Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sôi động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam phát triển khá sôi động. Bên cạnh tăng trưởng về số lượng và giá trị thương vụ, các phương thức và loại hình M&A tại Việt Nam ngày càng đa dạng. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng của hoạt động M&A trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức trên 30%. Các ngành thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tiêu dùng và bất động sản tiếp tục là mục tiêu M&A hấp dẫn nhất. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào ngành hàng tiêu dùng và tài chính.

M&A tăng cùng quá trình DN tái cấu trúc
Theo đánh giá của ông John Ditty, Chủ tịch KPMG tại Việt Nam (Công ty chuyên về dịch vụ tư vấn M&A), mặc dù kinh tế vĩ mô ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thế nhưng hoạt động M&A vẫn tăng trưởng mạnh. Thống kê từ năm 2009 đến 30/4/2012, có gần 360 vụ M&A. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 có 35 vụ, với tổng giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD, tăng 207% so với năm 2010. Trong đó, dịch vụ tài chính hơn 10 vụ, hàng tiêu dùng hơn 4 vụ, ngành công nghiệp 13 vụ và bất động sản (BĐS) 8 vụ.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm đầu tư vào công nghiệp sản xuất ở Việt Nam. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Những thương vụ M&A tiêu biểu và hấp dẫn nhất liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài là VimpelCom và Beeline với giá trị đầu tư 196 triệu USD, CP.Pokphand và CP Vietnam với 609 triệu USD, Miziho và Vietcombank với 567 triệu USD, IFC và Vietinbank với 182 triệu USD, Vincom và Vinpearl với hơn 1.310 triệu USD… Mới đây, thương vụ Eximbank và Sacombank với 100 triệu USD, Glico và Kinh Do với 35 triệu USD, Kusto và Contecons với 25 triệu USD, Doji và TienPhongbank, Hanel và Hanoi Daewoo Hotel cũng đã được thực hiện…
Qua các thương vụ trên, ông Yoshimitsu Onji – Giám đốc điều hành Tổ chức Nghiên cứu và Quản trị tài chính doanh nghiệp (RECOF), cho rằng trong năm 2012 làn sóng đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục, thậm chí là gia tăng mạnh. Bởi, Việt Nam hiện đang là thị trường đầy tiềm năng do có nguồn lao động dồi dào và rất nhiều DN Nhật Bản đã đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngoài nhu cầu mua lại các nhà máy, cơ sở sản xuất, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản còn có mục tiêu thâu tóm hệ thống phân phối, cũng như nguồn lao động chất lượng. Hiện, một số lĩnh vực Nhật Bản đang quan tâm đầu tư là công nghiệp sản xuất (bao gồm thực phẩm, phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, xây dựng và dược phẩm), phi sản xuất (tài chính, bán lẻ, logistics, khách sạn).

Các thương vụ M&A liên quan đến các DN trong nước cũng diễn ra với số lượng lớn hơn và sôi động hơn, chỉ tính năm 2011 đã chiếm tới 77% số vụ M&A. Tỷ lệ áp đảo này cho thấy, hoạt động M&A đang được khối DN trong nước chủ động tiếp cận để tìm con đường tái cấu trúc, chuyển nhượng lại các dự án hoặc vốn cổ phần đã đầu tư trước đây. Cụ thể thương vụ sát nhập 3 ngân hàng thành SCB và thương vụ Eximbank mua cổ phần của Sacombank. Đây là những thương vụ được quan tâm nhiều nhất vì tính chất đặc biệt cả về thời điểm lẫn độ phức tạp của việc thực hiện thương vụ gắn với những động thái về tái cấu trúc ngân hàng và tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường tài chính – chứng khoán.

 Xử lý nợ xấu để M&A ngành ngân hàng thành công

Thời gian qua, M&A trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC – Bộ Tài chính) cho hay: So với M&A các lĩnh vực khác, lĩnh vực ngành ngân hàng – tài chính có nhiều khó khăn hơn. Trong đó, xử lý nợ xấu là điều tiên quyết phải làm trước khi tiến hành các thương vụ M&A. Nếu không, khi tiến hành M&A, ngân hàng sẽ bị định giá thấp. Hai là hậu sáp nhập, nợ xấu còn nguyên trên sổ sẽ ngăn cản hoạt động của ngân hàng sát nhập.

Cũng theo ông Phạm Mạnh Thường, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 3 động thái đáng kể trong xử lý nợ xấu của các ngân hàng và thúc đẩy tiến trình M&A. Thứ nhất, yêu cầu ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu quá 10% trong 3 tháng liên tục sẽ bị hạ hạn mức tăng trưởng tín dụng và chịu nhiều chế tài kiểm soát. Thứ hai, NHNN vừa yêu cầu 14 ngân hàng thương mại đẩy mạnh mua, bán nợ, đặc biệt là nợ xấu. Thứ ba, NHNN Chi nhánh TP.HCM vừa kiến nghị thành lập công ty mua bán nợ xấu, vừa để tháo gỡ nút thắt tín dụng, vừa để đẩy nhanh quá trình cơ cấu ngân hàng, xử lý ngân hàng yếu kém.

Theo ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN, các ngân hàng đừng coi M&A như một “thần dược” để giải quyết những vấn đề về nợ xấu, thanh khoản vốn, công nghệ, quản lý… Ngoài ra, nếu không có mục tiêu cụ thể và không có phương án sáp nhập cẩn thận, đặc biệt là phương án nợ xấu và gia tăng giá trị cộng hưởng thì M&A ngân hàng sẽ không mang lại hiệu quả.

Hải Yên
Theo Tin Tức

Bình luận (0)