Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sôi động các dự án hợp tác Việt – Mỹ về kinh tế, giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden ngày 10 – 11/9, lãnh đạo 2 nước đã ký kết và công bố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ.

Theo Văn phòng Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM, nhiều thương vụ hợp tác đầu tư song phương về công nghệ đã và sẽ diễn ra nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Joe Biden.

Triển khai nhiều dự án hợp tác lớn 

Cụ thể, Chính phủ Mỹ sẽ tài trợ ban đầu 2 triệu USD giúp Việt Nam triển khai các hoạt động phát triển nhân lực, lập các phòng thí nghiệm, tổ chức các khóa đào tạo về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn. Trong năm 2023, Đại học Fulbright của Mỹ sẽ hợp tác với Bộ GD-ĐT Việt Nam tăng cường các chương trình giáo dục tiếng Anh. 

USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) sẽ cung cấp khoản đầu tư ban đầu trị giá 12,75 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ chính sách giáo dục đại học kéo dài 5 năm nhằm hiện đại hóa và quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động thương mại kỹ thuật số, phát triển lực lượng lao động. USAID cũng sẽ triển khai một dự án mới nhằm xây dựng khả năng chống chịu khí hậu cho các hoạt động kinh tế dựa vào nông nghiệp truyền thống ở đồng bằng sông Cửu Long với khoản đầu tư ban đầu là 11,41 triệu USD trong 2 năm.

Văn phòng Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM giới thiệu bánh trung thu Việt Nam sử dụng nông sản của Mỹ làm nguyên liệu, do Công ty ABC Bakery (Việt Nam) sản xuất, sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Văn phòng Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM giới thiệu bánh trung thu Việt Nam sử dụng nông sản của Mỹ làm nguyên liệu, do Công ty ABC Bakery (Việt Nam) sản xuất, sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) sẽ hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong với số vốn 100 triệu USD, với Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng 300 triệu USD và với quỹ Beacon 50 triệu USD để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, điều hành vay.

Chính phủ Mỹ phối hợp với AMI AC Renewables (công ty của Việt Nam) và Honeywell (công ty của Mỹ) triển khai 1 dự án thí điểm mới nhằm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng từ điện mặt trời ở tỉnh Khánh Hòa. 

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ ký thỏa thuận với hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ trị giá hàng tỉ USD để mua 50 máy bay Boeing 737 MAX. Thỏa thuận này sẽ tạo ra hơn 33.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trên khắp nước Mỹ.

Amkor Technology (có trụ sở ở bang Arizona, Mỹ) công bố bắt đầu đưa vào hoạt động nhà máy hiện đại về chất bán dẫn ở tỉnh Bắc Ninh vào tháng 10/2023 với tổng vốn đầu tư 1,6 tỉ USD. Synopsys (trụ sở ở bang California, Mỹ) phối hợp với khu công nghệ cao TPHCM triển khai 1 trung tâm ươm tạo và thiết kế chất bán dẫn. Marvell (California, Mỹ) công bố sẽ thành lập 1 trung tâm thiết kế chất bán dẫn đẳng cấp thế giới ở TPHCM.

Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam

Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam

Microsoft và Trusting Social sẽ công bố thỏa thuận phát triển giải pháp tổng thể dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) được thiết kế riêng cho Việt Nam và các thị trường mới nổi. VinFast của VinGroup (Việt Nam) tiếp tục xây dựng cơ sở sản xuất xe điện (EV) trị giá 4 tỉ USD ở Bắc Carolina (Mỹ). Nhà điều hành cảng SSA Marine (trụ sở ở bang Seattle, Mỹ) và công ty Gemadept công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với trị giá dự kiến 6,7 tỉ USD.

Cơ quan nuôi trồng thủy sản Australis (bang Massachusetts, Mỹ) ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Khánh Hòa để đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững ở vịnh Vân Phong. Công ty cổ phần VNG của Việt Nam cũng đã nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ)…

Hoạt động tuyển dụng sẽ rất sôi động

Ông Marc E. Knapper – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – nhận định: “Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu. Vì vậy, việc nâng cấp quan hệ đối tác giữa 2 nước sẽ hướng tới đầu tư, hợp tác bền vững hơn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, nâng cao kỹ năng và phát triển lực lượng lao động”. 

Trong các ký kết hợp tác giữa 2 nước lần này, hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) và chuỗi cung ứng chip bán dẫn được giới công nghệ quan tâm. Phó giáo sư Hồ Đắc Nguyên Ngã (Đại học San Francisco State, Mỹ) nói: “Việt Nam không thiếu nhân sự STEM cho ngành bán dẫn nhưng thiếu nhân sự về chiến lược công nghệ và yếu về thương lượng các cơ chế hợp tác có lợi nhất trong dài hạn. Nếu thương lượng tốt, Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong lĩnh vực này chứ không đơn thuần là nơi cung cấp nguồn lao động gia công giá rẻ”. 

Theo ông Hồ Đắc Nguyên Ngã, tình hình thiếu nhân sự STEM tại Mỹ ngày càng trầm trọng. Để bù đắp sự thiếu hụt này, Mỹ thu hút ngày càng nhiều nhân sự từ nước ngoài về. Nếu như năm 2000 Mỹ có 16,4% nhân sự STEM là người nhập cư, thì năm 2019 con số này là 23,1%, trong đó người Việt Nam chiếm 4%. Hiện Mỹ thực hiện đa dạng hóa các nguồn sản xuất ở hải ngoại, các nước tiếp theo đang được nhắm đến vị trí cung cấp chip bán dẫn cho Mỹ là Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Ông cho rằng, Việt Nam đào tạo về khoa học cơ bản khá tốt ở bậc giáo dục phổ thông nên người Việt rất có tố chất để làm STEM. Do đó, Việt Nam sẽ là một nơi tốt để Mỹ hợp tác phát triển ngành chip bán dẫn. Nếu Việt Nam sản xuất được chip bán dẫn, xe hơi điện Việt Nam sẽ có nhiều linh kiện “made in Vietnam” hơn so với hiện nay. 

Navigos – tập đoàn chuyên tuyển dụng, cung ứng lao động – cho biết, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam, Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn 2 đối với nhà máy kiểm định chip ở TPHCM với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD, hứa hẹn sẽ làm sôi động thị trường tuyển dụng. Trí tuệ nhân tạo, đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng… là những ngành nghề, lĩnh vực mà Navigos kỳ vọng sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng ở Việt Nam nhờ sự kiện nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ. 

Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân (Khoa Kinh doanh, Trường đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, để tận dụng cơ hội sau khi nâng tầm quan hệ 2 nước, trong ngắn hạn, phía Việt Nam cần điều chỉnh chính sách liên quan đến thuế và thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục xin thị thực. Chính phủ cũng nên cung cấp các chính sách linh hoạt về sử dụng đất cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc có ưu đãi đặc biệt đối với các dự án có tính chiến lược hoặc liên quan đến công nghệ cao. Trong dài hạn, phía Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, bao gồm năng lực người lao động, tạo môi trường thuận lợi để các công ty công nghệ cao phát triển.

Tính từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ (năm 1995) đến nay, tăng trưởng thương mại 2 nước bình quân khoảng 16%/năm, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 123 tỉ USD năm 2022. Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 trong tổng số 108 quốc gia và lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam, với khoảng 1.200 dự án, tổng vốn gần 11,4 tỉ USD.

Theo Mỹ Huyền/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)