Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Soạn giáo án cần dựa vào đối tượng học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

GV cần nắm được khả năng của HS để xác định nội dung cụ thể của bài học. Trong ảnh là một tiết học của khối 1 của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1. Ảnh: H.Triều

Năm 2006, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo đổi mới cách soạn giáo án (ở bậc tiểu học) để giáo viên (GV) có thời gian tập trung vào công tác giáo dục. Theo văn bản này GV cần nắm vững yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cơ bản trong quá trình soạn giáo án lên lớp.
Theo đó, giáo án cần ngắn gọn nhưng có nhiều thông tin (có thể chỉ khoảng một trang giấy A4) và thể hiện rõ các phần cơ bản sau: Phần 1:Nêu mục tiêu của bài học, gắn với yêu cầu cần đạt được về kiến thức, kỹ năng, thái độ được quy định tại chương trình tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành. Phần 2:Nêu những yêu cầu cần chuẩn bị về thiết bị, đồ dùng dạy và học của GV và học sinh (HS); dự kiến hình thức tổ chức hoạt động học tập đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng HS. Phần 3:Xác định nội dung, phương pháp giảng dạy đối với GV, yêu cầu cần học đối với từng đối tượng HS, kể cả những HS cá biệt (nếu có).
GV phải nắm được khả năng học tập của từng HS trong lớp để xác định nội dung cụ thể của bài học trong sách giáo khoa cần hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng HS. Theo đó, việc xác định nội dung dạy học của GV phải bảo đảm tính hệ thống và đáp ứng yêu cầu: dạy nội dung bài học mới dựa trên kiến thức, kỹ năng của HS đạt được ở bài học trước và đảm bảo vừa đủ để tiếp thu bài học tiếp sau, từng bước đạt yêu cầu cơ bản nêu trong chương trình tiểu học.
Chủ quan của người ra văn bản hướng dẫn trên để GV thực hiện nhẹ nhàng hiệu quả, nhưng thực tế có GV tự chọn cái nặng nề cho mình là sử dụng giáo án (trên mạng, đĩa) của người khác.
Mỗi lần kiểm tra giáo án của GV là mỗi lần chúng tôi thấy ít nhất mộtGV phải khổ sở bê khệ nệ những chồng giấy A4 mới toanh như còn nóng hổi vừa từ máy in hay máy photo ra. Không biết GV đã tốn bao nhiêu cho những trang giấy đó. Những trang giấy GV chưa kịp đọc… và có thể sẽ không sử dụng để dạy mà chỉ để cho người quản lý kiểm tra và bắt lỗi chính tả giùm. Chúng tôi nghĩ như thế là quá hình thức, nhưng dám chỉ đạo bỏ không? Không. Còn không kiểm tra có được không? Không. Đã vài lần chúng tôi thử không kiểm tra xem sao thì điểm chấm thi đua về giáo án: bao nhiêu GV là bấy nhiêu con điểm giống nhau. Nhưng khi kiểm tra thì số điểm biến động khác đi vì: có GV tự soạn rất tốt, có GV thì mượn, có GV in từ đĩa, có GV thì quên soạn. Trong đó có một số GV có giáo án nhưng không sử dụng vì giáo án chưa thể hiện hết câu trả lời, bài giải nên GV lại phải xem sách hướng dẫn.
Phải nói rằng hiện nay đa số GV dạy 2 buổi/ngày nên GV còn rất ít thời gian cho công tác soạn giáo án. Vì vậy chúng tôi cũng như những người quản lý khác cho phép GV có thể mua giáo án đĩa với yêu cầu cần phải chỉnh sửa theo thực tế trình độ học sinh lớp mình giảng dạy. Nhưng GV đã để nguyên và in ra nên có những lỗi mà giáo án của GV này trùng giáo án của GV kia (kể cả khác trường), nếu ai có thấy lỗi sai này từ giáo án mình đang sử dụng thì nên xem lại:
 
Bài/ Môn
Trong giáo án
Có thể sửa
Ví dụ bài Chiếc máy bơm (lớp 3 – tập II)
Nếu là HS miền Bắc thì luyện đọc đúng: nước sông, ruộng nương, chảy ngược lên, trục xoắn…
Nếu là HS miền Nam thì luyện đọc đúng: múc nước, ruộng nương, cánh xoắn, tàu thủy, cổ xưa…
Nếu là HS miền Trung thì luyện…
Khẳng định luyện cho HS:
Vì đối tượng HS mình là miền Nam.
Hoặc luyện theo trình độ HS:
Vì đối tượng HS mình còn yếu về:…
Tiết vẽ
Cho lớp xem tranh (nếu có).
Cho lớp xem tranh. (Nếu không có tranh thì đừng ghi vào)
Bài An toàn giao thông
Hướng dẫn HS đi sát cầu thang (nếu trường có lầu).
Cần khẳng định theo thực tế.
Tiết toán
Nếu HS chưa mua đủ vở bài tập thì cho làm phiếu.
GV đã biết tình hình lớp mình rồi thì nên khẳng định luôn.
 
Thậm chí có bài liên hệ thực tế: Tên trường em là gì? Em có biết địa chỉ trường em không? Phần hoạt động của trò trong giáo án: trò đọc vanh vách: Trường em là Trường Hạnh Thông (trường nào vậy nhỉ?). HS còn kể trường có bao nhiêu phòng, ban giám hiệu mấy người… Chúng tôi còn nhớ có năm bị cúm gà, tất cả mọi người đều ngưng ăn gà thế mà GV cứ thao thao bất tuyệt: Chiều nay nhớ nói mẹ mua thịt gà ăn nhé! (Vì sách hướng dẫn – giáo án đã ghi như thế mà).
Tham khảo, học hỏi, giúp đỡ nhau là điều rất tốt nhưng cần phải có cái gì riêng dành cho mình. Bởi vì soạn bài để dạy cho HS, soạn bài phải thực hiện trước khi lên lớp, soạn bài cần phải thực hiện thường xuyên chứ không phải soạn cho ban giám hiệu kiểm tra. Vì vậy GV cũng không nên lãng phí in nhiều trang giáo án mà không có nội dung cần dạy, đến khi lên lớp, GV lại khư khư sách hướng dẫn để xem và dạy.
Rất thương cho những trang giáo án in rất mới nhưng không ai sử dụng.
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đông, Thủ Đức)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)