Từ ngày 1-6, các sân khấu kịch tại TP.HCM đã đồng loạt “khai màn” các suất diễn dành cho khán giả nhí trong dịp hè 2025. Một số sân khấu mạnh dạn giới thiệu những vở diễn mới toanh. Năm nay, TP.HCM có 5 sân khấu hướng đến khán giả nhỏ tuổi với đa dạng phong cách, đáp ứng nhu cầu giải trí của các em nhỏ.

Món quà ý nghĩa dành cho khán giả nhí
Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh mở màn với vở kịch thiếu nhi “Công chúa mũi to và vương quốc Meo Meo” (tác giả: Vũ Tín, đạo diễn: Chánh Trực) được khán giả nhí đón nhận nồng nhiệt.
Vở tiếp tục khai thác thế giới thần tiên đầy dí dỏm và nhân văn. Thông qua hành trình của cô công chúa có ngoại hình đặc biệt và vương quốc mèo ngộ nghĩnh, vở kịch đề cao các giá trị như sự chân thành, tình bạn, lòng dũng cảm và sự tự tin vào bản thân. Vở đưa ra một thông điệp giáo dục nhẹ nhàng qua lời hù dọa bông đùa của người lớn rằng “nói dối mũi sẽ to ra”.
Vở diễn quy tụ dàn diễn viên quen thuộc và được yêu mến như NSƯT Minh Nhí, Bình Tinh, Lê Quốc Nam, Chánh Trực, Hoàng Mèo, Gia Bảo, Lê Nam, Tân Trề, Maika, Di Dương, Bảo Bảo, Võ Minh Khải, bé Bella… góp phần tạo nên một không gian sân khấu sinh động và giàu cảm xúc.
Đặc biệt, các khán giả nhí tỏ ra vô cùng hào hứng khi được trực tiếp lên sân khấu giao lưu, trò chuyện và chụp ảnh cùng các nhân vật mình yêu thích. Khoảnh khắc những chiếc mũi “to” xuất hiện trên sân khấu không chỉ khiến các bé bật cười mà còn giúp các em tiếp cận câu chuyện một cách gần gũi, sinh động.
“Sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả đã góp phần tạo nên một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc, đúng với tinh thần “kịch thiếu nhi là để các bé được vui, được học và được sống trong thế giới cổ tích của chính mình” – NSƯT Minh Nhí chia sẻ!
Nhà hát kịch IDECAF với chương trình Ngày xửa ngày xưa cũng khai màn mùa diễn hè bằng vở “Hậu duệ Thần Mặt Trời” (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn). Năm nay tròn 25 năm Ngày xửa ngày xưa ra đời, vì thế, vở này cũng được đầu tư mạnh tay về hình thức, chăm chút tỉ mỉ về nội dung. Không chỉ mở ra một thế giới thần tiên lộng lẫy và đầy chất thơ, vở diễn còn gửi gắm thông điệp gần gũi và hiện đại về sự cộng hưởng giáo dục từ gia đình đến xã hội để nuôi dưỡng một đứa trẻ nên người.
“Lúc mới bắt tay vào làm sân khấu thiếu nhi, tôi đã phải đối diện với nhiều khó khăn. Có những chương trình bị lỗ vốn. Nhưng làm sân khấu thiếu nhi, tôi thấy cái “lời” nhất là tạo dựng được một thế hệ khán giả nhí cho sân khấu thiếu nhi tương lai…”, anh Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF cho biết như thế! |
Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ 5B ra mắt vở “Biệt đội Gà – Vịt” (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSND Mỹ Uyên). Vở chia sẻ thông điệp về lòng tốt, tinh thần đoàn kết và sự tự tin qua hành trình khám phá chính mình của chú vịt con lạc trong đàn gà.
Sân khấu Quốc Thảo giới thiệu “Na Tra đại náo Long cung” (tác giả, đạo diễn: Quốc Thảo) kể về hành trình trưởng thành của cậu bé Na Tra với bài học ai cũng có thể mắc lỗi nhưng người bản lĩnh sẽ biết nhận sai và quyết tâm sửa lỗi.
Sân khấu Ban Mai công diễn tại Nhà Thiếu nhi TP các vở “Colora – Xứ sở rực rỡ” và “Penny – Ô mê ly”. Sân khấu này chú trọng tạo hình độc đáo cùng âm nhạc và vũ đạo hiện đại. Đặc biệt, nhiều ca khúc trong vở có thể tách riêng thành bài hát thiếu nhi độc lập.
Hai sân khấu vắng bóng kịch thiếu nhi mùa hè này là Sân khấu kịch Hồng Vân và Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Theo NSND Hồng Vân tâm sự: “Làm sân khấu thiếu nhi thấy có vẻ đơn giản nhưng thực ra rất cực. Đầu tư thực hiện chương trình rất tốn kém nhưng vẫn thường xuyên bị lỗ vốn. Mặc dù rất mặn mà với sân khấu thiếu nhi, nhưng điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, chúng tôi đành phải tạm ngưng”.
Những tín hiệu đáng mừng
Nhiều năm qua, sân khấu thiếu nhi vẫn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nhưng khó khai thác. Một thời gian dài, gần như chương trình Ngày xửa ngày xưa chiếm vị trí độc tôn. Thi thoảng, làn sóng làm sân khấu thiếu nhi rộ lên rồi nhanh chóng tan biến. Khoảng 3 năm trở lại đây, tình hình chuyển biến tích cực. Hiện có 5 đơn vị xác định thiếu nhi là đối tượng phục vụ lâu dài, mỗi nơi đều có được màu sắc riêng.

Anh Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF bộc bạch: “Từ lâu, kịch thiếu nhi đã trở thành thương hiệu riêng của Sân khấu IDECAF. Chính vì thế mà mỗi độ hè về, chúng tôi tạm gác việc dàn dựng những vở kịch người lớn để tập trung vào việc thực hiện kịch cho các em thiếu nhi, xem đây là một món quà dành tặng cho các em sau một năm học hành căng thẳng. Sự phát triển của sân khấu thiếu nhi là một tín hiệu vui. Bởi có cạnh tranh mới có phát triển và mỗi đơn vị cần không ngừng vượt lên chính mình, luôn phải cải thiện chất lượng vở diễn…”.
Chị Nguyễn Kim Loan (quận Tân Bình – TP.HCM) cho biết: “Trẻ em ngày càng có nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí của mình. Bên cạnh phương tiện giải trí như truyền hình, băng đĩa, sách truyện thiếu nhi, mạng xã hội… thì việc được ba mẹ đưa đến các sân khấu xem kịch thiếu nhi vẫn là sự thích thú của các em”.
Sân khấu thiếu nhi TP.HCM đang phát triển nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu giải trí của khán giả nhí. Sân khấu thiếu nhi cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, để phát triển dài lâu. Hiện nay, trong xu thế hội nhập, ở các lĩnh vực điện ảnh, xuất bản đều được liên kết để tạo sự phát triển, nên chăng các đơn vị sân khấu cần có sự hợp tác để cùng xây dựng những chương trình cho thiếu nhi một cách quy mô. Ngoài sự năng động của mỗi đơn vị, mỗi nhà hát khi tìm các dự án, các nhà tài trợ cho chương trình thiếu nhi, Nhà nước cũng nên dành một nguồn kinh phí để dàn dựng những chương trình có tầm cỡ cho các em.
Anh Khôi
Bình luận (0)