Bước chân vào nhà sách, chọn bộ sách giáo khoa lớp 12 cho con gái, mua thêm vài quyển sách tham khảo, chiếc hộp bút, thước kẻ và vài quyển vở, anh Bằng, nhà ở quận 5 giật mình khi đi vèo mất gần 500.000 đồng. Anh than đó là chưa tính đến đồng phục đi học… Trường của con gái anh qui định mặc áo dài ngày thứ hai, ngày thường mặc quần tây, áo sơmi và đồng phục thể dục… tổng cộng cũng hết cả triệu đồng. Gom lại mua sắm một lần thì xót tiền, hai vợ chồng anh phải trích dần hàng tháng để mua các món cho con gái.
Xem ra, cơn “bão” lạm phát kéo theo giá cả tăng nhanh đang là vấn đề nóng bỏng của phụ huynh, học sinh trong những ngày cuối hè.
Lao đao để con có cái chữ
Nhà có hai đứa con trai, đứa lớn học năm thứ nhất đại học, đứa nhỏ năm nay mới vào lớp 12, cô T.Thoa, hiệu phó một trường mầm non Q.11 phải nhận dạy thêm hè, làm thêm nghề tay trái vào buổi tối để có đủ tiền chi tiêu đầu năm học cho hai con. Nhà có 4 người, chỉ có mình cô Thoa là người làm ra tiền. Ghi sẵn ra mọi khoản phải chi, cô Thoa… chóng mặt khi thấy sơ sơ số tiền phải chi cho hai cậu con trai để mua sắm sách giáo khoa, áo quần, giày dép, xe đạp điện… ngót nghét lên con số 5 triệu đồng. Cô cho biết: “Đâu phải chỉ chuyện mua sắm đầu năm, cậu con trai nhỏ phải đi luyện thi ba môn chính, tôi phải thuê người chở đi, chở về tốn thêm một khoản nữa… Tôi đang lo không biết làm sao để có thể đủ chi tiêu cho cả gia đình trong thời buổi khó khăn này”.
Gia đình anh N.V. Sỹ, nhà ở Lạc Long Quân, Q.11 có 3 con đang học lớp 10, lớp 7 và lớp 1. Vốn lao động thủ công bằng nghề làm lồng đèn vào các mùa Trung thu, Noel nên các khoản mua sắm đầu năm khiến anh chị muốn hụt hơi, phải chạy vạy vay mượn nơi này, nơi kia. Anh Sỹ kể: “Mọi năm, để lo học phí cho 3 đứa con, tôi đã phải vay mượn tùm lum, năm nay học phí nghe nói sẽ tăng, xe đạp định mua cho con bé vào lớp 10 cũng tăng giá… Thấy cha mẹ vất vả, đứa lớn đang đòi nghỉ học…”.
Tất cả các mặt hàng đồng loạt tăng giá thật sự là một thách thức lớn đối với những gia đình có mức sống trung bình. Anh Hồng Minh, nhà ở Q.10 làm công nhân kĩ thuật của một công ty ổn áp, than: “Lương hai vợ chồng chỉ hơn 5 triệu đồng, chỉ có một đứa con năm nay vào lớp 8 mà cũng lo muốn hụt hơi, chứ nói gì đến gia đình có 2-3 con đang tuổi đi học”.
Bước ra đường, mua gì cũng… xót
Dạo một vòng các quán ăn, từ cao cấp đến bình dân đều thấy biển giá có nhích lên từ vài ngàn đến vài chục ngàn. Nhiều bạn sinh viên khu trọ gần Trường Đại học Sư phạm than để no được cái bụng, các bạn hổng dám nhét túi dưới 20.000 đồng để ăn một bữa cơm bình dân. Vào siêu thị những ngày trung tuần tháng 7, nhìn hình ảnh các vị phụ huynh rút túi từng đồng xu để mua sắm cho con cái họ mới thấy… xót ruột lây. Tất cả các sản phẩm phục vụ cho đời sống học trò như một chiếc bút bi, bút chì, thước kẻ, hộp viết, áo quần… đều đồng loạt tăng giá. Mọi thứ đang là gánh nặng đè lên vai tầng lớp bình dân, vốn chiếm đa số trong xã hội chứ chưa kể đến người nghèo. Chị H., bán hàng rong gần nhà sách Nguyễn Văn Cừ cho biết trung bình một ngày chị kiếm được khoảng 30-50.000 đồng tiền lời. Năm trước, cũng đi bán thế này, hàng tháng, trừ đi các khoản ăn uống, trả tiền nhà còn dư được 500-600.000 đồng gửi về cho chồng, con ở quê. Bây giờ, tiền mua hàng quà đều tăng lên mỗi thứ vài ba ngàn đồng, số tiền gửi về nhà chỉ còn được một nửa… “Tui nghe người ta nói là vật giá leo thang vì lạm phát tăng. Đi đâu cũng nghe hai chữ tăng giá: áo quần, bánh trái, xăng… Cuộc sống sao khó khăn quá, ở lại thì khó sống, khó dành dụm, về nhà thì lại càng không biết làm gì để có ăn” – chị H. than.
Lạm phát đi qua nửa đoạn đường của năm 2008 và như dự báo của các nhà kinh tế học thế giới và Việt Nam, sẽ không mấy… “thuyên giảm” vào những tháng cuối cùng của năm này. Trong khi đó, bảng lương không tăng nhiều ở hầu hết các doanh nghiệp dù đồng tiền đang mất giá, giá cả tất cả các sản phẩm cũng đang bị đẩy lên cao một cách chóng mặt. Bão giá cũng như… bão của đất trời, cuốn phăng đi mọi nếp sống bình thường của mọi gia đình. Để cầm cự “sống sót” trong thời buổi khó khăn này thật sự không dễ dàng chút nào, cũng vì thế mà con đường đến trường của nhiều bạn học trò mùa này đang trở nên cam go hơn.
TRƯƠNG THIÊN HƯƠNG
Sống tiết kiệm mùa “bão giá” Tôi nghĩ, để tiết kiệm xăng xe, người dân mình có thể tắt máy, dẫn bộ khi bị “nằm lại” trong các đoạn kẹt xe. Khi có nhu cầu di chuyển, đi chơi nhóm, các bạn có thể đi chung xe thay vì mỗi người chạy một chiếc. Khi cần giải quyết công việc, cách đi làm sớm, đi học sớm và đạp xe đạp để tập thể thao sẽ thú vị hơn việc chạy xe gắn máy vào giờ cao điểm và bị kẹt xe phải không bạn? Nguyễn Văn Sang(An Lạc – Bình Chánh) Khi mua sắm cho con cái, tôi thường khuyên các con suy nghĩ xem thứ gì còn tận dụng được thì chưa nên mua đồ mới. Sách tham khảo thường là sách mượn lại từ các anh chị em họ; phương tiện đi học của các cháu hầu hết là xe bus và xe đạp… Tôi nghĩ, khi phụ huynh biết tiết kiệm, nhắc nhở con em mình tiết kiệm từ bé thì bạn vẫn có thể sống yên ổn trong thời buổi giá cả leo thang này. Bùi Thị Tuất (Q.2) |
Bình luận (0)