Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Sóng” đang gây chú ý

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều tràng pháo tay đã vang lên để tán thưởng vở nhạc kịch "Sóng", do NSƯT Cao Ngọc Ánh làm tổng đạo diễn

Đó là không khí tại Nhà hát Hòa Bình (TP HCM) vào tối 25-6, khi Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn "Sóng" – vở nhạc kịch thuần Việt, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thật của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

Nỗ lực đáng ghi nhận

NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ và là tổng đạo diễn vở nhạc kịch "Sóng", cho biết: "Nhà hát Tuổi Trẻ đã ấp ủ một vở nhạc kịch hoàn toàn vì cộng đồng, lấy khán giả làm trung tâm. Do vậy, tất cả các công đoạn của vở – từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… – đều được "đo ni đóng giày" để "Sóng" gần gũi với khán giả đương thời".

Được biết, ê-kíp "Sóng" mất 9 tháng để tuyển chọn diễn viên cho phù hợp với từng nhân vật. Sau đó, mất thêm 3 tháng đào tạo cơ bản về hát, múa, diễn kịch. Phần âm nhạc của "Sóng" được đặc biệt chú trọng, ngoài dàn nhạc, ê-kíp còn kỳ công phổ nhạc nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh như "Mắt của trời xanh", "Nhà chật", "Tự hát"… để nói lên tiếng lòng nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với những người yêu thơ Xuân Quỳnh.

Sóng đang gây chú ý - Ảnh 1.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Sóng”, diễn tối 25-6 tại Nhà hát Hòa Bình TP HCM. Ảnh: Thanh Hiệp

Góp phần thành công cho vở nhạc kịch "Sóng" là sự xuất hiện của các diễn viên trẻ. Đóng chính trong vở nhạc kịch "Sóng" là diễn viên trẻ Thu Thảo vai Xuân Quỳnh, ca sĩ Lê Việt Anh vai Đăng Dương – nguyên mẫu Lưu Quang Vũ. Có thể nói, Lê Việt Anh đã chạm đến thành công khi thể hiện tốt vai diễn nặng ký này. Anh đã đặt mình vào một khát khao lớn để hoàn thiện hơn về kỹ năng diễn xuất, thoại kịch và hát, múa.

Với Thu Thảo, Xuân Quỳnh là vai diễn đầu tay. Thu Thảo sinh năm 2001, sinh viên Trường Đại học Văn hóa, chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật, Khoa Quản lý văn hóa – nghệ thuật. Cô đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả TP HCM. Nhiều khán giả dành lời khen ngợi khi cô diễn qua nhiều giai đoạn cuộc đời của nhà thơ, ở mỗi khoảnh khắc đều toát lên vẻ đẹp, khắc họa được một Xuân Quỳnh đương đầu với nhiều gian khó, giữ vững tình yêu và hạnh phúc.

Những nhận xét đáng lưu tâm

Theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, những bài thơ của Xuân Quỳnh rất hay nên phổ nhạc không quá khó. Điều khó nhất là hòa quyện làm sao để nhạc kịch không phải là một chương trình ca nhạc tổng hợp. TS Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM) thì cho rằng tiếc là nhạc kịch chưa cho thấy được một nhà thơ Xuân Quỳnh đối diện với những cơn sóng cuộc đời đã làm nên những áng thơ tuyệt đẹp.

Sóng đang gây chú ý - Ảnh 2.

Cảnh trong vở nhạc kịch "Sóng" diễn tại Nhà hát Hoà Bình. Ảnh: Thanh Hiệp

Một số nhà chuyên môn cho rằng phần âm nhạc của "Sóng" mang màu sắc quá hiện đại, chưa phù hợp với thời kỳ của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ mà khán giả mong chờ được nhắc lại, kể lại như hồi ức về thời bao cấp khó khăn của đất nước.

Kế đến, kịch bản của "Sóng" vẫn còn nhiều chi tiết thừa. Chẳng hạn, các "công nhân hậu đài" trong chuyến lưu diễn ở Nga chẳng ăn nhập gì với nội dung vở nhưng vẫn hát, múa quá dài. Bà trưởng đoàn cáu kỉnh được miêu tả quá tỉ mỉ cũng chiếm nhiều thời lượng. Các nữ phóng viên ganh tị, ghen tức với Quỳnh trong tòa soạn cũng không cần thiết đặc tả nhiều đến thế. Cảnh ra tòa ly hôn dù lướt qua theo hình thức minh họa cũng chưa đắt.

Đặc biệt, cảnh nhân vật Quỳnh nhập viện do bệnh tim hành hạ, cô đã dằn vặt trong suy nghĩ; nhân vật Đăng Dương gặt hái nhiều thành tựu, trở thành tác giả được nhiều đoàn kịch chọn kịch bản để dàn dựng; Đăng Dương đi Vinh tham dự hội diễn kéo dài một tháng, hay đúng hơn, ông thường xuyên đi công tác xa nhà, được bao quanh bởi nhiều bóng hồng ngưỡng mộ nhưng rồi Đăng Dương quay về quá đột ngột. Mạch chuyển này cần nhấn mạnh thì lại để trôi tuột cảm xúc.

Sóng đang gây chú ý - Ảnh 3.

“Sóng” đã gây chú ý đối với giới làm sân khấu. Ảnh: Thanh Hiệp

Ngoài ra, những ai yêu thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đều biết chính trong lúc cô độc, bà bắt đầu tự vấn về cuộc đời, ước mơ và tình yêu đích thực mà bà nâng niu. Lẽ đó, những lát cắt về quá trình hình thành nên tính cách, hành động của nhân vật Quỳnh bị rơi vào rời rạc, xem không thấy sự liền mạch cũng là việc đáng lưu tâm.

“Sóng” đã gây chú ý đối với giới làm sân khấu. Nỗ lực thực hiện vở nhạc kịch thuần Việt trong giai đoạn hiện nay là điều đáng quý, trước xu thế nắm bắt nhu cầu thích xem nhạc kịch của khán giả trẻ.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)