Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Soạn giáo án là nhiệm vụ, là niềm vui…

Tạp Chí Giáo Dục

Trước đây, khi được phân công dạy môn ngữ văn lớp 10 và lớp 12 (theo kế hoạch là giáo viên sẽ theo lớp từ lớp 10, đến lớp 11 và cuối cùng là lớp 12). Công việc soạn giáo án cho hai khối lớp khá vất vả, nên tôi tìm trên mạng và “kéo về” một bộ giáo án lớp 10 gồm hai tập: học kỳ I và học kỳ II. Mở mục lục thì cũng thấy đầy đủ các bước lên lớp đâu vào đó nên tôi bỏ tiền ra in thành hai cuốn khá dày; nghĩ bụng “chắc cũng vậy, kiến thức như nhau thôi”. Thật là dễ dàng, tiện lợi; khỏi phải ngồi căng óc ra tìm ý, tìm câu, tìm nội dung, nghệ thuật; rồi củng cố, câu hỏi, dặn dò đủ thứ.

Ngày đầu tiên, sau khi làm xong các phần lên lớp, tôi đi vào bài giảng. Nhưng hỡi ôi, do không đọc, không nghiền ngẫm tác phẩm nên bài dạy rời rạc (vì vừa giảng vừa phải nghĩ phần tiếp theo), không còn mạch lạc như xưa. Thì ra, cách hiểu, cách cảm là của người khác, không phải của mình nên bị “lệch pha”, không trùng khớp. Mạch cảm xúc, mạch văn cũng của người khác chứ không phải của mình nên bị “sượng” là phải. Tôi lập tức bỏ ngay cái giáo án “trời ơi đất hỡi” này và tự mình chịu khó ngồi vào bàn soạn bài. Trước hết là phải đọc kỹ tác phẩm; đọc kỹ hướng dẫn, yêu cầu bài học và vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của lớp mình dạy. Tài liệu tham khảo cũng vô cùng cần thiết để bài dạy sinh động hơn vì mình phải luôn tự làm mới mình. Từ đó tôi tìm thấy niềm vui, niềm đam mê khi mình tìm ra cách hiểu, cách cảm gần gũi, quen thuộc. Tôi soạn bài gọn hơn, câu chữ “đắt” hơn để học sinh khắc sâu, nhớ lâu chứ không phải viết chung chung, vô thưởng vô phạt như trên giáo án có sẵn. Nhiều ví dụ minh họa, mình phải thoát sách giáo khoa mà tìm những ví dụ khác ngoài sách, hấp dẫn hơn. Không nên phụ thuộc vào sách giáo khoa một cách máy móc, trở đi trở lại chừng đó ví dụ nên dễ nhàm đối với học sinh. Ví dụ, bài “Từ đồng âm và từ đồng nghĩa”, trong sách giáo khoa chỉ có ví dụ: “Ruồi đậu mâm xôi đậu/ Kiến bò đĩa thịt bò”. Tôi bỏ qua và tìm ví dụ khác sinh động hơn: “Bánh ít nhiều đường, bánh ít ngọt/ Trầu không có thuốc, trầu không cay”.

Tự mình soạn bài, kiến thức sẽ khắc sâu hơn, bền hơn vì tự mình cảm nhận, thấu hiểu chứ không phải lấy cái hiểu của người khác. Điều này, nếu giáo viên chưa thực sự say mê bộ môn; chưa thực sự tự học, tự rèn, tự vun bồi kiến thức, đi mua giáo án trên mạng thì rất khó dạy! Cách làm này chắc để đối phó với các kỳ thanh tra, kiểm tra mà thôi chứ không mang lại kiến thức thực sự gì.

Bài học của tôi ngày ấy (tải giáo án trên mạng về, in ra) cũng là bài học chung cho các đồng nghiệp hôm nay. Làm nghề nào thì cố gắng trau dồi nghề đó! Soạn giáo án vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm vui trong công việc làm chủ kiến thức để làm sao thực hiện “biết mười dạy một, hai” cho hiệu quả. Giáo án do mình tự soạn luôn mang dấu ấn cá nhân, dấu ấn của người dạy. Một tiết dạy thành công bắt đầu từ khâu soạn giáo án, làm chủ những kiến thức cần thiết để truyền thụ, hướng dẫn học sinh; nhuần nhuyễn trong các bước, các thao tác khi lên lớp…

Hng Lam Sơn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)