Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sớm cải tiến khối thi

Tạp Chí Giáo Dục

Mục tiêu của kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm nhằm tuyển chọn những học sinh có đủ năng lực học đại học. Để tuyển chọn các học sinh đó, ngành giáo dục đặt ra bốn khối thi chính là A (toán, lý, hóa), B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa) và D (toán, văn, ngoại ngữ).

Các khối thi này đã tồn tại hàng chục năm nay và hình như vẫn chưa có một sự đánh giá lại xem những khối thi và các môn thi được quy định trong từng khối thi ấy có hợp lý hay không, có cần cải tiến gì thêm hay không.

Trong khi đó, việc tuyển sinh đại học không phải chỉ nhằm sàng lọc năng lực chung chung của học sinh mà phải có mục tiêu đánh giá năng lực của học sinh xem có phù hợp để theo đuổi các ngành học mà các em chọn theo học ở đại học hay không, nhất là có phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế trong hiện tại và tương lai hay không. Vậy bốn khối thi như hiện nay có đáp ứng được yêu cầu đó hay không?

Hiện có rất nhiều ngành đào tạo ở đại học tuyển sinh khối A. Đây cũng là khối có đông thí sinh nhất. Thế nhưng nếu xét kỹ, khối A lại không thật sự tương thích với khá nhiều ngành mà nó được dùng để thi tuyển, ít nhất là đơn thuần xét về nội dung môn học. Cụ thể là khối ngành kinh tế, luật và khoa học xã hội (một số trường đào tạo khối ngành khoa học xã hội đã bắt đầu tuyển sinh khối A trong hai năm nay). Chắc chắn rằng để học tốt kinh tế học, luật học hay xã hội học đương nhiên phải giỏi toán (tư duy logic).

Thế nhưng những người học ngành kinh tế, luật hay xã hội học liệu có cần tới lý và hóa không? Chắc chắn là không bởi để học tốt kinh tế và luật chắc chắn phải cần đến khả năng ngôn ngữ, diễn giải bằng ngôn từ (văn) và ngoại ngữ. Do đó việc thi thêm hóa, lý trong khi đã có toán đối với nhóm ngành trên là vừa thừa lại vừa thiếu: thừa tư duy logic, khả năng tính toán nhưng lại thiếu khả năng ngôn ngữ và ngoại ngữ.

Khối C cũng vậy. Muốn học tốt các ngành khoa học xã hội hiện đại như xã hội học, công tác xã hội, nhân học, tâm lý học, người học phải có khả năng ngoại ngữ. Bởi phải nắm vững ngoại ngữ mới có thể tiếp cận được các tri thức nguyên bản (văn bản gốc chứ không phải dịch) và chỉ khi đó người học mới có thể tiến xa trong học tập và nghiên cứu khoa học xã hội, tiếp cận được với nền học thuật thế giới.

Mặt khác, ngoại ngữ là một yêu cầu tối cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay. Do đó nếu các cử nhân, kỹ sư tương lai không có khả năng ngoại ngữ thì khó có thể nói rằng chúng ta có nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thời hội nhập mà hai khối A và C hiện nay rất khó đáp ứng được yêu cầu này (khối D là khối tốt nhất để đánh giá năng lực toàn diện, phù hợp cho nhiều ngành đào tạo đại học và cho yêu cầu hội nhập).

Do đó, cần sớm có những khảo sát, đánh giá một cách khoa học để đưa ra những khối thi thật sự phù hợp với yêu cầu tuyển dụng và đào tạo, phát huy được năng lực tối đa của người học.

LÊ MINH TIẾN / TTO
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)