Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng cần sớm thực hiện bản quyền trên môi trường số để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ cho văn nghệ sĩ
NSND Thoại Miêu cho rằng: "Môi trường số mở ra nhiều cơ hội sáng tạo, lưu giữ và khai thác đối với tác phẩm – sản phẩm nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả đối tượng sáng tạo nội dung và cơ quan quản lý, nhất là việc thực thi về bản quyền tác giả. Điều đáng lo ngại là tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng tăng".
Soạn giả Hoàng Song Việt bức xúc: "Ngay cả những sáng tác của tôi, nhưng ai đó nhanh tay đăng ký, chiếm đoạt bản quyền của tôi là xem như tôi mất trắng".
Tại hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số do Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) phối hợp Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức từ ngày 17 đến 21-6, với sự tham dự của các đại biểu, đại diện đến từ 15 quốc gia trên thế giới và các chuyên gia quốc tế, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh: "Việt Nam đang quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đậm đà bản sắc. Do vậy, cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kịp thời để bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số".
Các nhà chuyên môn cho rằng Việt Nam có lợi thế là đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm từ năm 2022. Điều này đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ các tác phẩm, quyền tác giả một cách minh bạch, hiệu quả, nhất là trên môi trường số.
Một buổi tập tuồng của sân khấu múa rối nước Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam TP HCM – một trong những đơn vị luôn bảo đảm tác quyền đối với tác giả, văn nghệ sĩ. Ảnh: Thanh Hiệp
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030, vấn đề bản quyền có đóng góp lớn vào nền kinh tế trong nước. Vi phạm bản quyền trong thời đại kỹ thuật số chủ yếu thể hiện ở 2 phương thức: Nhà điều hành các trang web bất hợp pháp và người dùng bất hợp pháp.
"Vì sao không thể ngăn chặn những trang mạng ăn cắp chất xám của văn nghệ sĩ. Phải chăng do áp dụng công nghệ số hiện đại nên khó chặn và khó theo dõi các trang web bất hợp pháp? Vậy cần sớm có sự liên kết quốc tế để ngăn chặn hệ lụy này" – PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái kiến nghị.
NSƯT Ca Lê Hồng đề xuất giải pháp mang tính nền tảng nhằm thực thi bản quyền: "Cần sớm có kế hoạch rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan…".
Theo các nhà chuyên môn, điều quan trọng là xác định được các xu hướng xây dựng chính sách, các giải pháp về công nghệ để đối phó với xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
"TP HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, vì vậy cần triển khai nhiều chương trình hợp tác trong hoạt động quản lý và thực thi bản quyền trên môi trường số tại TP HCM" – NSƯT Ca Lê Hồng nói.
Những người trong cuộc cũng bày tỏ lo ngại về sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI), đây sẽ là một thách thức đối với các vấn đề liên quan bản quyền. |
Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Bình luận (0)