Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Sống đời kỳ vĩ trên đỉnh hỏa sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một Giáng sinh quây quần bên gia đình, nhiều người dân châu Âu trốn cái lạnh bằng cách đi đến những vùng nắng ấm. Chưa hết tuần đầu tiên của năm mới, tôi cũng hòa vào dòng người “chạy rét” đến với La Palma, hòn đảo trên Đại Tây Dương bên cạnh châu Phi, thuộc Tây Ban Nha.

Bước lên mây trắng dạo chơi

Khi lên đến đỉnh miệng núi lửa, du khách thường lấy nham thạch xếp thành hình những trái núi, dù không lâu sau bị gió làm đổ đi

Khi máy bay chao cánh để chuẩn bị đáp xuống đường băng, tôi háo hức ngó ra bên ngoài ô cửa nhỏ và bỗng thoáng thất vọng vì thấy rõ tuyết trắng từng mảng, làm sao mà ấm áp nổi. Một hành khách đã có bốn mùa đông ở đây phì cười giải thích rằng những mảng trắng sáng lóa đó không phải tuyết. Đó là các mái nhà nilon trắng, có tác dụng bảo vệ những vườn chuối khổng lồ.

Chiếc xe hơi từ tầng hầm sân bay đưa chúng tôi vào đảo trên con đường dốc ngoằn ngoèo, một bên là vách núi và bên kia là biển xanh sâu thẳm.
La Palma là một trong bảy hòn đảo tạo thành quần đảo Canary nổi tiếng. Chúng được hình thành từ những cuộc phun trào núi lửa không mệt mỏi từ hàng triệu năm nay. Lúc đi, tôi mường tượng sẽ có một kỳ nghỉ tĩnh lặng bên bờ biển cát vàng mịn màng, nhưng cuối cùng, tôi chỉ chạm vào nước biển độ chừng… một giờ trước khi chia tay.

Phía Bắc đảo là nơi rộng nhất, cao nhất và được hình thành sớm nhất. Đỉnh núi Roque de Los Muchalos là một trong những nơi được du khách ví von “chưa đến đó là chưa đến La Pama”. Đây là miệng núi lửa đã xói mòn lớn nhất thế giới. Chúng tôi đến nơi này bằng con đường cắt chéo từ Santa Cruz – thủ phủ của đảo.

Du khách đi dạo thành phố Santa Cruz, thủ phủ của đảo

Hướng lên đỉnh núi, đi trên đường dài khoảng sáu cây số có những đoạn người ta đang xẻ núi làm đường, khiến du khách phải choáng ngợp. Những vách nham thạch lớp sau phủ tràn lên lớp trước tạo ra nhiều hình thù rất cổ quái. Có khi đó là một dòng đá đỏ lừ như một con trăn khổng lồ uốn lượn theo vách núi, có khi lại mang màu ngọc bích đổ dài từ trên cao xuống như một dòng thác bị đóng băng
Tại độ cao 2.426m, khách ngất ngây như lạc vào một thế giới khác. Tầng tầng lớp lớp mây trắng trôi bồng bềnh dưới chân, chừng như với tay lên là chạm được vào trời xanh, còn bước xuống một bước đã lạc vào mây trắng. Chính trên đỉnh núi này, người ta đang lắp đặt hệ thống đài thiên văn quốc tế lớn nhất thế giới.

Từ độ cao 2.426m, tay như có thể chạm đến trời xanh
Sau khi tận hưởng những giờ phút ở “thiên đường”, du khách mới bước vào chuyến thám hiểm thực sự. Tại đây có một cabin nhỏ, có nhân viên du lịch hướng dẫn du khách đi theo từng ngả khác nhau tùy theo sức khỏe của từng người, mà chặng ngắn nhất là 9,8km, dài nhất là 53,8km. Tất cả các hành trình này đều không dành cho người sợ độ cao và yếu tim.
Tôi đã chọn đi con đường ngắn nhất, nhưng vì là lần đầu leo núi và thường xuyên bị chóng mặt khi nhìn xuống khe núi sâu hun hút bên dưới nên tôi đã phải đầu hàng, quay lại ngay ở kilomet thứ ba.
Sau một đêm nghỉ và tập cho thân thể, con mắt quen dần với những khúc cua cheo leo trên vách núi cạnh mây, hôm sau chúng tôi thăm Vườn quốc gia Caldera de Taburiente với quyết tâm chinh phục đỉnh Pico Bejenado cao 1.854m. Tại chân núi có một trung tâm hướng dẫn du lịch và phát phiếu gửi xe cho du khách. Điểm bắt đầu lội bộ ở độ cao 1.300m.
Sau ba giờ đánh vật với con đường mòn nhỏ dốc ngược rộng chỉ hơn nửa mét, tôi có cảm giác mình không chỉ thở bằng mũi và miệng, mà cả mắt và tai, bởi mắt liên tục nổ đom đóm và hai vành tai nóng bừng. Để đi hết 500m, chúng tôi phải đi theo đường zíc zắc gần năm cây số. Cứ gặp một đỉnh cao trước mặt là lại hy vọng đã đến nơi, nhưng thực ra chỉ là những khúc ngoặt theo vách núi.
Càng đi lên những tầng cao, phong cảnh càng đổi khác. Chúng tôi say mê quan sát sự hùng vĩ và biến ảo liên tục đó. Một vị khách người Áo nhắc nhở: “Nếu ngắm cảnh thì hãy dừng lại, còn đi thì nhớ nhìn xuống chân mình”. Quả thật, chỉ một lần bước sai ở vách núi dốc đứng này thì thung lũng bên dưới sẽ nuốt chửng lấy bất kỳ ai.
Đến quá trưa, khi chạm tay vào tấm biển “Pico Bejenado 1.854m”, tôi không tin được đó là sự thật. Trên đỉnh cao này, du khách cùng trò chuyện vui vẻ và tự khen nhau về chặng đường đã qua. Lúc được anh bạn người Áo chia cho quả quýt, tôi phát hiện ra một hộp sắt gắn bên dưới cây thánh giá bằng gỗ.
Tò mò mở ra xem, tôi thấy bên trong có một cuốn sổ dày để du khách ghi những dòng cảm tưởng khi leo đến đây. Tìm mãi mới thấy một khoảng trống nhỏ, dù cuốn sổ ấy chỉ mới được bắt đầu viết từ ngày 7-12-2009, tôi viết vào đó mấy dòng tiếng Việt để làm kỷ niệm.
Nơi phát xuất “kịch bản” của ngày tận thế
Đã đến đảo núi lửa nên mọi người đều muốn ít nhất một lần tận mắt nhìn xem miệng núi lửa ra sao. Chặng đường từ Refugio del Pilar – trung tâm phía Nam đảo đến thị trấn Fuencaliente là một trong ba chặng thám hiểm được xếp hạng khó cấp độ “ba quả chuối”. Hòn đảo được hình thành từ vô số các vụ phun trào núi lửa nên trên mặt đất không có đất thịt.
Từ hàng trăm năm nay, nguồn thu chính của đảo là nhờ chuối. Tất cả những khu vực bụi núi lửa ven biển được thời gian và con người cải tạo thành những nông trường chuối xanh bất tận. Vì thế hình ảnh cây chuối, quả chuối được dùng làm biểu tượng ở nhiều lĩnh vực. Trên bản đồ du lịch, ký hiệu một quả chuối là bình thường, hai quả là khó và ba quả là khó nhất.

Tận dụng mọi địa hình để trồng chuối
Nếu phần phía Bắc đảo là khu vực hình thành sớm và đã có màu xanh của rừng thông, thì phía Nam đảo lại có cảnh tượng khác. Thành của các miệng núi lửa đã qua ngàn năm tuổi nhưng vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu, vì đá ở đây cứng như sắt. Chỉ một số cây họ rong, rêu, xương rồng mới đủ sức dũng cảm bám vào đá mà sinh sôi. Chúng tôi đi chặng này bằng xe bus, từ điểm đầu đến điểm cuối hết khoảng mười giờ. Xe bus thả khách ở El Pilar để du khách đi bộ và 6 giờ chiều sẽ đón tại điểm đến phía Nam đảo.
Tôi đã tiếc đến ngẩn ngơ vì chiếc máy ảnh du lịch không thể thu hết vào khuôn hình những vòng tròn sâu hun hút quá lớn nối tiếp nhau. Tại mũi phía Nam đảo có hai núi lửa trẻ nhất là San Antonio (phun trào năm 1966) và Teneguía (năm 1971). Tại ngọn Teneguía, các lớp nham thạch vẫn còn đỏ hồng như gạch mới nung. Người hướng dẫn cho biết rằng mấy năm trước, du khách vẫn có thể luộc trứng tại đây nhờ hơi nóng của đá.
Một góc miệng núi  lửa San Antinio
Bước đi trên những dòng nham thạch đông cứng, tôi nhớ đã đọc đâu đó trên Internet về các thảm họa dẫn đến ngày tận thế. Các nhà khoa học giả tưởng Hoa Kỳ đã xem La Palma là một trong năm dấu hiệu báo ngày tận thế. Đó là khi các núi lửa ở đây phun trào và tạo nên sóng thần trên Đại Tây Dương. Cả mũi phía Nam đảo bát ngát chỉ một màu đen của bụi núi lửa. Trận hỏa hoạn kinh hoàng vào mùa hè năm 2009 đã thiêu rụi hết các cánh rừng thông, làm cho đất trời thăm thẳm đen và u hoài hơn.
Rồi cũng đến lúc phải trèo xuống. Tôi chọn chặng đi dọc thung lũng có tên là Sợ hãi, cũng mang cấp độ “ba quả chuối” vì có vẻ đẹp quá “ồn ào”. Lúc này, da của tôi đã bắt đầu bị tróc từng lớp vì cháy nắng. Vì thế, khi gặp làn hơi mát lạnh, ẩm ướt thổi ra từ phía đầu nguồn, ai cũng cảm thấy vô cùng sảng khoái. Thêm vào đó, tiếng nước chảy róc rách không ngừng cũng làm du khách vui hơn vì đã nhiều ngày trên lưng chừng trời chỉ thấy thăm thẳm những vách núi sắc nhọn đầy thách thức. Đôi khi có tiếng gió thổi vút qua rồi lại bị các ngách núi hút trọn.
Khe núi bắt đầu hẹp dần. Dòng suối nhỏ cuộn nhanh hơn, nước va đập vào đá ồn ào hơn. Buổi sáng, trước khi xuất phát, nhân viên thông tin ở chân núi cảnh báo chưa đi được ngay vì nước còn chảy mạnh. Thế nhưng thời gian nghỉ đã bước vào những ngày cuối cùng, chúng tôi không thể chờ dòng suối hết hung dữ mới đi. Mỗi cây số tiếp theo càng khó vượt hơn.
Ngổn ngang trong lòng thung lũng là những khối nham thạch to như những ngôi nhà. Với một chút tưởng tượng, tôi cứ liên tục bị ngạc nhiên vì gặp hết hoa hồng, đám mây, rừng cây đến em bé gái… Đó là những nếp gấp của đá theo dòng chảy của dung nham trước kia.
Dòng suối nhỏ hiền hòa là vậy, nhưng chỉ cần một cơn mưa là trong chốc lát sẽ biến thành thác dữ. Nghe nói hai tháng trước, ba du khách đã bị cuốn ra cửa biển. Vừa ngước nhìn hai vách đá sừng sững trên đầu, có nhiều mỏm lỏng lẻo chỉ chực rời ra, tôi cảm thấy hơi sợ. Lội suối và trèo qua từng khối đá to để tiến vào thung lũng, có cảm tưởng mình đang đi giữa ban sơ thuở hồng hoang.
Bãi biển đồng đen lạ mắt
Ngày cuối cùng, chúng tôi dành chút thời gian ra bãi biển “màu đồng đen”. Không thể tắm được ở đó vì sóng biển quá cao, ven bờ chỗ nào cũng giăng cờ đỏ cấm bơi. La Pama thực tế là quả núi khổng lồ có chân ở dưới biển, vì thế bãi tắm vẫn là một sườn dốc khá sâu. Bụi núi lửa tạo thành các bãi tắm đen tuyền lạ mắt.
Nếu thiên nhiên hoang sơ, biến ảo của đảo hút hồn du khách, thì các vách núi và đường mòn trên không lại thách thức, khiêu khích năng lực thám hiểm của nhiều người. Bây nhiêu đó đủ để La Palma ngày càng nổi tiếng. Đã có ý kiến cho rằng quá đông du khách đến đây sẽ làm xáo trộn cảnh quan tự nhiên và hủy hoại môi trường. Thậm chí có đề nghị không nên giới thiệu về La Palma. Thế nhưng, tôi không thể kìm lòng để không viết về ngọn hỏa sơn kỳ ảo ấy…
Chót mũi phía Nam đảo, nơi có ngọn hải đăng cổ nhất châu Âu
Người dân câu cá trên đảo trong khi sóng biển mỗi lúc mỗi dâng cao

Theo THANH LUYẾN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bình luận (0)