Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Sôi đông thị trường “tìm kiếm”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Ảnh: shutterstock

Khát vọng ghi dấu ở thị trường tìm kiếm trên mạng khiến nhiều doanh nghiệp tại những nước nhỏ vẫn không ngừng nỗ lực phát triển các công cụ tìm kiếm.

Ngày 13.11 vừa qua, trong số 478 công trình tham dự đến từ hơn 40 nước trên thế giới, phần lớn là từ Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc… và từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google, Microsoft, IBM, Baidu, Yahoo, Infocomm, AT&T, 107 công trình đã được báo cáo tại Hội nghị quốc tế về ứng dụng CNTT trong việc hiểu ngôn ngữ (IJCNLP 2011) diễn ra ở Thái Lan. Đặc biệt, có một đại diện duy nhất đến từ VN được vinh dự này, đó là Ngô Minh Vương, Trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển web phía nam của Công ty VNG.

Nỗ lực từ Việt Nam

Lâu nay, các công cụ tìm kiếm chủ yếu hoạt động theo nguyên tắc rà soát đối chiếu. Khi người sử dụng đưa vào một tập từ khóa để truy vấn thì công cụ tìm kiếm sẽ rà soát trên kho tàng internet những nội dung nào trùng khớp và cho ra kết quả. Cho nên, hầu như các công cụ tìm kiếm chưa "suy luận" để đưa ra các kết quả liên quan đến truy vấn nhưng không trùng khớp về cụm từ khóa. Vì thế, các công cụ tìm kiếm cần được phát triển để "thông minh" và có khả năng "suy luận" tốt hơn.

Tại IJCNLP 2011, Ngô Minh Vương đã trình bày công trình Khám phá các khái niệm tiềm ẩn và khai thác các đặc điểm trong cơ sở tri thức cho tìm kiếm văn bản theo ngữ nghĩa. Hiểu đơn giản thì công trình này đem lại cho công cụ tìm kiếm khả năng "suy luận" dựa trên cơ sở tri thức về thông tin của các tập từ khóa được dùng để truy vấn. Từ đó, theo Vương, công cụ tìm kiếm sẽ cho nhiều kết quả liên quan đến nội dung truy vấn mặc dù không trùng khớp với tập từ khóa.

Ngô Minh Vương đã đưa ra ví dụ minh họa: tìm kiếm các tài liệu về "cities that are tourist destinations of Thailand" (các thành phố là điểm đến du lịch của Thái Lan). Ở truy vấn này, công trình sẽ cho phép Chiang Mai và Phuket nên được thêm vào truy vấn, bởi vì chúng thuộc về lớp City (thành phố) và là tourist destinations of Thailand (điểm đến du lịch của Thái Lan). Đây là kết quả của việc công cụ tìm kiếm đã suy luận để thực thi chứ không chỉ rà soát các thông tin trùng khớp về mặt câu chữ. Cho nên, những kết quả về Chiang Mai hay Phuket vẫn hiện ra dù không có từ trong cụm "cities that are tourist destinations of Thailand".

Tương tự như thế với ví dụ thứ hai: tìm kiếm các tài liệu về "tsunami in Southeast Asia" (sóng thần ở Đông Nam Á). Với truy vấn vừa nêu, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, ví dụ như: Indonesia hoặc Philippines, nên được thêm vào. Tuy nhiên, các quốc gia được thêm vào phải thực sự bị tấn công bởi sóng thần ít nhất một lần. Do đó, Lào sẽ không được thêm vào truy vấn này. Sự suy luận đã giúp công cụ tìm kiếm chọn lọc kết quả phù hợp.

Google giữ vững ngôi vương

Tất nhiên, không chỉ các doanh nghiệp tại các quốc gia nhỏ tích cực nghiên cứu phát triển công cụ tìm kiếm mà những đại gia như Google, Microsoft, Yahoo cũng liên tục cải tiến. Vì thế, thị trường này đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, Google vẫn tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của mình.

Tại thị trường Mỹ, Google chiếm 65,6% trong tháng 10.2011, kế đến là Yahoo (15,2%), Microsoft (14,8%), Ask (2,9%), AOL (1,5%), theo số liệu của Hitwise. Tại thị trường Anh, Google thống trị gần như tuyệt đối khi chiếm 90,59% thị phần trong tháng 10.2011, kế đến là Bing (3,86%), Yahoo (2,43%), Ask (1,76%). Trên thị trường toàn cầu, số liệu do Karma Snack tổng hợp và phân tích từ seoMoz, Compete, Nielson-Net, Alexa, cho kết quả thị phần vào tháng 11.2011 như sau: Google (84,72%), Yahoo (6,42%), Baidu (4,67%), Bing (2,14%), Ask.com (0,56%).

Trong đó, Baidu chiếm vị trí thứ 3 trên toàn cầu nhờ vào ưu thế thống trị của hãng này tại Trung Quốc, một thị trường đầy tiềm năng. Theo Searchenginewatch.com, thị phần của Baidu tại Trung Quốc lên đến 75,9% trong quý 2 năm 2011, vượt xa con số 18,9% của Google. Gần đây, khá nhiều dịch vụ tìm kiếm "địa phương" đã phát triển mạnh tại thị trường sở tại và từng bước tiến ra thế giới. Điển hình như Yadex của Nga không chỉ phát triển mạnh tại xứ sở bạch dương mà còn có vị thế đáng kể ở các nước lân cận như Belarus, Kazakhstan, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Những diễn biến này cho thấy Google sẽ còn đối mặt với những nỗ lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các "đại gia" thế giới lẫn "địa phương", dù hãng này vẫn đang rất vững vàng với ngôi vương.

Hoàng Đình (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)