Ông Trương Minh Tường ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đã biến đất vườn thành vườn rau, nuôi bò sinh sản với thu nhập hơn 130 triệu đồng/năm.
Ông Tường (53 tuổi) quê ở vùng biển Long Thủy, xã An Phú (TP.Tuy Hòa), có nghề sửa chữa ô tô. Nhưng khi lập gia đình, ông chuyển về quê vợ ở xã Hòa Kiến lập nghiệp. Từ đây, ông chuyển sang làm nông nghiệp. Ban đầu, thấy đất đai ở xã Hòa Kiến rộng, thuận lợi cho việc trồng trọt nên vợ chồng ông gom tiền mua 5 sào đất (mỗi sào 500 m2) trồng chuối. Cây chuối được chăm sóc kỹ, lại có nước tưới nên năng suất cao, cho thu nhập khá. Thế nhưng, mỗi khi mùa mưa bão đi qua là vườn chuối lại tan hoang, phải trồng mới, rất tốn kém nên ông quyết định bỏ chuối và chuyển sang trồng rau ăn lá như xà lách, cải, ngò…
Trên 5 sào đất của gia đình, ông Tường chia ra từng luống nhỏ, mỗi luống trồng một loại rau để tránh tình trạng khi vào kỳ thu hoạch sản lượng nhiều, bị mất giá. Đồng thời, ông còn phân chia vụ sản xuất, không xuống giống đồng loạt mà mỗi lứa rau cách nhau từ 7 – 10 ngày để lúc nào trong vườn cũng có rau bán.
Với cách tính toán trên, gần 30 năm trồng rau nhưng chưa khi nào ông Tường bị thất thu từ nghề này. Theo ông Tường, việc sản xuất rau của ông rất thuận lợi nhờ diện tích đất của gia đình ở vị trí cao ráo, có nguồn nước tưới ổn định, mùa khô không sợ thiếu nước, mùa mưa không bị ngập úng. Mỗi năm, trên diện tích đất này ông canh tác được 10 vụ rau. Bình quân mỗi sào thu hoạch được khoảng 800 kg/lứa, cho lãi khoảng 2 triệu đồng, tương đương mỗi năm ông thu được khoảng 100 triệu đồng. Để tăng thu nhập, ông nuôi thêm 3 con bò sinh sản, mỗi năm cho lãi gần 30 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Tường còn rất chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn, mô hình sản xuất rau an toàn, VietGAP… do địa phương tổ chức, qua đó tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật để phục vụ cho việc sản xuất mang lại hiệu quả cao, giúp hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là biết được tính nguy hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên ông rất hạn chế sử dụng.
Năm 2013, ông Tường thấy những người trồng rau nơi khác đầu tư hệ thống tưới phun đem lại hiệu quả cao, ông đầu tư lắp đặt giàn tưới phun vườn rau của mình. Ông Tường chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng rau tuy không vất vả nhưng rất nhọc công, để rau phát triển tốt, mỗi ngày phải tưới nước 3 – 4 lần. Với diện tích canh tác rộng, gần như tôi không còn thời gian rảnh. Từ khi lắp giàn tưới phun, không chỉ tiết kiệm được công sức, năng suất rau còn tăng 30% so với trước”.
Ông Lương Công Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Kiến, nhận xét: “Năng suất vườn rau của ông Tường tăng là nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để tăng hiệu quả canh tác, nâng cao thu nhập. Ông là nông dân đầu tiên ở địa phương ứng dụng công nghệ tưới tự động vào sản xuất đem lại hiệu quả cao nên nhiều nông dân khác đã học tập làm theo. Đến nay, xã Hòa Kiến đã có khoảng 20 hộ dân ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến này vào canh tác”.
Đức Huy – Tuyết Hương (TNO)
Bình luận (0)