Y tế - Văn hóaThư giãn

Sông chảy về trời

Tạp Chí Giáo Dục

Sông chảy về trời (ảnh) là tập thơ thuộc thể loại đặc biệt thơ 3 câu của nhà thơ Nguyễn Công Bình – hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam – hiện công tác tại NXB Thanh niên (TP.HCM). Thơ Nguyễn Công Bình có phong cách chiêm nghiệm nhưng vẫn tràn ngập cảnh sắc đất trời. Mạch sáng tạo đó vẫn tiếp tục soi bóng vào Sông chảy về trời. Nhìn thế cuộc bằng con mắt khái quát để có câu thơ: “Hạnh phúc – hạt muối. Khổ đau – biển cả. Muối kết tinh từ biển ngàn đời” (Kết tinh). Nhìn vào chính mình, nhà thơ thấy được bản ngã: “Không là mình. Chẳng thành kẻ khác” (Bản ngã). Nhiều câu thơ triết lý như một châm ngôn sống nhưng vẫn tươi mát vì có hình bóng cỏ cây thiên nhiên trong đó (Oai phong, Báo động, Sập bẫy…). Người lớn tuổi đọc gật gù nhưng tuổi trẻ cũng thấy được mình trong thơ (Lưới tình, Cầu cho em, Hóa thân). Có những câu gắn vào điển tích, điển cố mở ra cho người đọc phát hiện lý thú, mới mẻ và thâm ý (Sông chảy về trời, Nghịch lý, Truyền thuyết). Cũng không vì thế mà khô cằn chất hiện đại, xì-tin (Facebook, Bạn đã hư vô). Đọc hết 80 bài thơ trong Sông chảy về trời, nhiều người thấy phảng phất bóng dáng thơ Haikư (Nhật Bản) nhưng Nguyễn Công Bình – tác giả của các tập thơ trước đó (Người gánh bóng mình, Một người phía chân trời, Chim Lạc trở về) với nhiều giải thưởng về thơ ca – chỉ thừa nhận do cảm xúc chỉ lối mà thôi. Có những câu thơ vừa để hỏi nhưng cũng là khẳng định và ngược lại tạo nên những lối mở suy tư vô định đúng như nhà văn Trần Thanh Bình nhận xét: “Có nhiều bài hay mỗi bài một vẻ. Mỗi một bài ngắn nhưng gói được cả tứ thơ thâm căn cố đế thì mới biết không phải là không dụng công”. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2016.

Ngọc Quang 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)