiêu 99% trẻ em đi học tiểu học và THCS  đúng độ tuổi cũng khó thực hiện vì đời sống kinh tế ở nhiều vùng còn hết sức khó khăn.
Còn những chỉ tiêu "không cần thiết", thưa ông?
Rõ nhất là ở phần giáo dục đại học. Chỉ tiêu đến năm 2020 đạt tỉ lệ 450 sinh viên trên 10.000 dân là không cần thiết vì nhiều "thầy" như thế để làm gì? Các khu công nghiệp, các doanh nghiệp và các trường, viện nghiên cứu có cần đến con số đó không?            
Rõ nhất là ở phần giáo dục đại học. Chỉ tiêu đến năm 2020 đạt tỉ lệ 450 sinh viên trên 10.000 dân là không cần thiết vì nhiều "thầy" như thế để làm gì? Các khu công nghiệp, các doanh nghiệp và các trường, viện nghiên cứu có cần đến con số đó không? Cái lý để những nhà làm Chiến lược đưa ra là dựa theo tỉ lệ "sinh viên" trên 10.000 dân của một số nước trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn. Tôi e rằng ở đây có sự nhầm lẫn. Tỉ lệ của họ có thể là là 400 hoặc 500 sinh viên trên 10.000 dân nhưng cách tính của họ là tính theo tín chỉ. Ai ghi tên học, dù học một tín chỉ, đều được tính là một "sinh viên". Rồi việc phấn đấu ít nhất có một trường đại học lọt vào danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới cũng không thiết thực.
Vậy theo ông, cái gì là thiết thực?
Tôi nghĩ đơn giản là chỉ cần phấn đấu để đại bộ phận sinh viên ra trường được làm đúng chuyên ngành mình học và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Nên làm lại từ đầu
Có thể nói Chiến lược giáo dục 2009 – 2020 là bản chiến lược kỉ lục về thời gian xây dựng cũng như số lần bổ sung, sửa đổi. Gần đây, TS Chu Hảo có đề xuất là nên dỡ ra làm lại bởi Bộ GD&ĐT không nên sửa đổi lần thứ 15 vì như vậy sẽ rất "mất uy tín cho Bộ". Ông có đồng ý với nhận xét này?
Nói là dỡ ra làm lại từ đầu thì anh em người ta buồn. Thực tế, ta vẫn có thể tận dụng những tư liệu, tài liệu đã thu thập được và tận dụng cả những kinh nghiệm qua 14 lần biên soạn, sửa đổi, bổ sung. Nhưng về tư tưởng chỉ đạo thì  nên làm lại từ đầu. Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên bình tĩnh đứng ra tập hợp các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài ngành giáo dục, gắn kết các tổ chức liên quan mà tôi đã nói ở trên để xây dựng một bản chiến lược có tính khoa học và tính khả thi.
Nhiều người cho rằng bây giờ đã là quá muộn, ông còn nói là nên bình tĩnh thì đến bao giờ?
Tôi nghĩ là nếu bây giờ bắt tay vào làm thì Chiến lược vẫn có thể bắt đầu thực hiện từ năm 2011.
Vì sao ông lại chọn mốc đó?
Năm 2011 là năm Đại hội Đảng. Khi ấy, đường lối về giáo dục, đào tạo đã được định hình rất rõ trong Nghị quyết nên có cơ sở để hoàn thiện Chiến lược mà không lo bị lệch với chủ trương, đường lối của Đảng. Vả lại, năm nay có cố cũng khó có thể ban hành vì đã hết quý I rồi. Thôi thì các cụ đã dạy "Dục tốc bất đạt", tôi biết tất cả đang sốt ruột nhưng đành phải vậy thôi.
Xin cảm ơn ông!
Bùi Hoàng Tám – Nguyễn Kim Khánh
(Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)