Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sở thích, khả năng hay việc làm?

Tạp Chí Giáo Dục

Con cái trong nhóm bạn học ngày xưa của tôi giờ đây đều ở tuổi học THPT. Ngẫu nhiên năm nay, ba đứa con trong nhóm bạn đều học lớp 12. Vậy là việc các cháu học ngành nào, chọn nghề gì đã trở thành đề tài “nóng” của chúng tôi trong thời gian này.

Chúng tôi cũng có kiến thức hướng nghiệp nên không ép con cái mà để các cháu tự chọn ngành nghề mình yêu thích. Chúng tôi chỉ gợi ý dựa trên khả năng của các cháu mà mình nhận thấy được. Thế nhưng, việc ấy không hề dễ dàng. Các cháu hiện nay dường như chọn ngành theo sở thích, theo xu hướng chung của bạn bè, của xã hội là nhiều hơn chứ thường không chú ý đến khả năng của mình mà tự tin cho rằng cứ học, cứ làm thì sẽ được. Các cháu trai thường thích CNTT vì cứ ngỡ việc học ngành này cũng dễ như là những hiểu biết công nghệ mà chúng thường sử dụng hàng ngày.

Một người bạn của tôi kể, con trai đầu của anh cũng chọn CNTT dù học không giỏi các môn tự nhiên. Cháu vừa đủ điểm vào học ĐH nhưng học trầy trật năm thứ nhất và giờ đây vào năm thứ hai thì học không nổi, chán nản, đòi nghỉ để học ngành khác. Trong khi đó, con gái của một người bạn khác, dù ba mẹ là giáo viên, cháu cũng có khiếu giảng dạy nhưng không chọn ngành sư phạm như gợi ý của ba mẹ mà đã chọn ngành tài chính – ngân hàng. Bởi lúc ấy, những người thân trong gia đình làm ngân hàng đều có thu nhập rất khá. Hiện cháu đã tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn chưa tìm được việc làm vì ngân hàng giờ đây không còn “hot” như ngày nào. Cháu cứ nộp đơn xin việc rồi ở nhà chờ đợi, vùi đầu vào game, rồi lại bảo phải chi trước đây vào sư phạm như ba mẹ muốn thì giờ đã có việc làm ổn định.

Ngược lại, một trong 3 đứa con của nhóm bạn mà tôi đề cập ở trên thì dứt khoát nói với ba mẹ là sẽ chọn trường điện ảnh – sân khấu vì cháu có ngoại hình và bảo rất thích nghệ thuật. Ba cháu này nói: “Con mình mình biết, nó không có năng khiếu diễn xuất, lại phát âm không chuẩn. Nếu có học thì sau này cũng không thành công. Chỉ sợ nó nổi tiếng bằng con đường… tai tiếng”. 

Con cái chọn được một ngành nghề để học theo đúng khả năng và sở thích, cũng như dễ tìm được việc làm sau này dường như là nỗi lo lắng triền miên của các bậc cha mẹ. Muốn con học theo ngành nghề mà cha mẹ biết rằng con có khả năng cũng là điều quá khó ở hiện tại bởi các cháu chỉ muốn “bay bổng” theo ý riêng của mình.n

Lê Phương Trí

Bình luận (0)