Ðúng 8 giờ 45 phút sáng 5-7, khoảng 690 nghìn thí sinh dự thi đại học khối A hoàn thành môn thi cuối, cơ bản khép lại đợt một kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011. Kỳ thi cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra nhưng vẫn còn đó những cảm xúc niềm vui, nỗi buồn của hàng triệu thí sinh và các bậc phụ huynh sau những tháng năm đèn sách và những ngày "lều chõng" đi thi.
Các thí sinh tại Hội đồng thi Trường đại học Ngoại thương phấn khởi sau khi hoàn thành xong các môn thi. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Ðợt một kỳ thi đại học luôn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất trong các khối ngành tuyển sinh đại học, cao đẳng. Báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, đợt một kỳ thi đại học năm nay có 107 trường đại học tổ chức thi với tổng số 71.325 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi đợt một, khối A năm 2011 cao hơn so năm 2010 hơn 1,1%. Có 126 thí sinh vi phạm Quy chế tuyển sinh bị xử lý kỷ luật (khiển trách 33 thí sinh; cảnh cáo 10 thí sinh; đình chỉ 80 thí sinh và ba thí sinh đến muộn không được dự thi) và bốn cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ. Tại tỉnh Thái Nguyên, kết thúc thi khối A, Hội đồng thi đã xử lý 20 thí sinh vi phạm nội quy, quy chế phòng thi, trong đó có sáu trường hợp bị đình chỉ thi. Tại TP Hồ Chí Minh có tổng số 17 thí sinh bị đình chỉ thi (trong đó có 15 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi) và bốn thí sinh không được dự thi do đến muộn. Theo Hội đồng coi thi cụm thi Cần Thơ, chỉ riêng buổi thi môn Hóa có 67 thí sinh vắng mặt so ngày hôm trước; hai thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi. Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế có ba thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng điện thoại di động trong phòng thi; hai thí sinh bị ốm phải bỏ thi. Riêng tại Trường đại học An Giang có một thí sinh bị ngất tại điểm thi số ba buộc phải chuyển vào Bệnh viện đa khoa TP Long Xuyên (An Giang) cấp cứu.
Ðáng chú ý, đợt một kỳ thi tuyển sinh năm nay xảy ra sai sót do hai cán bộ coi thi tại phòng thi số 41 của Ðiểm thi trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin đã thu lại bài làm của thí sinh sau 120 phút làm bài và phát giấy thi mới để thí sinh chép lại bài thi do cán bộ coi thi ký nhầm vào ô ký của cán bộ chấm thi trên giấy thi. Ban chỉ đạo thi của Bộ GD và ÐT đã đưa ra hai phương án cho thí sinh lựa chọn là: Giữ nguyên bài thi cũ đã chép lại, kết quả môn thi sẽ được nhân hệ số 1,3 kết quả bài thi thực tế của thí sinh. Ðiểm tối đa của bài thi là mười điểm; Thi lại môn Toán bằng đề thi dự bị trong buổi chiều 5-7. Có 21 thí sinh đã lựa chọn phương án một và ba thí sinh lựa chọn phương án hai thi lại vào buổi chiều. Mặt khác, Bộ GD và ÐT cũng đề nghị Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng chỉ đạo Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin đình chỉ công tác coi thi đối với hai cán bộ coi thi tại phòng thi số 41 và tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm túc những cán bộ liên quan theo đúng quy định. Mọi chi phí phát sinh đối với thí sinh đăng ký thi lại vào chiều 5-7 do Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin chịu trách nhiệm.
Về đề thi, được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông trung học, chủ yếu là lớp 12; đề thi không có sai sót cả về nội dung và hình thức có khả năng phân loại tốt. Theo nhiều thí sinh, đề thi các môn Toán và Vật lý tương đối khó, phải tính toán nhiều. Riêng môn Hóa học được cho là không quá khó. Thí sinh Hoàng Thị Thùy, quê ở huyện Nam Trực (Nam Ðịnh), thí sinh dự thi vào Trường đại học Hải Phòng cho biết: Em làm khá trọn vẹn bài thi môn Hóa học và hy vọng điểm môn Hóa sẽ gỡ lại điểm bài thi môn Toán và Vật lý. Thí sinh Ðinh Ngọc Ánh ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thi vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế Công nghiệp cho biết, đề thi Hóa có trong nội dung ôn tập nhưng em chỉ có thể làm được 60% vì đề dài quá. Kết thúc môn thi em thấy buồn và hụt hẫng vì kết quả không như mình mong muốn. Giám đốc Ðại học Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh PGS, TS Ðặng Kim Vui cho biết: Về đề thi các môn Toán, Vật lý và Hóa học năm nay phù hợp với thí sinh, vì trong đề thi có câu dễ, câu trung bình và câu khó, qua đó các trường đại học mới lựa chọn được chính xác những thí sinh xuất sắc. Tuy nhiên, trong buổi thi môn Hóa, tại hội đồng thi Trường đại học Giao thông vận tải đã xảy ra tình trạng đề thi môn Hóa bị nhầm lẫn khi trang một của mã 318, nhưng trang hai lại là của đề thi mã 482; tình trạng này đã được khắc phục ngay trong buổi thi bằng cách bù giờ làm bài cho những thí sinh phát hiện sai sót mã đề sau khi đã tính giờ làm bài.
Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường ĐH Công nghệ-Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) gọi thí sinh vào phòng thi. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Mỗi đợt thi khép lại sẽ mang theo những băn khoăn, những niềm vui, những tiếc nuối khác nhau của mỗi thí sinh, phụ huynh và những người làm công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, đợt một kỳ thi năm 2011 khép lại, phần nào cũng cho thấy những nỗ lực của mỗi người cho kỳ thi ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần lựa chọn được những thí sinh ưu tú vào các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Trên phạm vi toàn quốc, các trường đã huy động hơn 30 nghìn thanh niên sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác tổ chức thi. Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện làm việc tích cực, có hiệu quả, tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi, đi lại, ăn ở, giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi. Việc huy động được những nhà trọ giá rẻ hay miễn phí đã góp phần giúp hành trình tìm nhà trọ của các sĩ tử vì thế mà bớt phần gian nan. Tại bến xe phía Nam, nơi có lượng thí sinh đi lại đông nhất nhì cả nước, dù cắm chốt nhiều ngày nhưng, vừa quệt mồ hôi, Phạm Minh Trang, sinh viên Trường đại học Luật, Ðội trưởng đội sinh viên tình nguyện của Hội tình nguyện thắp lửa trái tim, Thành đoàn Hà Nội vừa cười cho biết: Ở đây không khí oi bức nhưng hình như ai cũng quên cái nóng đi thì phải, mỗi khi thấy có thí sinh đi thi là hướng dẫn, trợ giúp thôi. Trang cười: Trước đây bọn em cũng là sĩ tử mà!. Tại Thừa Thiên – Huế, Tỉnh đoàn và Công ty Viễn thông tỉnh tổ chức 40 chuyến xe buýt để chở thí sinh thi đại học; tổ chức đội xe ôm tình nguyện với 70 thanh niên, sinh viên tham gia chở thí sinh đến các địa điểm thi. Bên cạnh đó, Hội Sinh viên Ðại học Y Dược Huế lập điểm khám sức khỏe, phát thuốc chống say nắng, đau bụng, nhức đầu cho những thí sinh có nhu cầu. Tỉnh đoàn đã tìm được 2.460 chỗ nghỉ giá rẻ cho thí sinh với giá từ 15 đến 20 nghìn đồng/người/ngày và 60 phòng ở miễn phí. Ngoài ra, Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại bốn điểm ngã tư trọng yếu ở 16 điểm thi trong giờ cao điểm.
Tình hình giao thông tại các thành phố lớn không có hiện tượng ùn tắc giao thông, một vài hiện tượng cá biệt ùn tắc cục bộ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trước và sau giờ thi, đã được các lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên sinh viên tình nguyện phối hợp xử lý kịp thời, bảo đảm để thí sinh đến dự thi đúng giờ. Khoảng thời gian kết thúc buổi thi, cầu quay qua sông Hàn do lượng người tham gia giao thông tăng đột biến, nên bị kẹt xe hơn 30 phút. Lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ tại đây đã kịp thời phân luồng giải tỏa, bảo đảm giao thông. Ở tất cả các hội đồng thi được cung cấp điện, nước ổn định, không có sự cố mất điện, mất nước…
Ngay sau khi kết thúc đợt thi, Bộ GD và ÐT đã công bố đáp án các môn thi tại trang web: www.moet.gov.vn. Ðợt hai kỳ thi tuyển sinh năm 2011 thi khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh dự thi sẽ làm thủ tục, xử lý những sai sót trong đăng ký thi ngày 8-7 và chính thức thi ngày 9 và 10-7.
Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2011:
Ðợt một thi đại học diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí,… đã có sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giúp các trường, thí sinh và phụ huynh trong việc đưa đón, hỗ trợ hàng nghìn chỗ trọ miễn phí, giá rẻ; hỗ trợ hàng nghìn suất ăn giá rẻ, miễn phí;…
|
Ùn tắc tại các bến xe sau kỳ thi đại học ở Hà Nội
Ngày 5-7, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của đợt I kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, các tuyến đường Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Ðê La Thành, Nguyễn Trãi, Quang Trung… lại xảy ra ùn tắc cục bộ do hàng nghìn thí sinh và người thân ra khỏi địa điểm thi vào cùng một thời điểm. Tiếp sau đó, tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên, Mỹ Ðình… diễn ra cảnh người nhà thí sinh chen lấn mua vé về quê trong không khí nóng hầm hập của nắng hè. Lượng người đổ vào các bến xe càng đông hơn từ khoảng sau buổi trưa tới đầu giờ chiều. Các tuyến đường Vành đai 3, Phạm Hùng, Giải Phóng tắc nghẽn do lượng phương tiện gia tăng đột biến, nhất là số lượng xe liên tỉnh. Các bến xe cho biết, không để xảy ra tình trạng thiếu xe bởi đã có kế hoạch tăng cường hàng chục xe trên hầu hết các tuyến để phục vụ đưa đón người nhà và các thí sinh. Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cũng tăng cường thêm 70 xe dự phòng để bảo đảm các tuyến xe buýt nội đô không bị quá tải.
|
Theo nhandan
Bình luận (0)