Muốn có một tiết dạy sinh động, hấp dẫn giáo viên phải bỏ nhiều công sức để soạn giáo án |
Đối với mỗi giáo viên thì giáo án thật sự là sự chuẩn bị chu đáo của họ trước khi lên lớp. Nhờ sự chuẩn bị cho bài giảng này mà giáo viên sẽ giảng dạy mạch lạc, khoa học, hấp dẫn và giúp cho học sinh tiếp thu bài học một cách tốt nhất. Tuy nhiên, việc soạn giáo án cũng còn nhiều điều bất cập cần bàn.
GV trẻ cần phải có giáo án
Với giáo viên mới tập tễnh vào nghề dạy học thì họ rất yêu thích việc soạn giáo án. Bởi vì dù cho ban giám hiệu nhà trường có cho phép họ được quyền cầm sách lên lớp dạy mà không cần soạn giáo án thì chưa chắc họ dám làm vì họ sợ tiết dạy của họ chệch choạc sẽ bị mất uy tín với học sinh. Vì vậy giáo án của các giáo viên mới ra trường thường soạn rất đầy đủ, chi tiết nên được ban giám hiệu và phòng GD-ĐT rất hài lòng khi kiểm tra. Tuy nhiên dù giáo án soạn chất lượng nhưng hiệu quả từ những tiết dạy của họ chẳng mấy khả quan chỉ vì họ còn non tay nghề. Có khi một vấn đề đơn giản nhưng họ giảng bài toát mồ hôi mà học sinh cũng chẳng hiểu gì.
Ngược lại, đối với giáo viên đã dạy lâu năm ở một môn học thì gần như họ đã thuộc nằm lòng những kiến thức trong sách vở cũng như các trình tự giảng dạy cho từng bài học nên dạy rất hay và luôn được học trò công nhận vì cách giảng bài dễ hiểu. Vì vậy, giáo án đối với giáo viên dạy có thâm niên thật sự không cần thiết. Với họ, giáo án được soạn chỉ với mục đích duy nhất là đối phó với ban giám hiệu khi kiểm tra. Giáo viên dạy lâu năm từ lâu họ đã không soạn giáo án mà giáo án mới của họ có được chỉ là sự chép lại giáo án cũ. Có nhiều giáo viên nói rằng chép giáo án còn mất nhiều thời gian huống chi soạn giáo án mới. Khổ nhất là những giáo viên bậc THCS ở những ngôi trường mà ban giám hiệu phân công bất hợp lý làm cho họ phải soạn giáo án mỗi tuần 9 hay 10 giáo án. Giáo viên cứ loay hoay chép giáo án đến mệt bở hơi tai thì còn đầu óc đâu nghĩ đến việc nghiên cứu sách vở để tìm kiến thức mới lạ nhằm giúp cho học sinh có điều kiện nâng cao trình độ của mình thông qua những đề văn hay đề toán nâng cao. Chép giáo án đã mệt thì giáo viên không còn thời gian để chấm bài kiểm tra, lên kế hoạch phụ đạo học sinh yếu và ngày càng mệt mỏi không muốn học tập gì thêm để nâng cao trình độ chuyên môn của mình vì có muốn làm thì đâu có thời gian để làm.
Khi giáo án là “cái án”
Ở Trường THCS Phước Lý có một giáo viên dạy môn văn – cô vừa dạy lớp, vừa làm tổ trưởng chuyên môn nên cô luôn tất bật với việc hoàn thành hồ sơ sổ sách. Đã vậy cô còn dạy hai khối 8 và 9, hàng tuần cô phải soạn đến 8 giáo án trong khi giáo án môn văn rất dài dòng, chi tiết. Do đó, về đến nhà là cô phải làm việc cật lực mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Cô phải thức thật khuya để soạn bài trong khi những bài học ấy cô dạy lâu năm nên đã thuộc lòng. Quá vất vả nên vào lớp cô dạy rất mệt mỏi và dĩ nhiên không thể nào đạt chất lượng cao.
Nhớ lại những năm 1990 khi ngành giáo dục không đặt nặng vấn đề giáo án, giáo án chủ yếu chỉ soạn nội dung và phương pháp. Trong giáo án không cần soạn “mục đích yêu cầu” cũng như các mục “chuẩn bị” hay “dặn dò”… vậy mà giáo viên vẫn dạy tốt. Xét kỹ ra các đề mục nêu trên mang nặng hình thức hơn là hiệu quả vì trong sách giáo viên hay sách thiết kế bài dạy đã ghi rất rõ, nếu giáo viên chép lại thì quả là sự lãng phí thời gian và công sức. Với giáo án có ghi “ngày soạn” hay “ngày dạy” thì lại càng bất hợp lý hơn vì có khi bài học đó giáo viên dạy lớp này và lớp khác ngày khác nhau thì ghi vào có chính xác không? Rất nhiều giáo viên than rằng giáo án thật sự là “cái án” đè lên đầu họ từ năm này đến năm khác. Giáo viên luôn thấy áp lực thì tất nhiên họ không còn xem việc lên lớp là một niềm vui nữa. Như thế thì chất lượng giáo dục có nâng cao không?
Rất nhiều giáo viên than rằng giáo án thật sự là “cái án” đè lên đầu họ từ năm này đến năm khác. Giáo viên luôn thấy áp lực thì tất nhiên họ không còn xem việc lên lớp là một niềm vui nữa. Như thế thì chất lượng dạy học có nâng cao không? |
Nói chung giáo án thì luôn cần thiết với giáo viên nhưng soạn giáo án thế nào để giúp giáo viên dạy tốt mà không lãng phí thời gian và công sức mới là điều cần bàn bởi vì xét cho cùng giáo án cũng nhằm mục đích giúp cho tiết học đạt hiệu quả. Giáo án soạn dài dòng, kỹ lưỡng mà giáo viên lên lớp dạy học sinh không hiểu bài thì giáo án ấy còn có ý nghĩa gì. Hãy để cho các thầy cô có được tâm lý thoải mái, sức khỏe tốt nhất để toàn tâm, toàn ý lo cho việc giảng dạy. Nếu được thì nên cho phép giáo viên dạy lâu năm ở một khối lớp được quyền sử dụng giáo án cũ nhưng có chỉnh lý cho phù hợp với tình hình hiện tại của từng năm học. Khi có thời gian rảnh, chắc chắn giáo viên có điều kiện để đầu tư cho việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc tự học từ sách vở. Giáo viên còn có thể tìm thêm những tư liệu bổ ích phục vụ cho việc giảng dạy của mình. Như thế thì chất lượng giảng dạy sẽ nâng cao. Chắc hẳn đây là điều thầy cô giáo nào cũng muốn.
Nguyễn Thanh Dũng
(GV Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, Long An)
Bình luận (0)