Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường nghề. Đây là cơ hội cho các trường nghề đang đào tạo chương trình 9+ cũng như người học góp phần thực hiện thành công đề án phân luồng học sinh sau trung học.
Giờ học lý thuyết của sinh viên Trường CĐ Nghề TP.HCM. Ảnh: Trọng Tri
Việc quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT nhằm giúp học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ TC trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được học và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT, đủ điều kiện theo học trình độ cao hơn của hệ thống GDNN.
Vừa học nghề, vừa học văn hóa
Tốt nghiệp THCS, thay vì vào lớp 10 công lập thì Nguyễn Thanh Hòa (ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nộp hồ sơ vào một trường CĐ để vừa học nghề vừa học văn hóa. Theo Hòa, chọn hướng đi này là để rút ngắn thời gian học, sớm có việc làm phụ giúp gia đình và trên hết là giảm áp lực tài chính. Hiện tại, Hòa đã tốt nghiệp và làm việc cho một công ty cung ứng phần mềm quản lý tài chính với thu nhập 9 triệu đồng/tháng, dự định sẽ học liên thông khi dịch Covid-19 lắng xuống. Tương tự, dù học lực không quá tệ nhưng sau THCS, Nguyễn Văn Phát (ngụ phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức) mạnh dạn đăng ký học chương trình 9+CĐ tại một trường CĐ trên địa bàn. Phú chia sẻ, vừa học văn hóa vừa học nghề không quá nặng nề, áp lực như nhiều người nghĩ. Nhất là thời lượng thực hành chiếm từ 50-70% nên không có cảm giác nhàm chán…
Tại TP.HCM có nhiều trường TC-CĐ đã tuyển sinh chương trình 9+ vừa đào tạo nghề vừa đào tạo văn hóa (4 môn hay 7 môn tùy lựa chọn của người học). Hiệu quả của chương trình này đã được đánh giá cao, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận phụ huynh và người học còn e dè, lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như cơ hội việc làm. Ông Nguyễn Phú Toàn (ngụ phường 12, quận 6, TP.HCM) cho rằng học sinh tốt nghiệp THCS chỉ mới 14-15 tuổi, sau 3-3,5 năm học chương trình 9+ để lấy bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT thì chỉ 17-18 tuổi, tuổi này rất khó xin việc làm. Đó là lý do ông chần chừ, chưa quyết định cho con theo học chương trình này. Trong khi đó, ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Lê Thị Quỳnh Nga (Giám đốc tuyển dụng Công ty TNHH Cơ điện Nam Tiến, quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết ở tuổi 17-18, các em còn nhiều hạn chế trong giao tiếp, tiếp cận công việc, đặc biệt là các vị trí đòi hỏi thể lực. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề trở ngại lớn nếu các em có trình độ tay nghề, có kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. “Thực tế có nhiều em học TC ra trường, chúng tôi nhận vào làm nhưng chỉ dừng lại ở những công việc đơn giản”, bà Nga nói.
Theo thống kê của các trung tâm giới thiệu việc làm, trong tổng số chỗ việc làm mới hàng quý, trình độ TC-CĐ luôn chiếm tỷ lệ cao. Điều này cho thấy hướng đào tạo chương trình 9+ đã mở ra nhiều cơ hội cho người học, đặc biệt là cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu của xu thế.
Cần có quy định gỡ khó cho chương trình 9+
Mặc dù đã được triển khai ở một số trường TC-CĐ trong khoảng 3 năm trở lại đây và bước đầu đạt nhiều kết quả, tuy nhiên chương trình 9+ còn tồn tại nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ. Luật GDNN quy định, các cơ sở GDNN được tổ chức dạy văn hóa tương đương trình độ THPT theo khối lượng kiến thức do Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, thời gian qua việc thực hiện vẫn còn nhiều rối rắm.
Trước khó khăn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo đúng quy định tại khoản 4 điều 28 Luật Giáo dục 2019; khoản 4 điều 3, Luật GDNN năm 2014; Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN, giáo dục ĐH và các tổ chức khác đủ điều kiện có trách nhiệm tham gia thúc đẩy GDTX theo quy định của pháp luật. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam đã kiến nghị về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN.
Theo thống kê của các trung tâm giới thiệu việc làm, trong tổng số chỗ việc làm mới hàng quý, trình độ TC-CĐ luôn chiếm tỷ lệ cao. Điều này cho thấy hướng đào tạo chương trình 9+ đã mở ra nhiều cơ hội cho người học, đặc biệt là cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu của xu thế. |
Sau khi làm việc với các bên, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ có nêu: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua công tác giáo dục, hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS có nhiều thay đổi tích cực, số lượng học sinh học nghề tăng. Bên cạnh đó, trong thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập đòi hỏi Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan phối hợp thật chặt chẽ trên tinh thần đảm bảo lợi ích người học và tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới để các cơ sở giáo dục và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục. Trước mắt, đối với các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình GDTX bậc THPT thì được tiếp tục thực hiện.
Từ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Dự thảo quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường nghề với 2 môn học bắt buộc là toán, ngữ văn và 5 môn học tự chọn gồm vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Dự thảo cũng quy định, thời lượng 2 môn học bắt buộc là 270 tiết/môn và môn tự chọn là 180 tiết/môn. Mỗi ngành nghề của GDNN, học sinh phải học ít nhất 4 môn học, cụ thể là 2 môn học bắt buộc và 2 môn học tự chọn phù hợp với ngành nghề đào tạo được quy định. Đồng thời, việc tổ chức giảng dạy các môn học phải bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định đối với giáo dục THPT; bảo đảm chất lượng giáo dục theo yêu cầu cần đạt của môn học quy định tại thông tư này. Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn theo ngành nghề đào tạo đạt từ 5 điểm trở lên được xác nhận là đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT đối với các môn học được giảng dạy theo ngành nghề đó. Đối với cơ sở giáo dục có tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định các môn học lựa chọn theo quy định; quyết định thời điểm tổ chức giảng dạy và thi kết thúc các môn học phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục; tổ chức và quản lý việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc môn học và cấp giấy chứng nhận theo quy định của thông tư. Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng mô đun (không quá 45 học sinh/ lớp).
T.Hằng – T.Tri
Bình luận (0)