Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sống có trách nhiệm định hình từ những việc nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục TP.HCM ngày 10-2 đăng bài viết Dạy trẻ sống có trách nhiệm, ngay sau đó có nhiều ý kiến phản hồi về vấn đề này. Vì vậy, tòa soạn mở diễn đàn “Dạy trẻ sống có trách nhiệm” để quý bạn đọc cùng tham gia. Mọi ý kiến xin gửi về email: tantruc_tg@yahoo.com.

Giáo dục học sinh về biển đảo quê hương cũng là cách giáo dục các em có ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Ảnh: N.Trinh

Cô Trương Thị Hồng Vân (Hiệu trưởng Trường TH Sông Lô, Q.Phú Nhuận, TP.HCM): Dạy trẻ sống có trách nhiệm là cả một quá trình

Ở mỗi độ tuổi, trẻ phải học sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, nhà trường và xã hội thông qua những việc làm, bài học khác nhau. Trách nhiệm thể hiện từ những hành động diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Cụ thể, đối với bản thân phải có trách nhiệm với việc làm của mình, luôn có sự cẩn thận, biết nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Trong gia đình phải biết quan tâm, phụ giúp công việc với người thân, sống gọn gàng, ngăn nắp. Đến trường phải biết lắng nghe giáo viên giảng bài, trả lời các câu hỏi, hoàn thành bài tập, tham gia hoạt động nhóm, tương tác với bạn bè. Khi có hoạt động phong trào, cần tích cực tham gia, phần để rèn kỹ năng, phần vì tập thể nhóm, lớp. Hoặc chấp hành các nội quy về đồng phục, vệ sinh, quy tắc ứng xử. Ra ngoài xã hội, nên giúp đỡ người gặp khó khăn, bảo vệ môi trường, tài sản công… Và trong bất cứ môi trường nào phải ngay thẳng, thật thà.

Hầu hết trẻ em hiện nay đều biết sống có trách nhiệm. Tuy nhiên vẫn còn một số trẻ sống còn thiếu trách nhiệm. Đơn cử trước sự thách đố của bạn bè, một số em sẵn sàng châm lửa đốt trường học, phá hoại tài sản công. Hoặc bạo lực học đường gây tổn thương người xung quanh chỉ vì không vừa lòng nhau. Nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi này là do một phần thiếu sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của người lớn khiến trẻ yếu kỹ năng sống, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến người xung quanh lẫn hậu quả.

Việc dạy trẻ sống có trách nhiệm là cả một quá trình của gia đình, nhà trường, xã hội, thông qua các bài học đạo đức, giáo dục công dân cũng như những việc làm nhỏ, gần gũi trong đời sống hàng ngày của trẻ do người lớn đưa ra, hướng dẫn, giảng giải một cách cụ thể. Ví dụ, dạy trẻ phải biết kính trên nhường dưới, có tinh thần tự giác học tập, giúp đỡ người tàn tật, không vứt rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường… và biết nhận lỗi nếu làm sai. Những bài học này sẽ là nền tảng giúp trẻ hình thành quy tắc, nề nếp, sống có kỷ luật và nhân ái, trách nhiệm.

Thầy Lâm Tùng Bách (Phó Hiệu trưởng Trường TH Trần Nhân Tôn, Q.10, TP.HCM): Cần giải thích để trẻ hiểu thế nào là sống có trách nhiệm?

Dạy trẻ sống có trách nhiệm là một mảng nội dung giáo dục trong nhà trường, thể hiện thông qua các môn học: đạo đức, giáo dục công dân, hoạt động phong trào thi đua, hoạt động xã hội… Qua đó các em được trang bị kỹ kiến thức bên cạnh kỹ năng sống như: biết lễ phép, quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh, luôn cố gắng hoàn thành các công việc cá nhân, công việc tập thể, tuân thủ các quy tắc chung. Những giá trị này không chỉ thể hiện trong nhà trường mà trẻ sẽ thể hiện cả khi về nhà, ra ngoài xã hội. Một đứa trẻ sống có trách nhiệm sẽ biết nhận lỗi, sửa sai, mạnh dạn, trung thực, sống không buông thả và luôn có tinh thần tự giác rất cao. Nhưng đối với trẻ nhỏ, bản thân các em chưa nhận thức được hết vấn đề sống có trách nhiệm là sống như thế nào. Vì thế trong quá trình nuôi dạy, người lớn cần giải thích rõ để trẻ hiểu thế nào là sống có trách nhiệm. Ví dụ một hành vi bỏ rác đúng nơi quy định sẽ góp phần giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường là một trách nhiệm. Tham gia phong trào nuôi heo đất, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình cũng là sống biết quan tâm, thể hiện trách nhiệm đến cộng đồng. Ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ khi ở nhà hoặc đi chơi, đến trường cũng thể hiện trách nhiệm tác phong đối với bản thân, nhà trường…

Để một đứa trẻ sống có trách nhiệm, người lớn phải quan tâm, giáo dục trẻ thông qua những bài học, việc làm phù hợp với từng độ tuổi, nhận thức. Theo đó, các em không chỉ trưởng thành về tri thức mà còn trưởng thành cả về  lối sống, nhân cách sau này.

Ngọc Trinh (ghi)

Bình luận (0)