Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sơ suất nhỏ, hậu quả lớn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho kỳ thi tuyển sinh ĐH nhưng trong đợt thi vừa qua, nhiều thí sinh chỉ vì sơ suất, chủ quan, coi thường các quy định… mà gặp phải những sự cố không đáng có, đành phải dừng bước giữa đường

Hai thí sinh dự thi vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chúc mừng nhau sau khi hoàn thành tốt ba môn thi khối A – Ảnh: Như Hùng

Tại điểm thi Trường tiểu học Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) của Trường ĐH Giao thông vận tải, một thí sinh bị đình chỉ thi vào phút chót khi đã nộp bài thi môn vật lý vì điện thoại đổ chuông. Cuộc điện thoại đó là của mẹ gọi điện hỏi thăm tình hình làm bài thi. Một nam thí sinh khác dự thi vào ĐHQG Hà Nội khi được yêu cầu kiểm tra mới nhớ ra vẫn… để quên điện thoại trong túi quần.

Chỉ tại cái “alô”
Trường ĐH Mỏ – địa chất cũng đã đình chỉ một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Vừa nộp bài xong, thí sinh này lấy di động gọi người nhà vào đón vì “tưởng nộp bài xong là được sử dụng điện thoại”. Một thí sinh ở Trường ĐH Xây dựng đã có “sáng kiến” buộc điện thoại vào bắp chân để tránh bị cán bộ coi thi phát hiện, nhưng giữa giờ thi điện thoại bất ngờ đổ chuông. Một thí sinh tại Trường ĐH Thủy lợi để điện thoại ngay trong túi áo, đèn nhấp nháy “mời gọi” giám thị xử lý.
Bị phát hiện mang điện thoại vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi ngay lập tức. Quy định này không phải mới, đã áp dụng nhiều năm ở cả kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Các hội đồng thi cũng đặc biệt chú trọng việc phổ biến quy định này đến thí sinh bằng mọi hình thức. Thế nhưng trong đợt thi vừa qua, nhiều thí sinh tỏ ra bất chấp hoặc chủ quan với quy định này đến mức khó hiểu. Điều đáng nói là ở môn thi đầu tiên bị nhỡ, bị quên đã đành, đến môn thi cuối cùng vẫn có thí sinh bị phát hiện có điện thoại di động trong người. Thế là đi tong cả công sức ôn luyện lẫn ba buổi thi vất vả.
Đến muộn giờ thi
Buổi thi nào cũng có thí sinh đến muộn. Ngay ở môn thi đầu tiên, hai thí sinh dự thi tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đến trễ sau khi đã phát đề nhưng vì chưa quá 15 phút nên vẫn được vào làm bài. Tuy nhiên bốn thí sinh ở các hội đồng thi khác không được may mắn như thế, bị mất quyền dự thi ngay từ môn đầu tiên, trong đó có thí sinh Lê Thái Bảo, quê ở Bình Thuận lặn lội vào TP.HCM dự thi. Bảo được anh trai chở đi thi nhưng trên đường từ ngã tư Thủ Đức đến Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) xe bị hư. Bảo để anh trai sửa xe và bắt xe ôm đi tiếp nhưng do kẹt xe nên tới nơi đã là 7g40.
Đến môn thi cuối cùng còn có thí sinh tuột mất cơ hội chỉ vì đến muộn. Mãi 8g15 thí sinh Nguyễn Duy Bình dự thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mới đến địa điểm thi. Bình đành ngậm ngùi đứng ngoài cổng trường thi vì đã bắt đầu tính giờ làm bài từ 7g15, trước đó cả giờ. Lý do đến muộn của Bình đơn giản là vì không nghe rõ giám thị dặn giờ thi buổi sáng và cũng chủ quan không kiểm tra lại.
Ngược lại, có những trường hợp quá lo lắng chuyện tắc đường, kẹt xe, đến muộn nên lại vội vàng quên giấy tờ, đồ dùng cần thiết. Tại Học viện Ngân hàng có nữ thí sinh đến trường thi từ rất sớm nhưng đến nơi mới phát hiện quên mang máy tính cầm tay.

Đừng để xảy ra tình huống nghiệt ngã

Tại điểm thi Trường THPT Phước Long (Q.9, TP.HCM) của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, một thí sinh đi xe máy mang biển số một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến trễ 15 phút.
Theo quy chế, thí sinh này không được vào thi. Bất ngờ thí sinh này đã quỳ xuống khóc, van xin bảo vệ rồi trưởng điểm thi để mong được vào thi. Nhiều phụ huynh phải thốt lên: “Các thầy nhẫn tâm quá!”, “Các thầy nguyên tắc quá!”. Cuối giờ, chúng tôi đến nhận bài làm và nghe thầy trưởng điểm thi kể lại, thầy xúc động và áy náy lắm. Áy náy vì sự mâu thuẫn và nghiệt ngã, áy náy vì tình người và áy náy vì quá nhiều ánh mắt lúc đó nhìn thầy đầy bất bình. Nhưng biết làm sao được!
Sự cố ý gian lận là hết sức đáng trách, sự “phớt lờ quy chế” cũng càng cảnh báo. Nhưng cũng có nhiều trường hợp các em bị cấm thi bởi những lý do hết sức nghiệt ngã. (ThS Trần Đình Lý)

 THANH HÀ / Tuoi tre

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)