Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sôi nổi cùng học sinh vùng đất thép

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Đặng Kiên Cường (đại diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Củ Chi
Không đặt nhiều câu hỏi liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhưng lại liên tục “truy” các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp – đó là không khí của buổi tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở Trường THPT Củ Chi vừa qua.
Do đã có sự chuẩn bị trước về tâm lý cũng như nội dung câu hỏi nên các em học sinh rất tự tin khi đặt câu hỏi. Thậm chí, nhiều em còn hỏi liền tù tì 3 câu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Làm đẹp ngoại hình không khó
Sân trường THPT Củ Chi đã “nóng” ngay từ đầu khi hàng loạt cánh tay giơ cao xin đặt câu hỏi. Không phải là người đầu tiên “khởi xướng” nhưng em Ánh Ngọc (lớp 12A1) đã khiến Ban tư vấn ngạc nhiên xen lẫn thích thú khi em đặt 3 câu hỏi liên tiếp. Các câu hỏi mà Ánh Ngọc đưa ra được Ban tư vấn đánh giá là khá thú vị vì đề cập đến những góc khuất của nghề nghiệp. “Ngành tâm lý là ngành lắng nghe người khác chia sẻ, vậy nhu cầu nhân lực của ngành này có lớn không? Em nghe nói ngày nay muốn đi xin việc cần phải có ngoại hình. Ngoại hình em không được đẹp thì phải làm sao? Và có phải muốn làm trong ngành xuất bản, lĩnh vực liên quan đến văn hóa thì người xin việc phải có điều kiện là đã vào Đảng?”.
ThS. Tô Hoài Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định: Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức UNESCO, một con người muốn thành công trong nghề nghiệp, trong đời sống thì cần có 40% kiến thức, 20% kỹ năng và 40% còn lại chính là thái độ đối với nghề nghiệp, cuộc sống mà họ tiếp nhận. “Với những kỹ năng được tiếp nhận từ xã hội, con người sẽ tự trang bị cho mình những kỹ năng làm đẹp chính mình trước khi bước vào môi trường nghề nghiệp. Làm đẹp cho ngoại hình không khó, thực tế đã có rất nhiều người áp dụng “tiểu xảo” để khiến cho ngoại hình của mình trở nên thu hút như thấp thì đi giày cao gót, mập thì giảm cân, trang điểm cho gương mặt tươi tắn… Đó là những kỹ năng cơ bản mà ai cũng đều biết”, ThS. Tô Hoài Thắng phân tích.
Liên quan đến ngành tâm lý, ThS. Tô Hoài Thắng cho biết tâm lý là ngành học chuyên sâu về tâm lý, về lời nói, hành động của con người. Vì thế đây là ngành không chỉ biết lắng nghe, giao tiếp mà còn cần sự thấu hiểu. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có các chuyên gia về lĩnh vực tâm lý chứ chưa có bác sĩ chuyên sâu về lĩnh vực này. Đây cũng là ngành có triển vọng nghề nghiệp và nhu cầu nhân lực rất lớn, có thể tham gia nhiều lĩnh vực trong đời sống như trị liệu, tư vấn, tham vấn học đường, tuyển dụng nhân sự cho các tổ chức, công ty…
Với câu hỏi về ngành xuất bản, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung, Trưởng bộ phận truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: Nếu em làm trong ngành xuất bản, liên quan đến chủ đề chính trị, Nhà nước thì nhà xuất bản mới yêu cầu em phải có kiến thức chung về Đảng và chủ đề mà em tham gia xuất bản; còn những chủ đề khác thì chưa cần thiết lắm. Tuy nhiên, việc rèn luyện và phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng là điều rất cần thiết và ý nghĩa, nhất là với học sinh – sinh viên.
Cân nhắc kỹ khi đăng ký hồ sơ
“Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức UNESCO, một con người muốn thành công trong nghề nghiệp, trong đời sống thì cần có 40% kiến thức, 20% kỹ năng và 40% còn lại chính là thái độ đối với nghề nghiệp, cuộc sống mà họ tiếp nhận”, ThS. Tô Hoài Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết.
Em Phạm Phương Thùy (lớp 12A7) hỏi: “Em được biết năm nay Trường ĐH Hoa Sen dành một số chỉ tiêu tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ quốc tế. Vậy điều kiện xét tuyển cụ thể như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Ngọc Tú, đại diện Trường ĐH Hoa Sen cho biết: Năm 2015, trường dành tối đa 10% chỉ tiêu xét tuyển những học sinh có chứng chỉ Anh văn quốc tế. Cụ thể: Điểm thi IELTS 6.5 trở lên (các bài thi kỹ năng nghe, nói, viết – không bài nào dưới 6.0) hoặc điểm thi TOEFL iBT 87 trở lên (không có bài thi kỹ năng nào dưới 20) đối với bậc ĐH. Với bậc CĐ: Điểm thi IELTS từ 6.0 trở lên (không có bài thi kỹ năng nào dưới 5.5) hoặc điểm thi TOEFL iBT 80 trở lên (không có bài thi nào dưới 20).
“Ngoài các cách thức tuyển sinh đã được công bố, hiện trường đang dự kiến dành 50% chỉ tiêu trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc CĐ để xét tuyển dựa trên kết quả học tập ba năm THPT và phỏng vấn (tùy yêu cầu từng ngành) đối với những học sinh có nguyện vọng học CĐ. Phương án này đang đợi phản hồi từ Bộ GD-ĐT. Chúng tôi sẽ công bố trên website của trường khi có quyết định chính thức”, ThS. Nguyễn Ngọc Tú cho hay.
Trong khi đó, em Phan Thùy Dương (lớp 12A4) có ý định thi vào ngành y nhưng băn khoăn: “Hộ khẩu thường trú của em ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vậy em có được thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch không? Hình thức tuyển sinh của trường này ra sao?”. Với câu hỏi này, ThS. Tô Hoài Thắng cho biết: “Theo những thông tin tôi được biết, năm 2015 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì theo tổ hợp ba môn thi toán, hóa, sinh (khối B cũ). Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lấy điểm xét tuyển đầu vào tương đối cao, chỉ thua Trường ĐH Y dược TP.HCM khoảng 2-3 điểm/ngành. Hiện có khá nhiều trường tại TP.HCM có đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe có điểm xét tuyển tương đối phù hợp với nhiều học sinh. Vì thế, em nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển vào trường này”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM cũng bị “chất vấn”
Tại chương trình, các em học sinh Trường THPT Củ Chi cũng đặt nhiều câu hỏi cho ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM. Đa phần câu hỏi của các em đều liên quan đến ngành báo chí, chuyên môn – nghiệp vụ của ngành này. Em Vũ Đặng Huyền Trang hỏi: “Em đang có ý định học ngành truyền thông – báo chí và trở thành biên tập viên nhưng em chưa có nhiều kiến thức về ngành này. Vì vậy em rất muốn biết thêm kiến thức của ngành này?”. Ông Nguyễn Thanh Tú cho biết: “Một biên tập viên trong lĩnh vực báo chí cần rất nhiều kỹ năng, kiến thức chuyên môn về lĩnh vực báo chí. Đa số biên tập viên ở các cơ quan báo chí hiện nay đều từng kinh qua công việc của một phóng viên. Họ đã từng phải đi nhiều, viết nhiều và trải nghiệm nhiều để có những kiến thức, sự hiểu biết về lĩnh vực mà họ làm công tác biên tập, qua đó kịp thời phát hiện những sai sót mà người viết mắc phải”.
Ông Nguyễn Thanh Tú cũng cho biết thêm: Không nhất thiết phải học ngành báo chí ra các em mới có thể đi làm báo. Nghề báo chủ yếu dựa vào sự học hỏi và nhạy bén về đề tài. Các em có thể chọn một số ngành học có tính chất tương đương như ngữ văn, ngôn ngữ, văn hóa…
 
 
 

Bình luận (0)