Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sổ tay dạy học môn ngữ văn

Tạp Chí Giáo Dục

1. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn ngữ văn nêu lên nhiều yêu cầu mới, buộc các thầy cô phải thay đổi cách dạy: chuyển từ giảng văn sang đọc hiểu, từ cách dạy chạy theo nội dung sang dạy cách đọc, cách viết, cách nói và nghe theo đặc trưng thể loại và kiểu văn bản; chuyển từ việc giáo viên nói cho học sinh nghe sang tổ chức các hoạt động để người học tự tìm hiểu, khám phá văn bản, tự tạo ra văn bản của riêng mình theo một quy trình viết… Những yêu cầu này là rất mới và khó thành thạo ngay, vì thế bước đầu triển khai sẽ gặp nhiều vướng mắc. Cuốn sách “Sổ tay dạy học Ngữ văn” của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống xoay quanh 3 vấn đề trọng tâm, đó là: chương trình – phương pháp – kiểm tra, đánh giá trong dạy học môn ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện nay. Mỗi bài viết là sự gợi mở cho một vấn đề cụ thể, gắn bó với hoạt động dạy học ngữ văn, đồng thời tác giả hướng đến việc diễn giải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, sao cho phù hợp với điều kiện thời gian của giáo viên. Sách có tính thời sự, thiết thực cao bởi thực chất đây đều là các câu trả lời trước những câu hỏi của giáo viên về tình huống, khó khăn gặp phải trong thực tế dạy học (trong đó các câu hỏi đã được ẩn đi, chỉ hiển thị nội dung giải đáp của tác giả). Nội dung cơ bản đã tập hợp những giải đáp của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – một trong những chuyên gia đầu ngành về phương pháp dạy học môn ngữ văn – về những thắc mắc của giáo viên đối với việc dạy học môn ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2. “Sổ tay dạy học Ngữ văn” do NXB ĐH Sư phạm ấn hành năm 2023 là cuốn sách dành cho mọi giáo viên ngữ văn, với những kiến thức thiết yếu, giúp thầy cô tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện tốt mục tiêu môn học. Tác giả chia sẻ: “Càng ngày tôi càng nghĩ mình “tài hèn sức mọn”, chẳng làm được gì to tát, nên rất chừng mực trong nói năng, nhận xét, đánh giá, nhất là những gì mình chưa tìm hiểu kỹ, chưa có thông tin và bằng chứng tin cậy. Với công việc chuyên môn thuộc lĩnh vực của mình, tôi luôn nghĩ làm được gì có ích; giúp được cho các thầy cô và học sinh trong học tập thì cứ làm. Làm bằng tất cả tâm huyết, hiểu biết và sức lực của mình; làm bằng hành động cụ thể chứ không chỉ nói to tát cho hay. Mà đã làm thì tất sẽ có thiếu sót, sẽ có những điều chưa ổn, như người ta vẫn nói: “Chỉ có người không làm gì cả mới không mắc lỗi”. Tâm niệm và nghĩ thế, nên qua mấy năm triển khai chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 2018, tôi đã viết hàng trăm bài nho nhỏ nhằm trả lời, tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc của các thầy cô. Nay nhìn lại thấy cần lựa chọn một số bài viết, xem xét và chỉnh sửa, in thành cuốn “Sổ tay dạy học Ngữ văn” với hy vọng may ra giúp được giáo viên ít nhiều khi thực hành dạy học theo chương trình và sách giáo khoa 2018. Cuốn sách như một chiếc lá xanh, một thông điệp xanh gửi đến các thầy cô. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, tiếp tục yêu nghề dạy học môn ngữ văn, giúp học sinh có được một công cụ giao tiếp quan trọng để vững bước vào đời; tiếp tục thắp lên trong tâm hồn các em cái đẹp, cái thiện và sự trung thực từ công việc dạy học này”. Khi nhận được tin từ NXB ĐH Sư phạm cho nối bản cuốn sách, ông phấn khởi: “Tôi chỉ biết cảm ơn NXB; cảm ơn các thầy cô đã tin tưởng lựa chọn cuốn sách nhỏ ấy của tôi. Sách vừa có giấy phép phát hành chính thức hôm 7-12, chỉ sau 1 tuần đã phải in nối bản để tiếp tục gửi “chiếc lá xanh” này đến các thầy cô và những người muốn tìm hiểu việc dạy học môn ngữ văn. Tôi viết theo yêu cầu của chương trình, giải đáp một số băn khoăn thắc mắc của các thầy cô trong khi thực hiện chương trình 2018; nên giáo viên dạy bộ sách giáo khoa nào cũng có thể vận dụng được. Hy vọng cuốn sách nhỏ này giúp được ít nhiều các thầy cô trong công việc dạy học hàng ngày…”.

Ít người biết, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT) là người “đứng sau” Bộ GD-ĐT về những đổi mới. Ông chính là người đã thiết kế đổi mới đề thi các môn xã hội: Văn học, lịch sử, địa lý theo dạng đề mở. Nhờ đó, các kỳ thi gần đây luôn có các bài “mở” để kích thích sự sáng tạo của học sinh. Những đổi mới này sau đó được dư luận tán đồng, ủng hộ…

Phan Ngc Quang

Bình luận (0)