Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sớm tận dụng cơ hội từ việc mở cửa thị trường Nga

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 17.12.2012, vụ Thị trường châu Âu – bộ Công Thương phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức hội thảo “Quan hệ Việt Nam – Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan): triển vọng từ việc Nga gia nhập WTO và đàm phán hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan”.

Hội thảo nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường các nước thành viên Liên minh Hải quan, đặc biệt việc thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Liên bang Nga bắt đầu từ tháng 8.2012.
Theo ông Dương Hoàng Minh, phó vụ trưởng vụ Thị trường châu Âu – bộ Công thương, gia nhập WTO, Nga cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, như: đối với viễn thông, Nga xóa bỏ hạn chế tỷ lệ cổ phần nước ngoài ở mức 49% sau 3 năm gia nhập; doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được mở chi nhánh sau 9 năm.; ngân hàng nước ngoài được thành lập ngân hàng con, không hạn chế tỷ lệ cổ phần nước ngoài tại từng ngân hàng, nhưng tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng không quá 50%; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được tham gia vào bán buôn bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu ngay sau khi Nga gia nhập WTO; doanh nghiệp nước ngoài hoạt động đại diện hay cung cấp dịch vụ du lịch cần có 5 năm kinh nghiệm tại nước xuất xứ.
Ông Minh nhận định, những cam kết dịch vụ của Nga tạo điều kiện tương đối mở cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thì cơ hội tiếp cận khá lớn, chưa kể đến triển vọng thêm những cơ hội từ hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan.
Về hàng hóa xuất nhập khẩu, hiện nay các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang ba nước Liên minh Hải quan là: thủy sản, rau quả, dệt may, giày dép, hạt điều, gạo, hạt tiêu, chè, điện thoại và linh kiện.
Doanh nghiệp cần lưu ý một số cam kết WTO của Nga liên quan những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như sản phẩm chế biến từ cá, thuế suất giảm không đáng kể, từ 15% xuống 12,5 – 12% trong vòng 1 – 3 năm; sữa, kem, bơ giảm từ 25% xuống 20%; thuế cà phê hạt chưa rang hiện nay là 0%, tăng lên 3% vào năm 2013; thuế cà phê hạt đã rang hiện là 10%, nhưng không dưới 0,2 euro/kg, đến năm 2013 thuế là 9,3%, nhưng không dưới 0,19 euro/kg, từ năm 2015 thuế là 8%, nhưng không quá 0,17 euro/kg.
Bên cạnh đó, Nga áp dụng hệ thống ưu đãi thuế quan của Liên minh Hải quan cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, được hưởng mức thuế nhập khẩu bằng 75% mức thuế MFN đối với một số mặt hàng được ưu đãi như thủy sản, gạo, cà phê, chè, rau quả…
Doanh nghiệp tham khảo kỹ các chương thuế này trong cam kết WTO của Nga để khai thác tốt xuất khẩu sang Nga. Tuy nhiên, qui trình kiểm dịch động, thực vật của Nga rất phức tạp, không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ Công thương hy vọng với việc thực hiện các qui định về hiệp định SPS, TBT của WTO, tiêu chuẩn CODEX, VPSS, Nga sẽ rà soát và sửa đổi lại các qui chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho hang thủy sản Việt Nam thâm nhập thị trường Nga tốt hơn.
Hiện nay, Nga, Belarus và Kazakhstan đã thiết lập một Liên minh Hải quan với mong muốn gắn kết chặt chẽ về chính trị và kinh tế giữa ba nước, cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Với việc áp dụng bộ luật Hải quan thống nhất từ ngày 1.7 2011, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Liên minh Hải quan, sau khi nộp thuế nhập khẩu theo biểu thuế thống nhất, đã được tự do lưu chuyển trên toàn lãnh thổ của Liên minh Hải quan. Vào tháng 9.2012, tại hội nghị cấp cao APEC 2012 ở Vladivostok, Liên bang Nga, các nhà lãnh đạo cấp cao đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Hải quan và thống nhất bắt đầu phiên đàm phán vào quý I năm 2013.
Các chuyên gia đàm phán FTA của bộ Công thương đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu một số nội dung về các FTA Việt Nam đã tham gia, nhận định về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khi FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan được hình thành.
Từ đó, doanh nghiệp chủ động đóng góp ý kiến tham vấn với Chính phủ (thông qua vụ Thị trường châu Âu – bộ Công thương) trong tiến trình đàm phán hiệp định FTA trên để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam đối thị trường Nga, Belarus và Kazakhstan.
Các Ngọc (SGTT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)