Cửa hàng đồ da của Ngô Phương Dung nằm trên một con đường nhỏ, tấp nập người qua lại thuộc khu phố Tây, đường Chu Văn An (TP.Huế). Trong căn phòng nhỏ, mỗi ngày, cô miệt mài chạm khắc, khâu vá, phối màu để tạo hình cho những chiếc thắt lưng, ví, túi xách, đồng hồ độc đáo dòng thuộc da. Sản phẩm không chỉ được khách hàng trong nước đón nhận mà du khách quốc tế liên tục đặt hàng.
Chinh phục đam mê
Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, từ nhỏ Phương Dung đã có niềm đam mê và năng khiếu mỹ thuật. Tốt nghiệp THPT, Dung chọn thi vào Khoa Hội họa, Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Tháng 10-2014, vừa ra trường, trước muôn vàn lựa chọn, Dung chọn ở lại phố, khởi nghiệp bằng cách mở một phòng tranh, bán kèm hàng lưu niệm. “Thời điểm bán tranh, công việc chính của tôi vẫn là trưng bày, tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, không có khách, tôi lên mạng tìm hiểu về nghệ thuật chạm khắc trên da mộc. Khoảng 10 năm trước, nghề da mộc còn rất hiếm tài liệu, tôi lên mạng tìm đọc từng tí một rồi mày mò tìm tòi về kỹ thuật chế tác, chạm khắc trên da. Cùng với đó, tôi tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn quốc tế trên internet để học hỏi, trao đổi thông tin, kiến thức”, Phương Dung chia sẻ.
Miệt mài học và hành trong khoảng thời gian 3 năm liên tục, đến năm 2017, Phương Dung cho ra đời những chiếc ví, giỏ xách chạm khắc bằng da độc bản đầu tiên. Dòng da Dung chọn chế tác là loại da màu sắc tự nhiên được nhập về từ Italia có tên là Veg-tan (Vegetable tanned leather) hay còn gọi là da mộc. Đây là loại chất liệu được chiết xuất từ thực vật, hoàn toàn thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.
Dung nói, việc chạm khắc trên da thoạt nghe qua tưởng nhẹ nhàng nhưng thực tế lại rất tỉ mỉ, hao tổn tâm sức. Người thợ phải thường xuyên đục, cắt, “xăm trổ” nhiều giờ liền trong cùng một tư thế. Thông thường, để chế tác một sản phẩm chạm khắc da mộc phải trải qua ít nhất 5 công đoạn: Lên ý tưởng, chọn da (màu sắc, độ dày mỏng), phác họa hình ảnh, chạm khắc và cuối cùng là khâu xử lý da để bảo quản.
“Trong quá trình làm việc, sẽ không có công đoạn nào quan trọng hơn công đoạn nào. Để tạo ra một sản phẩm có độ đẹp hoàn hảo thì tất cả các bước đều cần được thực hành trong tâm thế chậm rãi, tập trung cao độ. Chỉ khi đủ nâng niu thì thành phẩm mới có hồn vía, đạt độ thẩm mỹ chuẩn xác, sâu sắc. Để làm ra một sản phẩm đơn giản, tôi phải bỏ ra khoảng thời gian từ 2-3 ngày. Với những sản phẩm phức tạp, yêu cầu cao, tôi phải miệt mài, tập trung tầm nửa tháng”.
Mỗi tháng xưởng của Dung bán ra thị trường hàng chục sản phẩm. Khách nước ngoài đến Huế tham quan, nhiều người tìm đến tận xưởng để đặt mua hàng. Có 5 lao động tay nghề cao được Dung đào tạo, chỉ dẫn và thường xuyên có việc làm với nguồn thu nhập ổn định.
Những câu chuyện thời gian
Tiệm đồ da của Phương Dung hiện rất đa dạng mẫu mã, từ túi xách tay, ví gập, ba lô, cặp đeo chéo, thắt lưng, ốp điện thoại… Trước đây, Phương Dung thường lựa chọn mẫu sẵn như các hình chụp về cỏ cây, hoa lá, phong cảnh để khắc vào đồ vật, bày bán tại cửa hàng. Sau này, khi đã có tên tuổi, mỗi tháng cô đều đặn nhận hoàn thành sản phẩm theo đơn đặt hàng. Mỗi bức hình, chân dung mà khách yêu cầu chạm khắc đều mang trong mình một câu chuyện.
Theo Phương Dung, cô không phải là người duy nhất tạo ra sản phẩm. Những nét chạm chỉ là lớp áo khoác bên ngoài, điều tạo nên vẻ đẹp “nội chất” cho mỗi chiếc ví, giỏ xách, thắt lưng chính là những câu chuyện, những dư âm cảm xúc mà khách hàng mang đến, giúp cô “thổi hồn”. Khi nhìn vào một vật phẩm, mọi người có thể không biết gì về người chế tác, sản xuất ra nó nhưng sẽ nhận ra cá tính, câu chuyện của người chủ đang sở hữu nó.
Mỗi tháng xưởng của Ngô Phương Dung bán ra thị trường hàng chục sản phẩm. Khách nước ngoài đến Huế tham quan, nhiều người tìm đến tận xưởng để đặt mua hàng. Có 5 lao động tay nghề cao được Dung đào tạo, chỉ dẫn và thường xuyên có việc làm với nguồn thu nhập ổn định. |
Dung cho biết: “Một sản phẩm da mộc được chạm khắc đẹp phải đảm bảo các tiêu chí hài hòa về màu sắc, tổng thể, những đường nét chi tiết thì phải uyển chuyển, sống động. Muốn làm được điều đó, tôi cần các công cụ để hỗ trợ lên hình, căn hình, chạm khối, vuốt khối thật mềm mại. Đương nhiên, kỹ thuật tạo hình 2D sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với tạo hình 3D. Để tạo chiều sâu, lớp lang câu chuyện cho hình ảnh, ngoài kỹ thuật phủ màu và đánh bóng, tôi thường dành thời gian để vẽ theo phương pháp chồng nhiều lớp hình lên nhau”.
Những người yêu thích đồ da đều là những người hay hoài niệm và có gu thẩm mỹ riêng. Qua năm tháng, lớp vỏ bên ngoài vật phẩm có thể sẽ càng bóng nước hoặc cũng có thể xù xì, sờn xước, nhưng tất cả đều mang dấu vết thời gian. Quá trình biến đổi đó thể hiện sự từng trải, quá trình gắn bó bền bỉ giữa người và đồ vật. Sẽ không bao giờ có hai sản phẩm nào giống hệt nhau, mỗi đường nét được chạm khắc là một sự gợi nhắc về hành trình chất chứa cái tôi cá nhân đầy hoài niệm.
7 năm hành nghề, bây giờ, chạm khắc lên da mộc không đơn thuần là nghề nghiệp giúp cô gái 33 tuổi mưu sinh, kiếm sống mà còn là một đam mê. Bằng tất cả tình yêu thương và sự trân trọng, Dung chờ đợi để được nghe những câu chuyện, những tình huống sau đó cố gắng giúp khách hàng lưu giữ lại những gì đẹp nhất từ thời gian. “Tôi không nhớ hết mình đã chạm khắc những hình ảnh, bức tranh nào cho khách, tuy nhiên những cảm xúc, yêu thương mà mỗi người mang đến thì vẫn còn lẩn khuất đâu đó, không dễ phai mờ. Hình thú cưng, hình người thân, người thương, hay một nơi chốn, địa điểm lưu dấu những kỷ niệm lần đầu tiên rung động của ai đó… đều trở thành những câu chuyện tươi vui hoặc buồn bã dần dần thấm đẫm vào tôi. Khi cảm xúc, sự thương mến dâng trào thì những nét chạm mới càng thăng hoa, tinh tế. Mỗi lần nhìn thấy niềm vui, sự vuốt ve trân trọng của khách hàng dành cho sản phẩm, tôi càng xúc động và yêu quý công việc mình đang làm nhiều hơn”.
Vĩnh Yên – Hoàng Diệu
Bình luận (0)