Việc lựa chọn nơi ở sau đám cưới thực sự không phải là chuyện dễ dàng đối với nhiều đôi trẻ ngày nay.
Ảnh: Shutterstoc
|
Sống chung 1 – 2 năm đầu
Nếu như trước đây, các cặp vợ chồng trẻ “né” chuyện phải sống chung với đại gia đình, hay các cô vợ trẻ “né” chuyện làm dâu, thì xu hướng bây giờ nhiều bạn trẻ xác định sẽ sống chung, nhưng chỉ trong vài năm đầu.
Trường hợp của chị Hoài Phương (30 tuổi, ở Đà Nẵng) cũng khiến cả nhà chồng tương tai bất ngờ khi quyết định “xin” được về ở chung 1 – 2 năm cho vui, trong khi anh chị đều có điều kiện ra riêng. “Bố mẹ chồng, rồi cả em chồng đều có công việc riêng cũng ít khi ở nhà. Sáng ra, cả nhà đi hết, chiều về mới gặp nhau, lại quây quần bày cái nọ cái kia ra nấu rồi cùng thưởng thức, rất vui”, chị Phương nói.
Đa số những cặp vợ chồng trẻ cho biết, công việc và các mối quan hệ xã hội chiếm rất nhiều thời gian của họ. Ngoại trừ những ngày cuối tuần, thì cả tuần về đến nhà là chỉ có về phòng riêng nên tuy chung nhưng ít “đụng”.
Với nhiều cặp đôi, đây còn là cơ hội để họ có thời gian chuẩn bị cho tổ ấm tương lai. Chị Nguyễn Thị Huệ (29 tuổi, ở TP.Huế) cho biết: “Sau khi cưới, vợ chồng tôi quyết định sống cùng gia đình chồng một thời gian rồi mới ra riêng. Chứ vợ chồng mới cưới đi thuê nhà, rồi nhiều chi phí khác cũng vất vả. Với lại nếu ở chung thì ông bà cũng có thể chăm cháu giúp để mình còn đi làm”.
Lấy hòa khí làm trọng
Từ nhiều diễn đàn trên các trang mạng xã hội cho thấy, băn khoăn giữa việc sống chung hay riêng sau khi kết hôn thực sự làm đau đầu các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ. Tại diễn đàn webtretho, ngay khi nickname Kittygirl1308 “đăng đàn” xin ý kiến về vấn đề này, đã nhận được hàng trăm lượt chia sẻ và tư vấn. Đa số vẫn khuyên ở riêng để tự do, khỏi va chạm, nhưng nếu quyết định sống chung thì cả hai phải thật bản lĩnh, nên tự chủ tài chính, có ý thức tự giác, biết chia sẻ công việc… và nhất là phải biết giữ gìn hòa khí.
Với anh Lê Văn Thắng (32 tuổi, ở TP.Huế), điều khiến các ông chồng thấy mệt mỏi nhất là khi phải đứng giữa hai bên, bên là gia đình, bên là vợ con. Lúc đó, “lên tiếng” cũng không được mà im lặng cũng không xong. “Bao nhiêu lần xảy ra mâu thuẫn, vợ tôi đòi ra thuê nhà riêng nhưng vì nhiều lý do nên lại thôi. Phải tổ chức bao nhiêu cuộc “đối thoại”, không khí gia đình mới “dễ thở” hơn. Theo tôi, tuyệt đối không nên vì ai mà “đối đầu”, chỉ có lấy hòa khí làm trọng mới ở chung với nhau được”, anh Thắng chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm sống chung với nhiều thế hệ trong một nhà, ông Trần Thanh (68 tuổi, ở TP.Đà Nẵng) đúc kết: “Cứ du di một tí với nhau cho dễ thở. Bọn trẻ cũng phải chịu bao nhiêu áp lực trong cuộc sống, công việc”. Với phương châm sống đó của ông, mỗi thành viên trong gia đình đều biết mình phải làm gì để luôn được sống trong bầu không khí dễ chịu. Ví như trưa ăn cơm xong, ông nói khẽ với con dâu: “Con để chén bát đó, ngả lưng tí rồi đi làm. Mẹ ở nhà cả buổi chiều không có việc gì làm cũng buồn tay”, nhưng đủ để cho vợ ông nghe. Thấy bố chồng nói như vậy mà cô con dâu vẫn ráng loay hoay với đống chén bát, mẹ chồng cũng ra phụ với cô cho nhanh. Ông không khuyến khích chị dâu, em chồng chia việc nhà ra làm, mà động viên các con, nếu có thời gian thì cùng làm với nhau, để cùng trò chuyện thân tình. Chính những ngày sống chung, họ được rèn giũa, trải qua những bài học kinh nghiệm để có thể ứng xử với đời, với người.
Theo An Dy – Tuyết Khoa/ TNO
Bình luận (0)