Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sôi động thị trường vàng dịp vía Thần Tài

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dù 14-2 (mùng 10 tháng giêng) mới là ngày vía Thần Tài nhưng nhiều người đã xếp hàng mua vàng, trang sức vàng, heo vàng… từ trước đó 1 ngày để lấy may đầu năm

Ngày 13-2 (mùng 9 tháng giêng), giá vàng trong nước liên tục biến động, đặc biệt các loại vàng nhẫn, vàng trang sức, tượng vàng, heo vàng… có giá cao hơn nhiều so với vàng miếng SJC nhưng vẫn được nhiều người mua.

Nhộn nhịp từ sáng sớm

Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm mùng 9, tại trụ sở Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC; ở quận 1, TP HCM), lượng khách đến giao dịch rất đông, phần lớn là người đến mua vàng lấy may đầu năm. Các quầy bán vàng miếng lẻ loại 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ; quầy bán nhẫn trơn, vật phẩm vàng như heo vàng, tượng Thần Tài… đều kín khách. Nhiều người phải xếp hàng chờ tới lượt.

Đa số chỉ xem mẫu mã và hỏi tiền công chứ ít người quan tâm tới giá dù mấy ngày nay giá vàng trong nước tăng khá mạnh. Do nhu cầu tăng nên chỉ trong sáng 13-2, có thời điểm giá vàng SJC lên 37,3 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn trơn 99,99 lên 37,48 triệu đồng/lượng, tăng vài trăm ngàn đồng so với vài ngày trước.

Ghé vào quầy bán vật phẩm vàng của SJC, anh Thanh (ngụ quận 3) nhanh chóng chọn 3 con heo vàng loại 1 chỉ rồi trả tiền, lấy hóa đơn với giá 3,878 triệu đồng/chỉ (tiền công 150.000 đồng). Một số khách khác chọn mua miếng vàng hình Thần Tài, giá 3,828 triệu đồng/chỉ (tiền công 100.000 đồng). Phóng viên hỏi vì sao không chờ đúng ngày Thần Tài, anh Thanh nói do mùng 9 cũng là ngày đẹp nên mua luôn để lấy may, không phải xếp hàng, chen lấn vào mùng 10 như mọi năm nữa.

Do nhu cầu người dân mua vàng miếng loại 1-2 chỉ khá lớn nên chỉ vài giờ buổi sáng, SJC đã treo bảng hết vàng miếng SJC lẻ vì loại vàng này số lượng không nhiều, chỉ có nguồn khi khách đến bán…

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhân viên bán hàng cho biết lượng khách đến giao dịch đông hơn những ngày trước, trong đó các loại vàng trang sức heo tài lộc, vàng miếng, vật phẩm phong thủy 1 chỉ, 2 chỉ được chọn mua khá nhiều. Năm nay, PNJ đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến, khách hàng có thể chọn giao tận nhà hoặc nhận tại cửa hàng vào đúng ngày Thần Tài.

Trong khi đó, ở phố vàng Trần Nhân Tông (TP Hà Nội) ngày 13-2 cũng có rất nhiều người đến mua vàng từ sớm để cầu mong một năm nhiều may mắn, làm ăn suôn sẻ. Ghi nhận tại một điểm bán của Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, hàng chục khách hàng đến từ rất sớm xếp hàng chờ tới lượt mua vàng. Chị Nguyễn Hoài Thương (ngụ quận Đống Đa) bộc bạch năm nào gia đình chị cũng mua 1 chỉ vàng vào ngày Thần Tài với mong muốn một năm may mắn, công việc thuận buồm xuôi gió. "Năm trước, tôi đi mua đúng vào mùng 10 Tết nên phải xếp hàng, chờ đợi lâu, chen chúc. Rút kinh nghiệm nên năm nay tôi đi mua từ sáng mùng 9 để tránh cảnh chen lấn" – chị Thương chia sẻ.

Người dân xếp hàng chờ đến lượt mua vàng tại một cửa hàng kim hoàn ở Hà Nội sáng mùng 9 tháng Giêng. Ảnh: Minh Chiến

Giá vàng tăng kích thích nhu cầu mua vào

Theo giới kinh doanh vàng, do ngày vía Thần Tài trùng với ngày Tình nhân nên các doanh nghiệp vàng dự báo nhu cầu và lượng khách sẽ tăng mạnh. Nhiều công ty vàng, cửa hiệu kim hoàn đã lên kế hoạch mở cửa từ 6 giờ và chỉ đóng cửa khi nào hết khách. Ngoài ra, họ cũng chuẩn bị các phương án bảo vệ tài sản, giữ xe cho khách đến giao dịch.

Theo đại diện Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng muốn sở hữu linh giáp hợi trong năm nay, đơn vị đã chế tác và tuyển chọn nhiều sản phẩm trang sức tinh xảo hình linh giáp dành riêng để khách hàng lựa chọn cầu may như: Đĩnh vàng kim hợi – No đủ quanh năm, an nhàn hạnh phúc; nhẫn kim tiền kim hợi – May mắn, an nhàn, sung túc cả năm. Bên cạnh đó, còn có sản phẩm "Ông Thần Tài" loại 1 chỉ vàng hay các sản phẩm bông hồng vàng loại 1-2 chỉ dành cho ngày Tình nhân 14-2 trùng với dịp vía Thần Tài mùng 10.

Một công ty vàng kinh doanh nữ trang sỉ ở TP HCM cho biết trước Tết khoảng 1 tháng, đơn vị đã bắt đầu gia công và giao hàng trang sức số lượng lớn cho các tiệm vàng. Nhu cầu mua vàng lấy may dịp đầu năm, nhất là ngày Thần Tài, tăng vọt trong vài năm trở lại đây khiến các tiệm vàng cũng tranh thủ đặt hàng, gia công những sản phẩm, vật phẩm vàng độc đáo theo năm như tượng heo vàng, Thần Tài… để đáp ứng nhu cầu của khách. Như tại SJC, chỉ tính riêng mùng 7 Tết, doanh nghiệp này đã giao khoảng 15.000 sản phẩm vàng, tương đương 1.500 lượng vàng cho các tiệm vàng khu vực TP HCM, miền Tây và Đông Nam Bộ…

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng chuẩn bị khoảng 300.000 sản phẩm, tăng hơn 30% so với năm ngoái do dự báo nhu cầu mua vàng dịp Thần Tài của khách hàng năm nay tăng. Hệ thống cửa hàng sẽ mở cửa từ 6 giờ 30 phút cho tới khi hết khách, tăng số lượng quầy giao dịch trong từng cửa hàng.

Khách hàng nhộn nhịp mua vàng tại công ty SJC ở TP HCM ngày 13-2. Ảnh: Tấn Thạnh

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia vàng Trần Thanh Hải nhìn nhận nhu cầu mua vàng lấy may dịp đầu năm là có thật và có xu hướng gia tăng trong những năm qua. Nhiều người chỉ cần mua 1-2 chỉ vàng cũng gọi là lấy lộc Xuân từ tiền lì xì, tiết kiệm sau Tết nên khó tránh cảnh chen lấn, xếp hàng.

Liên quan đến yếu tố giá, từ tháng 11 năm ngoái đến nay, giá vàng thế giới đã tăng một mạch và vượt ngưỡng 1.300 USD/ounce, sau cả năm 2018 lình xình quanh vùng 1.200 USD/ounce, kéo giá vàng trong nước tăng vượt 37 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng kích thích nhu cầu mua vào, đầu tư của người dân. "Nhiều người thấy giá vàng tăng trên vùng 37 triệu đồng/lượng thì nghĩ rằng sẽ còn tăng nữa nên mạnh dạn mua vào, cộng thêm tâm lý cầu may ngày Thần Tài năm nay trùng với ngày Tình nhân nên sức cầu chắc chắn sẽ còn tăng mạnh" – ông Hải nhìn nhận.

Còn theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM), việc xếp hàng chờ mua vàng cũng như vàng tăng giá… khiến người dân khá mệt mỏi. Năm nay, từ mùng 7 Tết, người dân đã mua vàng. Mua sớm tránh được tình trạng xếp hàng, thổi giá, làm giá khi người mua quá đông. "Dù vậy, mua vàng ngày Thần Tài, không chỉ về tín ngưỡng vì vàng còn là tài sản cất giữ. Dự báo năm nay, giá vàng tiếp tục tăng mạnh, nên tôi nghĩ vàng có thể tích trữ có lợi cho người dân. Điều quan trọng là tránh tình trạng đầu cơ bởi mua vàng hôm nay có thể lỗ ngày mai nếu giá đi xuống nhưng mua để tích trữ, khi được giá thì bán có thể là kênh đầu tư tốt" – TS Bùi Quang Tín phân tích.

Ngân hàng cũng bán vàng

Trước nhu cầu mua vàng quá lớn của người dân, một số ngân hàng thương mại năm nay cũng nhập cuộc mua bán vàng trong ngày Thần Tài. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) dự kiến sẽ có khoảng 3.000 lượng vàng được bán ra như vàng Kim Hợi, Kim Thần Tài, Kim Ngân Tài và vàng nhẫn trọng lượng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ. Khách có thể đặt mua vàng trên ứng dụng ngân hàng điện tử của TPBank, nhận vàng tại quầy giao dịch gần nhất.

Không chỉ mua vàng, dịp này, nhiều người còn gửi tiết kiệm lấy may nên các ngân hàng đã tung sản phẩm đón đầu. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tặng vàng cho người gửi tiết kiệm từ 1,5 tỉ đồng hay Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) ưu đãi lãi suất cho người gửi tiết kiệm dịp đầu năm…

Theo Thái Phương – Thy Thơ – Minh Chiến/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)