Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Sống cho niềm đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Tuy bố mẹ là những người gặt hái được rất nhiều thành công trong ngành tư pháp, nhưng anh lại không theo nghề “cha truyền con nối” mà đã chọn cho mình một lối đi riêng.

Anh là Trần Huỳnh Thanh Quốc, vận động viên (VĐV) Pencak Silat TP.HCM, một trong những “người hùng” giúp Việt Nam giữ vững ngôi vị vô địch môn thể thao này suốt nhiều năm liền trên đấu trường quốc tế.
Bước ngoặt

VĐV Trần Huỳnh Thanh Quốc tại Giải vô địch Pencak Silat thế giới 2010. Ảnh: T.L
Đam mê thể thao từ nhỏ, lên cấp 2, Thanh Quốc tham gia vào đội tuyển bóng ném của trường. Nhờ chăm chỉ tập luyện nên thể lực cũng như kinh nghiệm thi đấu được “vun đắp” ngày một dày thêm. Lúc đầu, mục đích anh “làm bạn” với thể thao cũng chỉ vì muốn giải tỏa những căng thẳng trong việc học.
Năm học lớp 11, cơ hội đã tìm đến anh. Nhận thấy cậu học trò Trường THPT Hùng Vương (Q.5-TP.HCM) có thể lực nổi trội cùng niềm đam mê thể thao, thầy Kim Anh, Trưởng bộ môn võ Q.5, “rủ rê” Thanh Quốc vào đội tuyển tập luyện để tham gia thi đấu Giải vô địch Pencak Silat TP.HCM lần thứ nhất (2003). Tham gia giải lần này, do còn khá bỡ ngỡ khi “chuyển môn”, Thanh Quốc chỉ mang về tấm HCĐ. Từ đó, anh đầu quân cho đội tuyển Pencak Silat TP.HCM để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng tiếp theo. Có thể nói lúc bấy giờ, số người biết đến môn võ có nguồn gốc từ Indonesia này không nhiều. Đời sống, chế độ cũng như điều kiện tập luyện của VĐV, HLV đội tuyển TP.HCM gặp lắm khó khăn do chưa được đầu tư đúng mức. Nhưng không phải vì thế mà cả thầy lẫn trò nản chí, thay vào đó họ hăng say tập luyện để khẳng định vị thế của mình.
Mùa hè năm 2004, Thanh Quốc khăn gói xuống An Giang tham gia Giải Pencak Silat trẻ toàn quốc. Những nỗ lực hết mình của cậu thanh niên có nước da ngăm đen đã được đền đáp xứng đáng bằng tấm HCV sáng lóa. Với anh, sự kiện này là một dấu ấn khó quên, vì: “Đây là HCV đầu tiên của Quốc ở đấu trường quốc gia cũng là huy chương cao nhất của Pencak Silat TP.HCM lúc bấy giờ”, VĐV Thanh Quốc nhớ lại.
Thế nhưng, niềm vui không trọn vẹn khi anh bị đặt vào tình thế: chọn một trong hai. Tương lai, sự nghiệp hay niềm đam mê? Những thứ này khiến cậu học sinh cuối cấp trăn trở rất nhiều. Anh buồn khi nghe cô giáo chủ nhiệm trách: “Nếu theo Pencak Silat, em nên chuyển qua trường năng khiếu thể thao. Còn không, phải ngừng tập luyện ngay bây giờ để chăm lo học hành. Năm nay thi tốt nghiệp mà học hành như vậy, cô thấy lo cho em”. Đem những câu nói này về tâm sự với gia đình, anh nhận được lời dè chừng của bố mẹ: “Đương nhiên cả nhà muốn con học hành đàng hoàng bởi theo thể thao phiêu lưu lắm! Từ đó đến giờ bố mẹ ít thấy ai ở Việt Nam làm giàu nhờ thể thao”.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, “máu” thể thao hướng anh rẽ sang một con đường mới. Năm lớp 12, Thanh Quốc quyết định chuyển sang học tại Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT TP.HCM với mong ước có thật nhiều thời gian tập luyện để theo đến cùng sự nghiệp mang tên Pencak Silat.
Những chân trời mới
Chuyển từ một trường THPT công lập sang một trường bổ túc, ban đầu, Thanh Quốc hơi buồn. Nhưng dần dần, niềm đam mê thể thao đã lấp đầy khoảng trống đó. Từ sáng đến chiều, anh dành phần lớn thời gian để luyện võ tại Trung tâm Võ thuật TP.HCM và Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng. Tối đến lại cọc cạch cùng “con ngựa sắt” đến trường học văn hóa. Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Thanh Quốc cùng đồng đội ra Thanh Hóa tham gia Giải vô địch Pencak Silat toàn quốc. HCB trong mùa thi đấu này mang về cho anh danh hiệu Kiện tướng Pencak Silat quốc gia. Và anh thật vinh dự khi là kiện tướng đầu tiên của Pencak Silat TP.HCM. “Hình như mình có duyên với hai chữ đầu tiên thì phải”, VĐV Thanh Quốc nói vui.
Cũng trong năm 2004, Thanh Quốc được gọi vào đội tuyển quốc gia. Chuỗi ngày sống xa nhà của anh khởi nguồn từ đó. Ngày anh đi, bố mẹ buồn lắm! Có độc nhất thằng con trai, giờ nó xa nhà thử hỏi cha mẹ nào không thấy cô đơn. Nhưng bố mẹ anh tôn trọng và ủng hộ quyết định của con.
Năm 2005, anh được tuyển thẳng vào Trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM theo diện kiện tướng quốc gia. Tại đây, anh gặp hai người thầy có tác động lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu của mình. “Đó là thầy Giáp Trung Thang, HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat TP.HCM và thầy Nguyễn Văn Bắc, trước kia là HLV sau này trở thành giáo viên chủ nhiệm tại trường ĐH của mình. Các thầy luôn tạo điều kiện, quan tâm chu đáo cũng như hướng dẫn tập luyện rất kỹ”, VĐV Thanh Quốc chia sẻ.
“Trong những lần đi thi đấu nước ngoài, đội tuyển Việt Nam gặp khá nhiều trở ngại. Nhưng rồi, bằng ý chí và tinh thần đoàn kết, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của các quốc gia trên thế giới”, VĐV Thanh Quốc tự hào nói.
Như “cá gặp nước”, anh say mê tập luyện, thi đấu và gặt hái được nhiều thành công trên “thảm võ” khu vực và quốc tế. HCB tại Đại hội TDTT sinh viên Đông Nam Á (tổ chức ở Việt Nam năm 2006) là huy chương quốc tế đầu tiên của Thanh Quốc trên đấu trường khu vực. Theo đà chiến thắng, anh tiếp tục giành nhiều huy chương khác tại các giải đấu Pencak Silat quan trọng. Năm 2010 của Thanh Quốc được ghi nhớ bằng một sự kiện vô cùng ý nghĩa: HCV cho nội dung đối kháng tại Giải vô địch Pencak Silat thế giới được tổ chức tại Indonesia – cái nôi của Pencak Silat. Và gần đây nhất, tại Giải vô địch Pencak Silat châu Á (Singapore), anh góp thêm một HCB giúp Việt Nam giữ vững vị trí vô địch của mình.
…và những khoảng lặng
Thường xuyên sống xa nhà, chấn thương trong khi luyện tập và thi đấu, mệt mỏi vì không đạt được những mục tiêu đề ra… là những điều mà bất kỳ VĐV chuyên nghiệp nào cũng phải “nếm”. Và Thanh Quốc cũng không ngoại lệ. “Những vết bầm trên da không đáng sợ bằng gãy xương. Gần 10 năm thi đấu, mình đã năm lần gãy tay và một lần rạn xương chân. Những lúc như vậy phải nghỉ tập ít nhất 3-6 tháng để chữa trị. May mà có gia đình, các thầy và bạn bè động viên, giúp đỡ, chăm sóc, chứ không phong độ sa sút ngay”.
Thấy con trai chấn thương hoài, mẹ Thanh Quốc xót: “Thôi đừng thi đấu nữa. Học xong rồi đi dạy, đi làm”. “Nhưng mình lỡ thích rồi, biết làm sao bây giờ? Không được thi đấu, mình thấy chân tay dư thừa lắm!”, VĐV Thanh Quốc kiên quyết.
Lần nào ra nước ngoài thi đấu, Thanh Quốc cũng nhớ nhà đến quay quắt. Nhưng bù lại, anh đón nhận sự quan tâm của bố mẹ “trên từng cây số”. Những dòng email, những cú điện thoại từ Việt Nam như tiếp thêm nghị lực để Thanh Quốc hoàn thành tốt “sứ mệnh” của mình. Và anh đã trở thành niềm tự hào của bố mẹ. “Mỗi lần mình đi thi đấu ở nước ngoài, bố mẹ luôn gửi mail hỏi thăm, động viên. Còn mình thì “tích cực” mua card điện thoại gọi về thông báo thành tích để gia đình yên lòng. Những lúc như vậy, mình thấy bố mẹ như đang kề bên”, VĐV Thanh Quốc trải lòng.
Nghe hỏi về dự định trong tương lai, Thanh Quốc chia sẻ: “Sau này, mình muốn làm việc gì cũng liên quan đến thể thao. Xa thì nhớ lắm!”. Điều khiến anh tiếc nuối nhất trong sự nghiệp thi đấu của mình là giờ đây anh không thể tham gia thi đấu tại SEA Games vì một lý do: “SEA Games thường chỉ đánh tới hạng cân 80kg, còn cân nặng của mình bây giờ lại dao động từ 85-95kg. Vậy coi như bị loại “từ vòng giữ xe”. VĐV nào cũng muốn tham dự và giành thành tích tại SEA Games, mình không được tất nhiên rất tiếc. Nhưng điều này không phải là tất cả vì với mình, đấu trường dù là trong nước hay trong khu vực, trên thế giới đều quan trọng như nhau. Đã đi thi đấu thì phải cố gắng hết sức để mang về thành tích cho đội”, VĐV Thanh Quốc bộc bạch.
Mỹ Dung

Bình luận (0)