Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sống cho cách mạng, chết cho khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Ai rồi cũng sẽ trở về với “cát bụi”, nhưng để cái chết ấy thêm phần ý nghĩa thì hãy làm một việc gì đó có ích cho cuộc đời.
Một cặp vợ chồng cựu chiến binh trước đây từng là cán bộ quân y phục vụ cách mạng, nay gần 80 tuổi nhưng đã vận động được 43 người hiến xác cho khoa học. Người làm nên kỳ tích đó chính là bác Lê Văn Thân (ảnh) và vợ là bà Đặng Kim Tuyến.
Cái chết phục vụ cho sự sống
Hằng năm sinh viên Trường Đại học Y dược TP.HCM cùng các bệnh viện, các trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế rất cần người hiến xác để thực tập giải phẫu. Số người hiến xác sẽ rất ít nếu không có những người vận động hiến xác như vợ chồng bác Thân. Tìm đến số nhà H1 KP.14, P.10, Q. Gò Vấp, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi người vận động được 43 người tình nguyện tham gia hiến xác cho khoa học đó là bác Lê Văn Thân. Từ năm 1999 đến nay, danh sách vận động hiến xác của bác có nhiều người dân sống ở Gò Vấp, quận 3, Tân Bình, Bình Thạnh, quận 4, quận 6…
Bác Thân cười thân thiện kể lại quá trình vận động hiến xác. Thật bất ngờ khi người đầu tiên đăng ký hiến xác cho khoa học lại chính là vợ của Bác. “Bà ấy đã giấu tôi đi đăng ký hiến xác, sau đó mới về báo lại cho tôi biết, lúc đầu cũng thấy bất ngờ nhưng rồi tôi cũng bị bà ấy thuyết phục đăng ký theo” – bác Thân tâm sự. Và bác đã làm đơn xin hiến xác tại Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM từ năm 1999.
Đã từng là cán bộ quân y phục vụ cách mạng, hai bác hiểu rằng để có một cái xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học cũng như để sinh viên y khoa thực tập giải phẫu thật không dễ chút nào. Việc hiến xác cho khoa học nhằm mục đích nghiên cứu và tạo ra những kỹ thuật mới trong điều trị y học… Cơ thể con người là một cấu trúc hoàn chỉnh. Các bác sĩ muốn tác động lên nó để chẩn đoán hay điều trị thì người ta phải biết cấu tạo của nó như thế nào. Việc thực tập của sinh viên trong môn giải phẫu y học là cơ sở cho tất cả các môn học trong y khoa, ngay cả môn lâm sàng nhằm chẩn đoán đúng bệnh. Các thi hài sẽ phục vụ cho nghiên cứu về cơ thể con người, những nghiên cứu đó không chỉ mang tính học thuật hay giảng dạy mà còn áp dụng trong bốc thuốc và điều trị bệnh. Một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không đơn giản một chút nào khi nó liên quan đến con người.
Bác Thân cho biết: “Mỗi khi họp tổ dân phố, hội cựu chiến binh hay các đoàn thể tôi vẫn thường đề xuất ý kiến của mình về việc hiến xác cho khoa học và vận động mọi người cùng tham gia. Với tôi chết là hết, thân xác bị chôn vùi đó là một điều phí phạm, trong khi đó nếu hiến xác sẽ giúp ích rất nhiều cho khoa học nói chung và ngành y nói riêng”…
Một cái xác – một kiếp người
“Để ý nguyện hiến xác ở nước ta mang tính xã hội cần phải tuyên truyền và giáo dục mọi người hiểu về hiến xác cho khoa học một cách nghiêm túc. Cần có những hành động cụ thể để tri ân những nghĩa cử đẹp ấy”. Bác Thân nói.
“Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước nhìn những đồng đội ngã xuống mà không có nơi chôn cất đàng hoàng tôi cảm thấy day dứt lắm. Họ đã cống hiến cả tuổi xuân cho cách mạng cho đất nước, và đến lúc nằm xuống trên mảnh đất quê hương mà không ai biết được nhân thân, quê quán… Những ngôi mộ liệt sĩ vô danh ấy chính là động lực cho tôi “đi đến cùng” công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này” bác thổ lộ.
Lúc đầu những việc làm của hai bác bị mọi người đặc biệt là người thân phản đối. Nhưng khi những hành động cao thượng của vợ chồng bác được đăng lên mặt báo mọi người mới thấu hiểu. Từ đó họ kính phục và có rất nhiều người gọi điện nhờ bác đăng ký tham gia tình nguyện hiến xác. Dù xa đến đâu hay chỉ cần nghe tin có người tự nguyện hiến xác cho khoa học bác đều tìm gặp hướng dẫn cho họ làm thủ tục.
P.Ninh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)