Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sống chung với ô nhiễm

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi xử lý hơn 1.400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường phát hiện từ năm 2002, hiện nay toàn TP phát sinh thêm nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Sống chung với ô nhiễm
Cứ ba ngày, một hộ dân ở khu phố 4, P.Đông Hưng Thuận (Q.12, TP.HCM) lại gom được một túi nilông bụi từ các cơ sở dệt, nhuộm gần nhà thải ra bám lên sân thượng – Ảnh: Tiến Long

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) TP.HCM, toàn TP hiện có khoảng 460 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gần 40 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các ngành nghề gây ô nhiễm tập trung như tẩy, nhuộm, hồ, in, dệt, giấy, chế biến thực phẩm, tái chế, mua bán chất phế thải…

Sống chung với khói bụi, mùi hôi thối

Tại Q.Bình Tân (TP.HCM) có rất nhiều cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, người dân nhiều năm liền sống trong tiếng ồn, mùi hôi, bụi khói bẩn.

Trưa một ngày giữa tháng 5, tại hẻm 254 đường Gò Xoài (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân), tiếng máy móc từ các cơ sở sản xuất đồ dùng inox, xay hạt nhựa, dệt, nhuộm vải dội ra đường ầm ầm.

Xe tải, xe ba gác chở vật liệu ra vào không ngớt. Con hẻm 254 chỉ khoảng 100m nhưng có đến 10 cơ sở sản xuất. Lúc chúng tôi đến, một cơ sở nhuộm đổ đống vải phế liệu ngay lòng hẻm khiến xe cộ qua lại ách tắc. Một cơ sở nhuộm vải khác xả khói vàng, mùi hôi nồng nặc…

Ông V.B., một người dân ở đây, cho biết cư dân trong hẻm đã chịu đựng tiếng ồn, mùi hôi thuốc nhuộm ròng rã hơn chục năm nay. Hằng ngày, các cơ sở hoạt động từ 18g cho tới sáng hôm sau. Cao điểm xả khói vào 2-3g sáng, khói cuồn cuộn tràn vào nhà dân.

Tại một con hẻm trên đường Phạm Văn Giảng (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân), cơ sở phế liệu của H.H.G. hằng ngày tạo tiếng ồn khiến người dân xung quanh bức xúc.

Phía sau cơ sở là hẻm 277, khu phố 5 (P.Bình Hưng Hòa) có khoảng 15 gia đình trực tiếp hứng chịu tiếng ồn. Bà N.T.H., người dân sống ở đây, cho biết khoảng bốn năm nay, ngày nào cơ sở này cũng làm từ 5g sáng đến 22g đêm.

Lúc hàng nhiều còn làm thâu đêm. Có hôm cơ sở còn đốt vỏ bánh xe, khói đen kịt. Khi dân phản ảnh, UBND phường có mời chủ cơ sở lên cam kết không làm ồn. Tuy nhiên được hai tuần lại tái diễn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Xuân Thông, phó chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A, cho biết hiện nay phường có khoảng 500 cơ sở sản xuất ve chai; tái chế nhựa, phế liệu; sấy, ủi, in vải… xen cài trong khu dân cư.

Trong đó có 34 cơ sở có khả năng gây ô nhiễm, phường đã lên kế hoạch kiểm tra trong năm nay. Riêng vấn đề xử phạt, từ đầu năm 2015 đến nay, phường đã chuyển hồ sơ lên quận xử phạt 40 trường hợp vi phạm, thu về 170 triệu đồng, di dời 33 cơ sở ra khỏi khu dân cư.

Ngoài ra còn xử phạt 24 cơ sở gây ô nhiễm do người dân báo lên. Theo ông Thông, việc di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư gặp nhiều khó khăn.

Các khu công nghiệp thường từ chối các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm. Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất có trước khi hình thành khu dân cư, giờ rất khó buộc họ di dời.

15 năm chưa di dời được

Tại hẻm 13 Nguyễn Văn Quá, khu phố 4 (P.Đông Hưng Thuận, Q.12), hơn mười cơ sở nhuộm vải chạy máy sản xuất rầm rộ. Trời nắng nóng nhưng nhà dân phải đóng cửa kín mít.

Mọi lỗ thông gió đều dùng kính, giấy báo bịt kín. Bà N.T.L.Th., một người dân ở đây, kể tình trạng khói bụi ô nhiễm đã kéo dài 15 năm nay. Lúc trước cơ sở đốt bằng củi ít mùi hôi, giờ chuyển sang đốt bằng vỏ xe, mùi khét nồng nặc, nhà dân đầy bụi khói bám đen.

“Nhiều nhà không chịu nổi, phải bán nhà dời đi chỗ khác” – bà Th. cho hay. Trên sân thượng nhà bà N.T.B., khu phố 4 (P.Đông Hưng Thuận), bụi bẩn bám đen.

Bà B. đưa ra bịch nilông đựng đầy bụi đen mà bà quét gom trong ba ngày. Những hạt bụi đen to hơn hạt gạo. Bà B. cho biết có hôm khói xả ra dày đen như sương mù. Trẻ em sau giờ học bị nhốt trong nhà không dám cho ra đường chơi. Ăn cơm cũng mang khẩu trang.

“Dân khiếu nại hơn mười năm nay mà đến giờ chưa thấy di dời” – bà B. lắc đầu nói.

Cụm các cơ sở, công ty sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tại P.Đông Hưng Thuận được cấp phép kinh doanh từ năm 1997-2002. Trong giai đoạn này, TP có chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành và hình thành các cụm công nghiệp xen cài trong khu dân cư.

Khu phố 4, 5 của P.Đông Hưng Thuận được quy hoạch là một điểm cụm công nghiệp, lại thuận tiện đường vào trung tâm nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn và được chính quyền chấp thuận.

Vài năm sau, người dân bức xúc vì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nơi đây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với mùi hôi, khói, bụi, nước thải. Lúc đó chính quyền quận, TP… vào cuộc, khảo sát và quyết định phải ngưng loại hình cụm công nghiệp xen cài trong khu dân cư.

Sau đó UBND TP ban hành quyết định 200 (năm 2002) về các ngành nghề không cấp mới, điều chỉnh giấy phép kinh doanh trong khu dân cư tập trung.

Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã tìm nhiều phương án để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của khu vực này khỏi khu dân cư nhưng đều bị các khu công nghiệp “chê”.

Đến tháng 3-2015, UBND TP mới tìm được điểm đến cho các cơ sở ô nhiễm này là Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Tuy nhiên, khu công nghiệp này đang trong quá trình xây dựng nên các cơ sở ô nhiễm vẫn còn làm khổ người dân.

Ông Đặng Hải Bình, phó Phòng TNMT Q.12, cho biết thời điểm năm 2012, tại khu phố 4 và 5, P.Đông Hưng Thuận có 42 cơ sở hoạt động chủ yếu các ngành nghề dệt, nhuộm, đến nay một nửa số cơ sở đã tự di dời.

Kiên quyết với ô nhiễm

Theo Sở TNMT, qua hồ sơ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng cung cấp, Sở TNMT đã lập danh mục 81 cơ sở gây ô nhiễm, trong đó có 39 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Theo kế hoạch của UBND TP xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong năm 2016-2017, các cơ quan chức năng sẽ bắt đầu xử lý, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường dựa trên các danh mục đã rà soát.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt, yêu cầu cải tạo các công trình xử lý ô nhiễm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp tái phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm từ 3-12 tháng và yêu cầu phải khắc phục hậu quả.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngoài việc xử phạt còn bị buộc phải cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn.

Những cơ sở ô nhiễm thuộc các ngành nhuộm, xeo giấy, sản xuất kinh doanh hóa chất, in, tráng bao bì kim loại, những cơ sở ô nhiễm gần khu dân cư, trường học, bệnh viện thì bị buộc di dời để tìm vị trí phù hợp.

Cấm hoạt động đối với những đơn vị đã bị xử phạt đình chỉ hoạt động, sau khi hoạt động lại tái phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Theo kế hoạch, 21 cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 4 và 5, P.Đông Hưng Thuận (Q.12) sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2016.

Trong đó, 2 cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề phù hợp quy hoạch của địa phương, 3 cơ sở tự tìm địa điểm và di dời, 16 cơ sở sẽ di dời vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.

Sau ngày 31-12-2016, nếu các cơ sở không thực hiện ngưng hoạt động hoặc không chấp hành di dời theo kế hoạch sẽ không được hỗ trợ, hưởng chính sách ưu đãi theo chương trình, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định pháp luật.

 

DƯƠNG NGỌC HÀ – TIẾN LONG (TTO)

Bình luận (0)