Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sô Tay: Hãy sẻ chia để nhận sự chia sẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngôi trường THCS Trung Lập (huyện Củ Chi) những ngày này lặng lẽ như một bức tranh buồn. Cái tin em Nguyễn Thị Cẩm T. (học sinh lớp 9/6 của trường) tìm đến cái chết bằng thuốc trừ sâu do lỡ tay đánh mất quỹ lớp khiến thầy cô, bạn bè, người thân và cả xã hội ngỡ ngàng, ngậm ngùi, xa xót.
Số tiền thật nhỏ nhoi. Sẽ là khập khiễng khi so sánh nhưng 600 ngàn đồng, tin chắc đối với nhiều học sinh cùng trang lứa T., chẳng đáng là bao. Không đủ đãi bạn bè nhân ngày sinh nhật, không đủ chi xài trong một tuần, đôi khi, chỉ một ngày. Nhưng, đối với một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con số ấy thật lớn – đủ để đẩy em đi đến sự bế tắc, cùng quẫn và chọn một lối thoát khờ dại.
Đã thành tiền lệ, quỹ lớp là tiền do học sinh đóng góp, tự tạo nguồn kinh phí cho lớp. Và số tiền không nhiều này, bao giờ cũng được tin cẩn giao cho một học sinh có học lực khá, giỏi cũng như đạo đức, hạnh kiểm tốt thu giữ – chi tiêu theo kế hoạch, nhu cầu của lớp mình. Được trao quyền như một kế toán viên, cũng đồng thời nhận lãnh luôn trách nhiệm: Rạch ròi, minh bạch; và áp lực: Gìn giữ, duy trì sao cho nguồn quỹ luôn tồn tại. Trong đó, gìn giữ chính là áp lực nặng nề nhất phải “quàng” trên vai. Suy cho cùng, quỹ lớp là số tiền chẳng bao nhiêu, nhưng với một học sinh – đối tượng không thu nhập, không có khả năng làm ra tiền – thì đó được xem là tài sản phải quản lý. Do đó, trao cho các em cái quyền giữ tiền, tức là trao áp lực gìn giữ khối tài sản mà trong trường hợp đánh mất, các em không có khả năng tự hoàn trả. Đây không phải là trường hợp đầu tiên học sinh tìm đến cái chết vì “quá sức” trong chuyện tiền nong. Đó là em Nguyễn Thị Tố U., học sinh lớp 7 Trường THCS Phú Túc (Đồng Nai), uống thuốc cỏ vì lỡ tay xài hết 160 ngàn đồng quỹ lớp. Em Huỳnh Thị Ngọc T., học sinh lớp 5 ở Đồng Tháp, giữ quỹ lớp bị thâm hụt 47 ngàn đồng. Do bạn bè nghi ngờ mình “thâm thụt” nên em tìm đến cái chết… Bài học còn kia, nỗi đau còn đó. Chuyện quỹ lớp của học sinh, tưởng thật nhỏ lại hóa ra không nhỏ. Nhiều ý kiến đề xuất, nên chăng quỹ lớp cần giao lại giáo viên chủ nhiệm, hay chi hội phụ huynh – đóng vai trò kế toán trưởng – nhằm giảm tải áp lực, trách nhiệm để các em an tâm học tập.
Buông bỏ sự sống bởi những giá trị vật chất – dù lớn lao bao nhiêu – đã là điều không đáng, huống hồ… Ông bà ta nói: “Còn người là còn của. Sinh mạng con người mới chính là tài sản quý giá nhất”, hy vọng câu chuyện buồn của em Cẩm T. sẽ là bài học cho các em học sinh khác. Không ai trách móc, lên án nếu chúng ta cầu viện sự giúp đỡ khi đối diện với bế tắc, đứng trước một vấn đề hay tình huống nan giải. Gia đình, bạn bè, nhà trường và xã hội luôn chung tay, sẻ chia với các em những trở ngại. Đừng tự ôm lấy khó khăn để đắm mình trong bế tắc, hãy sẻ chia, bộc bạch để nhận được sự chia sẻ của chung quanh.
Ngân Du

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)