Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sớm khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Theo thông tin từ các ban quản lý dự án (BQLDA), tình trạng thiếu vật liệu xây dựng (VLXD) đang diễn ra ở nhiều dự án trên khắp cả nước. Đặc biệt, đại diện Bộ GTVT, Bộ TN-MT trong buổi tọa đàm trực tuyến ngày 25-3 đã phản ánh rất đáng quan ngại: các dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông có nguy cơ chậm tiến độ, đẩy nhiều nhà thầu vào tình trạng thua lỗ, ảnh hưởng trăm bề.

Dự án đường cao tốc Mai Sơn - QL45 đang cần 6 triệu m3  vật liệu xây dựng
Dự án đường cao tốc Mai Sơn – QL45 đang cần 6 triệu m3 vật liệu xây dựng

Đội giá, lao động nằm chờ
Dự án Mai Sơn – QL45 đang cần hơn 6 triệu m³ đất nhưng các mỏ đã cấp phép trên địa bàn chỉ có công suất 1,9 triệu m³/năm; dự án Cam Lộ – La Sơn cần 1,8 triệu m3 nhưng các mỏ đã cấp phép đang khai thác chỉ cung cấp hơn 400.000 m³; dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết có tổng nhu cầu đất đắp 1,8 triệu m³ nhưng huyện Tuy Phong (Bình Thuận) chỉ có 2 mỏ khai thác đá, gần như không còn đất đắp; dự án Phan Thiết – Dầu Giây còn thiếu 1,8 triệu m³ chưa có nguồn cung cấp… 
Trước đó, nhiều đơn vị tư vấn đều khẳng định, trữ lượng các mỏ vật liệu được quy hoạch tại các địa phương hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ thi công đường cao tốc Bắc – Nam. Vậy tại sao khi các dự án triển khai lại xảy ra tình trạng khan hiếm VLXD? Phải chăng số liệu của các đơn vị tư vấn không chính xác? Trả lời câu hỏi này, ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), cho biết, đất nước ta 3/4 là đồi núi phân bố khắp chiều dài đất nước, không thể thiếu VLXD. Các nhà thầu đi khảo sát thực tế cũng đánh giá nguồn cung ứng hoàn toàn đáp ứng đủ. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn trong thời gian ngắn, tiến độ đắp nền chỉ trong 3-4 tháng nên nguồn cung thiếu. Bản thân chủ mỏ, địa phương, các nhà thầu không lường được việc dự án cần cả triệu mét khối mới đủ cung ứng (tức là khoảng 200.000-300.000m³/ngày). Trong khi đó, quy trình cấp phép mỏ mới ít nhất phải mất 6 tháng tới hơn 1 năm.
Tình trạng khan hiếm dẫn đến VLXD đội giá so với thời điểm khảo sát, nhiều nơi cao gấp 2-3 lần, đẩy nhà thầu vào nguy cơ thua lỗ. Đặc biệt, tình trạng này đang đe dọa tiến độ của các dự án. Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc BQLDA 7, cho biết, dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết theo kế hoạch đến cuối năm 2021 phải hoàn thiện. Với nhu cầu 8 triệu m³ trong thời gian còn lại, mỗi tháng dự án cần 900.000m³, gần như bất khả thi. Đại diện các BQLDA khác cũng nhận định, nếu không có biện pháp tháo gỡ khẩn trương nguồn VLXD, việc chậm tiến độ là không tránh khỏi. Nhiều nhà thầu đang than khổ khi hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm con người sẽ phải nằm chờ vì thiếu VLXD và chưa biết chờ tới khi nào có thể thi công tiếp.
Kiến nghị giảm thủ tục
Ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT), cho rằng, vấn đề mấu chốt là cần đẩy nhanh thủ tục cấp phép mỏ vật liệu. Bộ GTVT đã và đang tiếp tục làm việc với lãnh đạo các tỉnh, đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn tất các thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được, cấp phép khai thác các mỏ đã có trong quy hoạch, nâng công suất các mỏ đang khai thác, gia hạn giấy phép mỏ đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng…
Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá VLXD; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá VLXD. Bộ GTVT còn yêu cầu các BQLDA tiếp tục khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm các mỏ có đủ điều kiện về chất lượng, trữ lượng, thực hiện các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện khai thác. Bên cạnh đó, các BQLDA cần lập phương án điều phối đất để tận dụng vật liệu, nghiên cứu nghiền và phối trộn vật liệu đào để đạt tiêu chuẩn đắp nền… Bộ GTVT cũng thừa nhận sẽ rút kinh nghiệm từ thực tế để yêu cầu khảo sát kỹ hơn về nhu cầu VLXD đối với các dự án tiếp theo. 
Về giải pháp mang tính tổng thể, ông Thái Duy Sâm, Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam, cho rằng, trước mắt nên đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương thực hiện như Quảng Ninh đang thử nghiệm là cấp phép khai thác mỏ trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu để chủ động nguồn VLXD và đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm, không nhất thiết phải cấp phép cho chủ mỏ như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT kiến nghị giảm bớt thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, đối với những công trình trọng điểm cần phải ưu tiên tháo gỡ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải hoàn chỉnh hệ thống định mức liên quan tới công tác khai thác, chế biến và cung ứng VLXD nhằm chấm dứt tình trạng mỗi địa phương có một giá khác nhau đối với cùng một vật liệu trong cùng hoàn cảnh khai thác.
BÍCH QUYÊN (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)