Ngày 15/8 là hạn cuối cùng các công ty niêm yết là công ty mẹ phải nộp báo cáo tài chính quý 2 của công ty mẹ và hợp nhất. Trong báo cáo tài chính giữa niên độ, các doanh nghiệp niêm yết được trích lập và hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi. Đây là những thông tin rất quan trọng để nhà đầu tư đánh giá thực chất lỗ và lãi trong 6 tháng đầu năm.
Trong số những doanh nghiệp có lãi tăng vọt nhờ được hoàn nhập dự phòng “khủng” phải kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH-HOSE). Hiện TLH chưa có báo cáo tài chính quý 2 nhưng trong quý 1/2013, việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho khiến giá vốn vượt doanh thu nên TLH lỗ gộp xấp xỉ 10 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lại đảo chiều tăng vọt, lên tới 123,64 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 15,9 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước và 4,78 tỷ đồng trong quý 4/2012.
Trong báo cáo tài chính giữa niên độ, các doanh nghiệp niêm yết được trích lập và hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi. Đây là những thông tin rất quan trọng để nhà đầu tư đánh giá thực chất lỗ và lãi trong 6 tháng đầu năm.
Nguyên nhân là do TLH được hoàn nhập dự phòng 93,5 tỷ đồng từ khoản đầu tư vào cổ phiếu Công ty Cổ phần Sản xuất & Thương mại Phúc Tiến (OTC: PHT).
Công ty Chứng khoán Kim Long (mã KLS-HNX) cũng được hoàn nhập dự phòng rất lớn, lên tới 127 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (cùng kỳ năm trước phải trích lập 45 tỷ đồng), giúp lãi ròng quý 2 tăng vọt lên 26,47 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 11,53 tỷ đồng và lãi ròng 6 tháng cũng tăng mạnh, lên 77,46 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Chứng khoán VnDirect (mã VND-HNX) đạt lợi nhuận sau thuế 6 tháng 97,15 tỷ đồng, tăng 61,92% so cùng kỳ nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán và hoàn nhập một số các khoản nợ phải thu khó đòi.
Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Sacom (mã SAM-HOSE) đạt doanh thu trong quý 2/2013 chỉ hơn 440 triệu đồng nhưng vẫn ghi nhận mức lãi 20,12 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu tài chính tăng gấp 5 lần trong khi công ty chỉ trích lập 2,3 tỷ đồng dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn và dài hạn (cùng kỳ năm trước phải trích lập dự phòng hơn 40 tỷ đồng).
Nhiều công ty bị lỗ lớn chủ yếu do phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn cùng nợ phải thu khó đòi. Điển hình là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại dầu khí-Idico (mã PXL-HOSE), trong quý 2/2013, PXL lỗ 15,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 115 triệu đồng, lũy kế 6 tháng PXL cũng lỗ 15,5 tỷ đồng.
Theo giải trình của PXL, tại thời điểm 30/6/2013, công ty phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư góp vốn điều lệ Công ty Cổ phần thiết bị nội ngoại thất dầu khí và trích lập dự phòng bổ sung cho cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG) với số tiền 15,7 tỷ đồng, nâng tổng số tiền trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư tại thời điểm 30/06/2013 là 40,2 tỷ đồng nên lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 âm 15,5 tỷ đồng.
Trong quý 2, Công ty Cổ phần Đầu tư PV2 (mã PV2-HNX) lỗ ròng lên đến 12,7 tỷ đồng do chi phí tài chính tăng từ 254 triệu đồng lên 4,8 tỷ đồng vì phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn cùng nợ phải thu khó đòi.
Cho đến ngày 23/7 vẫn chưa có doanh nghiệp nào công bố báo cáo tài chính 6 tháng đã được kiểm toán soát xét, nhưng trong tháng 8 tới sẽ phải công bố theo quy định. Khi đó, tất cả những khoản trích lập và hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi, hàng tồn kho sẽ được kiểm toán “soi” và có thể đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng.
Theo quy định hiện hành, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chính là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do các loại chứng khoán đầu tư của doanh nghiệp bị giảm giá và giá trị các khoản đầu tư tài chính bị tổn thất do tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư vào bị lỗ. Dự phòng nợ phải thu khó đòi là dự phòng phần giá trị bị tổn thất của các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán, nợ phải thu chưa quá hạn nhưng có thể không đòi được do khách nợ không có khả năng thanh toán.
Ngày 28/6/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 89/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2013.
Điểm sửa đổi bổ sung mới nhất là doanh nghiệp chỉ thực hiện trích lập dự phòng khi tổng số vốn đầu tư thực tế của chủ sở hữu cao hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được đầu tư. Việc trích lập dự phòng đầu tư dài hạn được thực hiện đối với các khoản đầu tư được trình bày theo phương pháp giá gốc, không áp dụng cho các khoản đầu tư trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm doanh nghiệp lợi dụng việc trích lập dự phòng để tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng không có đủ căn cứ nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách. Những doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, Thông tư 89/2013/TT-BTC vẫn chưa quy định rõ giá cổ phiếu trên thị trường OTC làm căn cứ tính toán mức trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Theo quy định hiện hành, mức trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán được tính căn cứ vào giá chứng khoán hạch toán trên sổ kế toán và giá chứng khoán thực tế trên thị trường.
Đối với các công ty chưa đăng ký giao dịch ở thị trường giao dịch của các công ty đại chúng (tại HOSE, HNX và UPCoM) thì giá chứng khoán thực tế trên thị trường được xác định là giá trung bình trên cơ sở giá giao dịch được cung cấp tối thiểu bởi 3 Công ty Chứng khoán tại thời điểm lập dự phòng.
Như vậy, với quy định này, các doanh nghiệp có thể “đi đêm” với các công ty chứng khoán để có được văn bản xác nhận giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường OTC theo mục đích trích lập dự phòng của mình.
Một quy định nữa tạo cơ hội hợp pháp cho doanh nghiệp không cần trích lập dự phòng khiến lợi nhuận có thể tăng mạnh, đó là: trường hợp không thể xác định được giá trị thị trường của chứng khoán thì các doanh nghiệp không được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán.
Thời báo Kinh tế Việt Nam
Bình luận (0)