Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Sống “khoẻ” không cần bằng đại học

Tạp Chí Giáo Dục

"Mỗi khi nhận máy hỏng, tôi rất háo hức bởi mong muốn tìm hiểu, khám phá nguyên nhân. Có lẽ đó chính là một nét hấp dẫn của nghề sửa điện thoại di động" – Hà Sỹ Lợi – kỹ thuật viên tại Cty Vietfone (Hà Nội) – chia sẻ.

Người trẻ
Hà Sỹ Lợi chọn nghề sửa chữa điện thoại sau khi thi trượt ĐH năm 2006, anh lý giải: "Nhiều người dùng điện thoại, ắt sẽ có nhiều người cần sửa và thợ nghề sẽ không thiếu việc. Nghề mới mẻ, thu nhập ổn định không kém công việc buôn lá chuối của gia đình tôi tại Thường Tín (Hà Nội). Không có cơ hội lập nghiệp từ bằng ĐH, nhưng nhờ chắc nghề nên tôi vẫn sống khỏe".
Trẻ tuổi, nhanh nhẹn là đặc điểm chung của nhiều bạn trẻ theo nghề sửa chữa điện thoại. Anh Nguyễn Duy Thức – cơ sở dạy nghề sửa điện thoại 126 Thanh Xuân (Hà Nội) – cho biết: "Trong hơn 200 học viên từng học ở cơ sở, phần lớn tuổi từ 16-25. Tuổi trẻ cho họ sự tinh mắt, nhanh nhẹn. Sự trung thực cũng quan trọng, vì thợ sẽ trực tiếp báo bệnh và giá sửa máy với khách".
Thời gian học nghề từ 3-5 tháng, thợ học việc bắt đầu từ cách cầm panh gắp linh kiện, sử dụng đèn khò và đồng hồ kẹp dòng… Lâu hơn, thợ giỏi sẽ hướng dẫn họ cách chữa các bệnh: Mất nguồn, mất sóng, không nhận sim, hỏng cáp…
Thợ nghề giỏi sẽ được nhận biết ra sao, anh Trần Văn Long – kỹ thuật viên Cty điện thoại Long Tú (Thái Hà, Hà Nội) – chia sẻ: "Trước một chiếc máy hỏng, thợ giỏi nghề sẽ bình tĩnh phán đoán bệnh, từ đó khoanh vùng những "bệnh" có thể xảy ra. Thợ cũng phải thành thạo mở – lắp các loại máy khác nhau, tay không run khi gắp các chi tiết máy…".
Sống bằng nghề
Anh Nguyễn Duy Thức cho biết: "Kết thúc vài tháng học nghề, người thợ mới chỉ hiểu biết kiến thức cơ bản, để vững nghề, họ phải bươn chải nhiều. Thợ vững nghề được các chủ hàng trả lương khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, còn tự mở cửa hàng thì thu nhập khá hơn nhiều".
Muốn tự mở cửa hàng, trước hết phải có vốn, trình độ và hiểu tâm lý khách. Với số vốn từ 20-30 triệu đồng, thợ dùng để mua vật tư, thuê cửa hàng… "Việc hiểu tâm lý khách hàng rất quan trọng. Đa số khách đều muốn sửa máy nhanh và giá rẻ" – Hà Sỹ Lợi bổ sung.
Có bao giờ thợ đổi phụ tùng của khách? Hà Sỹ Lợi tâm sự: "Đổi phụ tùng máy quá dễ, nhưng như thế thì chả khác việc tự chặt tay mình! Khách có thể đưa ra hàng khác để kiểm tra. Kinh nghiệm của tôi là mở máy trước mặt khách và thỏa thuận về giá…".

Theo LD

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)